Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG PHÒNG CHỐNG VĂN HÓA XẤU ĐỘC HIỆN NAY

 


 

Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh nội sinh và sức sống của mỗi dân tộc đồng thời để nhận diện giữa dân tộc này với dân tộc khác. Quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập với thế giới ngày càng sâu, rộng, bên cạnh việc tiếp thu những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức, nguy cơ không nhỏ. Nếu chúng ta không sớm nhận diện, tỉnh táo và có biện pháp phòng ngừa từ xa thì sẽ đứng trước thử thách hết sức khó khăn của các thế lực thù địch. Bởi vì, cuộc “xâm lăng văn hóa” diễn ra từ từ, ngấm ngầm, dai dẳng, nhưng vô cùng tai hại.

Những năm gần đây nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bị đảo lộn, nhiều hành vi phản văn hóa mới xuất hiện đã và đang trở thành vật cản lớn đối với sự phát triển đất nước, ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do cuộc “xâm lăng văn hóa” nhằm vào nước ta đang tấn công từ nhiều phía, từ nhiều hình thức, con đường, biện pháp khác nhau với những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc. Các thế lực thù địch tìm mọi cách, lợi dụng sơ hở về chính sách, luật pháp Việt Nam; lợi dụng những mặt trái của internet để truyền bá các tư tưởng ngoại lai, các sản phẩm văn hóa, thông tin xấu độc vào nước ta; tiêm nhiễm những suy nghĩ tiêu cực vào tâm hồn của giới trẻ, qua đó là dao động niềm tin, từng bước thay đổi tâm lý, lối sống hành vi, đạo đức, làm cho giới trẻ bị cuốn vào lối sống vị kỷ, thực dụng, sa vào chủ ngĩa cá nhân, ngày càng xa rời lý tưởng, lẽ sống, niềm tin mà các thế hệ cha ông đã phải đổ bao xương máu, mồ hôi, công sức mới vun đắp tạo dựng được.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã chỉ ra: “Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục...Tình trạng nhập khẩu, quản bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”.

Trước thực tế hiện nay, chúng ta không thể coi nhẹ, xem thường mà phải thường xuyên tích cực vun đắp, nâng cao sức đề kháng văn hóa cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; tăng cường khả năng phòng ngừa, bảo vệ, chống lại các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại từ bên ngoài. Giữ gìn, bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, có thể khẳng định rằng, việc huy động các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay góp sức bồi đắp, nâng cao sức đề kháng văn hóa cho dân tộc chính là bảo đảm cho sức sống và sức mạnh văn hóa Việt Nam luôn được bảo tồn, bền vững trong thời đại công nghệ hiện nay; bảo đảm cho những giá trị tinh hoa của dân tộc không bị pha trộn, mất gốc hay đồng hóa trước các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài. Bảo đảm cho chúng ta sống trong hòa bình có môi trường văn hóa tốt nhất để ổn định và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

                                     A.V.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét