Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

TÍCH CỰC ĐÂU TRANH PHÒNG, CHỐNG NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ VIỆT NAM HIỆN NAY


                                                                                     Xuân Thanh

          Tôn giáo là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, luôn được các thế lực thù địch“ưu tiên”sử dụng, với cái gọi là“tự do tôn giáo”, coi đó là ngòi nổ nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”chống phá cách mạng nước ta. Đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, các lực lượng và của cả hệ thống chính trị.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với hơn 25 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 27% tổng dân số; có 14 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động. Ngoài các tôn giáo lớn du nhập từ nước ngoài, như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Bàlamôn, còn có các tôn giáo nội sinh, như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương...Trong những năm gần đây, các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động nhằm phát huy ảnh hưng trong đời sống tinh thần xã hội; mở rộng ảnh hưởng, thu hút tín đồ; tăng cường quan hệ với các tổ chức tôn giáo thế giới. Các cơ sở tôn giáo được tu bổ, xây dựng mới khang trang đẹp đẽ; các lễ hội tôn giáo diễn ra sôi động ở nhiều nơi;đại đa số các tín đồ, chức sắc tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, theo hướng “tốt đời, đẹp đạo”. Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo thời gian qua vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định chính trị - xã hội. Những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá nước ta thường tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo, đòi hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước. Các thế lực thù địch hiểu rất rõ vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo nhằm bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, mỗi khi Đảng, Nhà nước ta có những chủ trương, chính sách mới liên quan đến tôn giáo cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; phù hợp với tâm tư, tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng của các tín đồ tôn giáo thì các thế lực thù địch lại tăng cường các hoạt động xuyên tạc, tìm cách ngăn cản chức sắc, tín đồ thực hiện. Luận điệu của chúng là, tôn giáo phải độc lập với Nhà nước, không chịu sự quản lý của Nhà nước, vu cáo Nhà nước ta can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo. Chúng xuyên tạc trắng trợn rằng: tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị quấy nhiễu, nhiều người bị cầm tù vì niềm tin tôn giáo. Đồng thời, các thế lực thù địch còn tâng bốc, ca ngợi tự do tôn giáo ở các nước tư bản được tự do hoạt động, chính quyền không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, vì đây là quyền tự do của công dân… Những luận điệu đó đã làm cho không ít các tín đồ tôn giáo hoài nghi về chính sách, pháp luật tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều người ngộ nhận cho rằng, tất cả các hoạt động tôn giáo không phải xin phép chính quyền; từ đó, có những hành vi chống lại chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tạo ra những bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, vu cáo Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luận điệu này không có gì mới, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó đánh đúng vào quy luật tâm lý: cứ nói mãi điều không có thật, quần chúng nhân dân sẽ tin là có thật. Điều này đã khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân (chủ yếu ở nước ngoài) bị bưng bít thông tin, ngộ nhận, nhìn nhận sai lệch dẫn đến thiếu thiện cảm, thậm chí có những lời nói và việc làm chống phá Việt Nam. Đặc biệt, chúng lợi dụng những thiếu sót trong thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của một số ban, ngành, địa phương để vu cáo, xuyên tạc và cho rằng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta là “không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của nhân dân... Chúng còn trắng trợn vu cáo Nhà nước Việt Nam truy bức tôn giáo với luận điệu:“Chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm tệ hại nhân quyền”; “sách nhiễu”, “ngăn cấm”, một số phần tử cực đoan đã có hành vi gây rối, chống đối, tán phát nhiều tài liệu phản động, vu cáo Đảng và Nhà nước ta “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm tự do tôn giáo”…
