Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, NHẬN THỨC LỆCH LẠC VỀ GIÁ TRỊ, Ý NGHĨA CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP


                                                                      Linh Hăng
Có những người hoặc là do đối lập về lập trường chính trị, do thái độ thiếu thiện chí, hoặc là do nhận thức lệch lạc, đã cố tình làm suy giảm, phủ định, hoặc không thấy hết những giá trị của Tuyên ngôn. Họ cho rằng, Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1945 là sự "sao chép", "khuôn theo" những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp! Có người còn làm ra vẻ khách quan, khi cho rằng nội dung của Tuyên ngôn Độc lập là rất có giá trị, nhưng đó chỉ là giá trị mang tính dân tộc, "mang tầm dân tộc", không có ý nghĩa thời đại?! Không thể cố tình, hoặc hồ đồ nói rằng: Tuyên ngôn Độc lập là sự "sao chép", "khuôn theo" những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp! Nếu xét theo một lôgíc hình thức thì có vẻ như sự hồ đồ của một số người nào đó là "có lý" chăng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu lập luận của mình từ quyền con người, đó là quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, quyền đã được “tạo hóa” sinh ra, là giá trị được thừa nhận và đề cao trong các bản Tuyên ngôn của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp và khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được.

Thứ nhất, nếu như bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, mang tính chất tuyên ngôn về quyền con người, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của các dân tộc, mang tính chất của một tuyên ngôn về quyền dân tộc.
Xuất phát điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập cũng đi từ những quyền cơ bản ấy. Song trước hết, đó là quyền của toàn thể nhân dân Việt Nam, trực tiếp và chủ yếu là của công nhân, nông dân, nhân dân lao động, là quyền của những con người bị "đọa đầy đau khổ" đã đứng lên làm cánh mạng do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, phá bỏ mọi "gông xiềng" để xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho chính mình. Đó là sự khác nhau căn bản và là sự thể hiện tính hơn hẳn của Tuyên ngôn Độc lập so với hai bản tuyên ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn trong bản Tuyên ngôn của mình.      
Thứ hai, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại trình bày và tuyên bố về quyền con người, mà quyền con người cơ bản ấy được mở rộng hơn và nâng tầm cao hơn khi Người "suy rộng ra". Giá trị to lớn cả về tư tưởng, lý luận và thực tiễn; cả về lịch sử và hiện tại; cả đối với dân tộc và quốc tế, thời đại của Tuyên ngôn Độc lập thể hiện rất sâu đậm ở nội hàm của vấn đề "suy rộng ra" đó. Nguyên lý “mọi người sinh ra đều bình đẳng” được nhìn nhận từ vị trí của một cá nhân riêng biệt, nhưng cũng có thể được nhìn nhận từ vị trí của cả một dân tộc. Bất cứ thế lực nào, nếu vi phạm các quyền đương nhiên nói trên đều bị coi là phi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận nguyên lý này một cách thực chất và toàn diện. Sự "suy rộng ra”, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nghĩa là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ đó, Tuyên ngôn Độc lập đã long trọng tuyên bố với toàn thế giới về quyền được sống trong độc lập, tự do của “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay”; “và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Đó là bước phát triển mới có ý nghĩa thực sự to lớn, nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII lên ngang tầm lý tưởng của thời đại mới: thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại các dân tộc bị áp bức, bóc lột đấu tranh giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do và bước lên vũ đài sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người; và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Thứ ba, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí của cả dân tộc quyết tâm bảo vệ quyền con người và quyền tự do, độc lập dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh của những phẩm giá của con người và của dân tộc Việt Nam đã vùng dậy từ kiếp "ngựa trâu" giành chính quyền về tay mình, giành quyền được sống trong độc lập, tự do của cả dân tộc, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân. Sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền tự do, độc lập, tự chủ, tự quyết của dân tộc Việt Nam và ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc mình. Là lãnh tụ tối cao của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người đứng đầu Chính phủ lâm thời, đại biểu cho ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới quyền độc lập, tự do của dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ quyền dân tộc ấy.
Tuyên ngôn Độc lập đã trực tiếp khẳng định với toàn thể nhân dân thế giới về các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam vừa giành được bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Xét theo nội dung, tính chất và cả thời điểm ra đời, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới rõ ràng không phải là một sự kiện riêng lẻ, mang tính riêng biệt, cá biệt của Việt Nam, mà đó còn là một xu thế tất yếu của thời đại, là sự phản ánh xu thế thời đại. Các quyền con người, quyền dân tộc cơ bản được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không phải là một cái gì chỉ riêng biệt của Việt Nam. Các quyền ấy, bao gồm cả quyền con người và quyền dân tộc, đều là vấn đề toàn nhân loại.
Tuyên ngôn Độc lập ra đời không phải là sự "bột phát, ngẫu nhiên", mà đó là kết quả của cuộc đấu tranh gian khổ của cả dân tộc, của toàn thể nhân dân Việt Nam trong quá trình dài lâu mà trực tiếp là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuyên ngôn Độc lập không phải chỉ mang giá trị dân tộc như ai đó đã cố tình hiểu sai, mà nó còn mang tính quốc tế và thời đại sâu sắc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét