Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

XUYÊN TẠC VỀ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 1945 LÀ CÓ TỘI VỚI LỊCH SỬ



                                                                        Suốt 70 năm qua, nhiều chính khách, học giả, nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chính trị, pháp lý... đã tìm hiểu, nghiên cứu khám phá, phát hiện và khẳng định rõ những giá trị đích thực và to lớn của Tuyên ngôn độc lập. Tuy nhiên, vẫn có những người hoặc là do đối lập về lập trường chính trị, do thái độ thiếu thiện chí, hoặc là do nhận thức lệch lạc, đã cố tình làm suy giảm, phủ định, hoặc không thấy hết những giá trị của Tuyên ngôn. Họ cho rằng, Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945 là sự "sao chép", "khuôn theo" những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791 của Cách mạng Pháp! Có người còn làm ra vẻ khách quan, khi cho rằng nội dung của Tuyên ngôn độc lập là rất có giá trị, nhưng đó chỉ là giá trị mang tính dân tộc, "mang tầm dân tộc", không có ý nghĩa thời đại?!


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn ra tư tưởng của hai bản tuyên ngôn nổi tiếng và tiến bộ ở thế kỷ XVIII để làm tăng sức thuyết phục cho những lý lẽ của mình trong Tuyên ngôn. Nhưng đó không phải là sự "sao chép", "khuôn theo" như ai đó đã cố tình xuyên tạc, bóp méo.
Ở đây, cần làm rõ sự "vượt trội" sự khác nhau rất căn bản giữa Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791 của Cách mạng Pháp, trên ba vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, nếu như bản tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, mang tính chất tuyên ngôn về quyền con người, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của các dân tộc, mang tính chất của một tuyên ngôn về quyền dân tộc.

Cách mạng Mỹ ở thế kỷ XVIII đánh dấu bằng Tuyên ngôn Độc lập 1776 và Cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII, với sự ra đời của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791, là những cột mốc lớn trong lịch sử thế giới khẳng định những lý tưởng về quyền con người. Không ai không thấy sự tiến bộ của nó. Quyền con người là xuất phát điểm và là nội dung cơ bản, cốt lõi của hai bản tuyên ngôn nêu trên, nói lên sự tiến bộ của giai cấp tư sản trong điều kiện giai cấp này đang là giai cấp cách mạng. Song, quyền con người ấy, dù nội hàm của nó là rất tiến bộ (quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc), nhưng đó thực chất là quyền tự do tư sản, chứ không hướng tới những con người bị bóc lột.
Xuất phát điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập cũng đi từ những quyền cơ bản ấy. Song trước hết, đó là quyền của toàn thể nhân dân Việt Nam, trực tiếp và chủ yếu là của công nhân, nông dân, nhân dân lao động, là quyền của những con người bị "đọa đầy đau khổ" đã đứng lên làm cánh mạng do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, phá bỏ mọi "gông xiềng" để xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho chính mình. Đó là sự khác nhau căn bản và là sự thể hiện tính hơn hẳn của Tuyên ngôn độc lập so với hai bản tuyên ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn trong bản Tuyên ngôn của mình.      
Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại trình bày và tuyên bố về quyền con người, mà quyền con người cơ bản ấy được mở rộng hơn và nâng tầm cao hơn khi Người "suy rộng ra". Giá trị to lớn cả về tư tưởng, lý luận và thực tiễn; cả về lịch sử và hiện tại; cả đối với dân tộc và quốc tế, thời đại của Tuyên ngôn độc lập thể hiện rất sâu đậm ở nội hàm của vấn đề "suy rộng ra" đó. Nguyên lý “mọi người sinh ra đều bình đẳng” được nhìn nhận từ vị trí của một cá nhân riêng biệt, nhưng cũng có thể được nhìn nhận từ vị trí của cả một dân tộc. Bất cứ thế lực nào, nếu vi phạm các quyền đương nhiên nói trên đều bị coi là phi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận nguyên lý này một cách thực chất và toàn diện.
Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh có đánh giá lý tưởng của hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp là “bất hủ”, là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, nhưng Người không dừng lại ở đấy mà đã đẩy đi xa hơn, với tầm cao hơn, từ quyền con người đã "suy rộng ra” thành quyền dân tộc, trong đó bao hàm cả quyền con người. "Tất cả mọi người" được suy rộng ra là "tất cả các dân tộc"; đi từ khẳng định quyền con người đến để khẳng định quyền của dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với các dân tộc bị áp bức, nô dịch, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc và của mỗi cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh chung. Không thể là sự "sao chép" khi tư tưởng của hai bản tuyên nguôn ở thế kỷ XVIII đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh "suy rộng ra" một cách rất sáng tạo.
Sự "suy rộng ra”, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nghĩa là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ đó, Tuyên ngôn độc lập đã long trọng tuyên bố với toàn thế giới về quyền được sống trong độc lập, tự do của “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay”; “và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.
Thật là đanh thép, thể hiện sâu sắc tính cách mạng, tiến bộ và sự vượt trội của tư tưởng Hồ Chí Minh so với hai bản tuyên ngôn mà Người trích dẫn.
Đó là bước phát triển mới có ý nghĩa thực sự to lớn, nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII lên ngang tầm lý tưởng của thời đại mới: thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại các dân tộc bị áp bức, bóc lột đấu tranh giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do và bước lên vũ đài sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người; và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí của cả dân tộc quyết tâm bảo vệ quyền con người và quyền tự do, độc lập dân tộc. Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh của những phẩm giá của con người và của dân tộc Việt Nam đã vùng dậy từ kiếp "ngựa trâu" giành chính quyền về tay mình, giành quyền được sống trong độc lập, tự do của cả dân tộc, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân. Sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền tự do, độc lập, tự chủ, tự quyết của dân tộc Việt Nam và ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc mình. Là lãnh tụ tối cao của Cách mạng tháng Tám, người đứng đầu Chính phủ lâm thời, đại biểu cho ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới quyền độc lập, tự do của dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ quyền dân tộc ấy. Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn tư tưởng về quyền con người của hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp để nói lên quyền con người của nhân dân lao động, của những người bị "đọa đầy đau khổ"; để "suy rộng ra" nói đến quyền dân tộc; và để khẳng định quyết tâm bảo vệ những quyền "không thể chối cãi được" ấy mà nhân dân Việt Nam với biết bao mồ hôi, xương máu mới giành được. Đây rõ ràng là sự sáng tạo cách mạng, tiến bộ, thấm đượm giá trị nhân văn của một lãnh tụ vì dân, vì nước; thể hiện sâu sắc lý tưởng và khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Đó tuyệt nhiên không phải là sự "rập khuôn", "sao chép" bản tuyên ngôn của nước Pháp và Mỹ như một số người đã cố tình hạ thấp giá trị của Tuyên ngôn độc lập.
Cũng không thể cho rằng, Tuyên ngôn độc lập chỉ có giá trị dân tộc, không có ý nghĩa thời đại. Cần thấy rằng, Tuyên ngôn độc lập đã trực tiếp khẳng định với toàn thể nhân dân thế giới về các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam vừa giành được bằng cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Xét theo nội dung, tính chất và cả thời điểm ra đời, Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới rõ ràng không phải là một sự kiện riêng lẻ, mang tính riêng biệt, cá biệt của Việt Nam, mà đó còn là một xu thế tất yếu của thời đại, là sự phản ánh xu thế thời đại.
Các quyền con người, quyền dân tộc cơ bản được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam không phải là một cái gì chỉ riêng biệt của Việt Nam. Các quyền ấy, bao gồm cả quyền con người và quyền dân tộc, đều là vấn đề toàn nhân loại. Trên quy mô thế giới, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nhiều dân tộc đã đặt hy vọng của mình vào chính nghĩa Đồng minh để có thể một nền độc lập nào đó. Nhưng chính các cường quốc đế quốc thực dân, đã từng đứng trong Đồng minh chống phát xít, lại là mối đe doạ trực tiếp đến độc lập dân tộc của các quốc gia. Các quyền dân tộc cơ bản như: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc các quốc gia; các quyền con người cơ bản như: quyền sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc của nhân dân các dân tộc lại bị đe dọa và giày xéo; các quyền dân tộc cơ bản chưa được ghi nhận.
Khẳng định quyền độc lập dân tộc và đấu tranh cho quyền độc lập dân tộc ấy là xu thế khách quan của thế giới đương đại. Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập góp phần thúc đẩy sự phát triển của xu thế tất yếu ấy; giúp cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới nhận rõ hơn con đường đấu tranh của mình, thể hiện tốt hơn tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với Tuyên ngôn Độc lập, bằng việc nêu lên tư tưởng kết hợp chặt chẽ quyền dân tộc thiêng liêng với các quyền cơ bản của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đóng góp rất quan trọng vào nền pháp lý của thế giới đương đại. Tuyên ngôn độc lập còn cho thấy, quyền con người, về thực chất, phải thuộc về các dân tộc đã từng bị các cường quốc đế quốc thực dân đoạ đầy, nô dịch. Đó thực sự là kết luận quan trọng được rút ra từ Tuyên ngôn độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị to lớn đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới; đó còn là một thông điệp đấu tranh gửi đến các thế hệ tương lai.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 4, tr. 4.
 Thùy Linh

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ xuyên tạc và chống phá đất nước phải bị trừng trị thích đáng

    Trả lờiXóa