Thứ ba, xuyên tạc trắng trợn tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lốicủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, các thế lực thù địch còn tìm cách xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Chúng đưa ra những nhận định méo mó về tình hình tôn giáo ở Việt Nam rằng: “Nếu theo một tôn giáo không được chính phủ công nhận, họ còn bị đặt trước nguy cơ bị kỳ thị, bị ngược đãi bằng bạo lực và có khi còn bị bắt bớ”. Để tuyên truyền, xuyên tạc các vấn đề về tôn giáo ở Việt Nam, các thế lực và phần tử xấu thông qua Internet, qua con đường thăm thân, du lịch, trao đổi hợp tác quốc tế, hội thảo khoa học, viết bài, gửi tài liệu xuyên tạc tình hình các tôn giáo cho các trung tâm phá hoại tư tưởng ở nước ngoài để chống phá ta… Cùng với đó, thông qua nhiều con đường khác nhau, các thế lực thù địch còn cử nhiều đoàn vào Việt Nam gặp gỡ các chức sắc tôn giáo và đặt vấn đề cần có “tự do tôn giáo” ở Việt Nam; vu cáo Việt Nam không cho xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự của các tôn giáo; cản trở các hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành...
Thứ tư, xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam bắt người vì lý do tôn giáo và tìm cách can thiệp, đòi thả tự do cho số này mà họ cho là “tù nhân lương tâm”. Thông qua hoạt động của Đại sứ quán các nước tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch thường trà trộn người đi các tỉnh, thành của Việt Nam để “nắm tình hình” sinh hoạt của các tôn giáo. Tuy nhiên, thực chất của hoạt động này là trực tiếp tiếp xúc, kích động các chức sắc và tín đồ tôn giáo gây áp lực, đòi thả những tên đội lốt tôn giáo hoạt động chống phá bị ta bắt; “tiếp sức” cho các đối tượng đang có hoạt động chống đối; đồng thời cổ vũ, đề nghị tặng giải thưởng Nobel vì hòa bình hoặc các giải thưởng khác cho số này nhằm kích động họ tiếp tục chống đối. Nhìn lại những luận điệu xuyên tạc, vu cáocủa các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Việt Nam thời gian qua cho thấy: chúng đã lôi kéo được một số chức sắc, tín đồ do bất mãn cá nhân, hoặc tư tưởng chống đối chế độ đã có những hoạt động vi phạm pháp luật như chỉ đạo, kích động tín đồ gây rối an ninh, trật tự; chống người thi hành công vụ, ngăn cản việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương.… Khi những đối tượng này bị Nhà nước ta xử lý theo quy định của pháp luật thì ngay lập tức, các thế lực thù địch đã lên tiếng phản đối, tìm cách can thiệp đòi thả tự do cho số người này, vu cáo Đảng và Nhà nước ta “không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của công dân...
Để vô hiệu hóa những quan điểm sai tráicủa các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cánh mạng nước ta, cần thực hiện tốt một số nội dung biện pháp cơ bản sau:
Một là, tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, mà trực tiếp là đồng bào các dân tộc, tôn giáo hiểu rõ và thực hiện tốt đường lối, quan điểmcủa Đảng,chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải mang tính toàn diện, tổng hợp; trong đó, cần tập trung vào phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào có đạo. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu rõ âm mưu thủ đoạn chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lương - giáo của các thế lực thù địch, để đồng bào đề cao cảnh giác không bị chúng lừa gạt, lôi kéo, lợi dụng; đồng thời, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, thực hiện đúng chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Nhà nước ta luôn tôn trọngvà bảo đảmquyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và khôngtín ngưỡng, tôn giáo của công dân; nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt, đối xử vì lí do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…
Hai là, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Theo đó các cấp, các ngành, các lực lượng cần tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Ba là, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo.
Các cấp, các ngành, các lực lượng cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào có đạo nói riêng. Thường xuyên tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng bào các dân tộc, tôn giáo xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào vùng có đạo xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tham gia tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự ở địa bàn.
Bốn là, phát huy vai trò của người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Việt Nam.
Các cấp, các ngành, các lực lượng cần phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người có uy tín bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan đến dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh,... Quan tâm và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia hoạt động, phát huy tốt vai trò trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong vùng có đạo.
Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ráo riết tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc; trong đó, chúng triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo, coi tôn giáo là một trọng điểm “ưu tiên” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá nước ta. Do vậy,các cấp, các ngành, các lực lượng cần nhận rõ những quan điểm sai trái lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá nước ta của các thế lực thù địch; xác định nội dung, phương pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với những quan điểm sai trái đó; góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét