Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

TỈNH TÁO TRONG TIẾP NHẬN THÔNG TIN MẠNG XÃ HỘI


Đình Duyên 
 Hiện nay, nhận thức, quan điểm về internet, mạng xã hội và tham gia mạng xã hội của một số người chưa đúng, chưa đầy đủ. Do cách nhìn thiên về mặt trái của mạng xã hội nên vẫn có người nhìn nhận mạng xã hội với thái độ thành kiến. Đi kèm với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, Việt Nam cũng là quốc gia có nguy cơ xảy ra các hành vi phạm pháp luật từ mạng xã hội.
Đặc biệt, tình trạng tin giả, lừa đảo, xuyên tạc, bịa đặt qua mạng xã hội là một trong những vấn đề nhức nhối nổi lên thời gian qua. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu? Phân tích chúng ta thấy dư luận phản ứng rất mạnh mẽ trước những vấn đề thuộc giá trị đạo đức truyền thống hoặc các vấn đề nóng, vấn đề có tính thời sự cao trong đời sống xã hội. Lợi dụng yếu tố tâm lý này, nhiều người đã tạo ra các tin giả, tin lừa đảo, tin bóp méo, xuyên tạc sự thật với động cơ và mục đích cá nhân. Vì mục đích kinh tế mà một bộ phận bán hàng online cố tình tạo ra tin giả và lan truyền tin giả nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng vào trang mạng xã hội của mình.

Sự bùng phát của tin giả, tin xuyên tạc cũng một phần do chính những người tiếp cận thông tin, những người tham gia mạng xã hội. Do nhận thức hạn chế, thiếu kiến thức và kinh nghiệm cần thiết nên không ít người không biết thông tin mình tiếp cận là đúng hay sai, có cơ sở khoa học hay không, tác động, ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội như thế nào nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận một cách tùy tiện, vô trách nhiệm... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Một số đối tượng mang danh “thực hiện quyền tự do ngôn luận” thông qua mạng xã hội để “bày tỏ quan điểm cá nhân” nhưng thực chất là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và đã bị xử lý trước pháp luật. Sau mỗi trường hợp bị xử lý, các thế lực thù địch, phản động lại lu loa rằng “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do internet”... Cần khẳng định rõ rằng giọng điệu ấy không nhằm mục đích gì khác là bao che, dung túng, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật và sâu xa là chống phá Việt Nam. Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do mạng xã hội là nhiệm vụ của mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng cũng như các quyền cơ bản khác, quyền tự do mạng xã hội chỉ được bảo vệ khi nó được dùng vào mục đích đúng đắn và phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Mọi hành vi lợi dụng quyền này để vi phạm pháp luật thì không chỉ có Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải xử lý nghiêm minh.
Tin giả lan truyền nhanh nhất ở bộ phận độc giả thiếu hiểu biết nhưng lại quá nhẹ dạ, cả tin… Do vậy, mỗi người cần đề cao trách nhiệm tự thân, nâng cao trách nhiệm đối với các nội dung được đăng tải, chia sẻ. Có thể ví mạng xã hội như cái chợ, ở đó người ta bán đủ thứ thông tin, hình ảnh mà không ai kiểm chứng, kiểm duyệt. Ở đó có cả hàng thật lẫn hàng giả, hàng nhái; lẫn cả hàng tươi ngon với hàng ôi thiu… Mỗi chúng ta hãy trở thành những người “tiêu dùng thông thái” khi tham gia vào chợ thông tin này. Hãy giữ cho mình tác phong thận trọng và luôn mang tâm thế của người hiểu biết, tỉnh táo. Chỉ có như vậy mới tạo ra cho mình một bộ lọc chuẩn trong thời đại "bão" thông tin.
Để đối phó với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, trước hết cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người thấy rõ tính nguy hại của vấn đề; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là người tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo trong tiếp cận thông tin để tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời tích cực đấu tranh với vấn nạn tin giả.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét