Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

HIỆU ỨNG TỪ PHONG TRÀO CHỐNG NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC Ở MỸ



                          
Hiệu ứng từ các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở xứ sở cờ hoa xuất phát từ vụ công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ đã lan rộng sang New Zealand, Canada, Đức và Anh. Ngày 1-6, tại thành phố Auckland của New Zealand, khoảng 2.000 người đã tuần hành trước Lãnh sự quán Mỹ, hô vang các khẩu hiệu “Không có công lý, không hòa bình” và kêu gọi quan tâm tới cuộc sống của người da màu. Khoảng 500 người cũng đã xuống đường tuần hành tại thành phố Christchurch của New Zealand. Phát biểu trước đám đông biểu tình, nhạc sĩ người New Zealand gốc Nigeria Mazbou Q nhấn mạnh, tình trạng ngược đãi và hành xử không đúng mực với cộng đồng người da màu là “một hiện tượng đang diễn ra”, và tư tưởng “da trắng thượng đẳng” đã dẫn tới những vụ bức hại bất công đối với người da màu không chỉ ở riêng Mỹ.

Trong khi đó, chiều tối 31-5 (giờ địa phương), hàng nghìn người đã tập trung trước trụ sở cảnh sát thành phố Montreal của Canada để biểu tình phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc. Những người tổ chức cuộc biểu tình cho biết, mục đích của hoạt động này là nhằm thể hiện tình đoàn kết với phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Tại Anh, hàng trăm người đã tập trung tại Quảng trường Trafalgar ở thủ đô London, hô vang khẩu hiệu ủng hộ bình đẳng và hòa bình trước khi tiếp tục tuần hành qua tòa nhà Quốc hội và dừng chân bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Bày tỏ đoàn kết với phong trào biểu tình ở Mỹ về cái chết của George Floyd, hàng trăm người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Berlin của Đức, hô khẩu hiệu “Công bằng cho George Floyd”.
Cái chết của công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd đã làm dấy lên làn sóng biểu tình trong những ngày qua ở Mỹ, làm bùng “ngọn lửa” âm ỉ lâu nay về vấn nạn phân biệt chủng tộc ở quốc gia này. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi người biểu tình chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng biện pháp mạnh để lập lại trật tự. Đêm 31-5 (giờ địa phương), cảnh sát Mỹ đã buộc phải ném nhiều lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông khoảng hơn 1.000 người biểu tình tụ tập và gây ra các vụ đụng độ ở khu vực công viên gần khu nhà ở và làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thủ đô Washington. Trong một cuộc biểu tình khác ở phía tây bắc thủ đô Washington, người biểu tình còn xông vào trung tâm thương mại, siêu thị và rạp chiếu phim. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến để bảo đảm an ninh trong các đêm diễn ra biểu tình.
Các nhà chức trách Mỹ cho rằng các nhóm có tổ chức đang tìm cách phá hoại tài sản và gây ra bạo lực với vỏ bọc là các cuộc biểu tình hợp pháp. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan khác đang phối hợp với chính quyền địa phương để theo dõi các nhóm từ cả phe cực hữu và phe cực tả liên quan đến các cuộc bạo loạn và tấn công cảnh sát, bằng việc giám sát những động thái kêu gọi biểu tình bạo lực trên các phương tiện truyền thông xã hội và các loại hình thông tin liên lạc khác. Theo CNN, cho đến nay đã có ít nhất 40 thành phố tại Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra. Tờ The New York Times cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968-thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát-lệnh giới nghiêm được áp đặt tại nhiều thành phố như vậy của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, đã yêu cầu FBI và Bộ Tư pháp điều tra về “cái chết rất đau buồn và bi thảm của George Floyd”, đồng thời tuyên bố “Công lý sẽ được thực thi”. Trên mạng xã hội Twitter, cựu Phó tổng thống Mỹ, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden cho rằng “vụ giết người khủng khiếp” là “lời nhắc nhở bi thảm rằng đây không phải là sự cố riêng lẻ mà là một phần của sự bất công ăn sâu vẫn tồn tại ở đất nước này”./.

                                       
                                        Trung Tuyên  
                                                                   

1 nhận xét:

  1. Trong vụ người Mỹ biểu tình chống phân biệt chủng tộc này không thấy mấy nhà dân chủ cuội nhảy vào để xuyên tạc nhỉ?

    Trả lờiXóa