Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ Ở CÁC HỌC VIỆN, TRƯỜNG SĨ QUAN QUÂN ĐỘI HIỆN NAY



Các học viện, trường sĩ quan là trung tâm đào tạo cán bộ cho toàn quân đồng thời đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong công tác xây dựng các học viện, nhà trường, vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo được Đảng ủy, Ban Giám đốc (Ban Giám hiệu) các học viện, nhà trường đặc biệt coi trọng. Đội ngũ giảng viên các học viện, nhà trường quân đội không ngừng tu dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, phấn đấu để thực sự là những “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ có vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt là bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng này.

Đội ngũ giảng viên trẻ là lực lượng đông đảo, quan trọng của các học viện, nhà trường. Hiện nay, giảng viên trẻ chiếm khoảng 1/3 lực lượng giảng dạy của các học viện, nhà trường. Họ những thế mạnh như: trẻ, khỏe, nhiệt tình, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thích đổi mới, thích khẳng định bản thân... Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên trẻ kinh nghiệm vốn sống còn ít; bản lĩnh chính trị chưa thực sự dày dạn; nhận thức về nghề nghiệp chưa thực sự sâu sắc; dễ bị tác động bởi các mối quan hệ xã hội... Đặc biệt là mặt trái cơ chế thị trường đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nếu đội ngũ giảng viên trẻ không tu dưỡng rèn luyện thường xuyên thì có thể sa vào các tệ nạn xã hội, phai nhạt lí tưởng, thiếu tâm huyết với nghề nghiệp. Hơn nữa, với đồng lương thấp, khó đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho bản thân và gia đình, lực lượng này có thể nảy sinh tư tưởng và hành động tiêu cực, lệch chuẩn...
Do đó, cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ của các học viện, nhà trường quân đội. Đạo đức nghề nghiệp là một hệ thống những chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội nhưng phù hợp với đặc điểm của mỗi loại nghề, phản ánh bộ mặt nhân cách của người lao động và đạo đức nghề nghiệp trở thành  động lực phát triển nhân cách, phát triển các năng lực chung và năng lực nghề nghiệp, làm tăng năng suất và hiệu quả hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội của mỗi người. Đạo đức nghề nghiệp mà giảng viên trẻ phải tu dưỡng rèn luyện rất rộng, trong đó tập trung ở những vấn đề sau:
- Bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, nhất trí cao với đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
- Tận tuỵ với công việc; công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
- Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
- Chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; Điều lệnh, Điều lệ, chế độ của Quân đội; nội quy, quy định của học viện (nhà trường); kỷ luật quan hệ quân dân trên địa bàn.
Để xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ ở các học viện, nhà trường quân đội cần tiến hành đồng bộ, linh hoạt những biện pháp sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng và đội ngũ giảng viên trẻ. Các tổ chức, các lực lượng cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, nội dung, biệp pháp xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ cần được lồng ghép với các hoạt động của công tác tư tưởng như học tập chính trị, tuyên truyền cổ động, thi đua khen thưởng, văn hóa văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa...
Hai là, đề cao tinh thần gương mẫu, tự phê bình và phê bình của đội ngũ giảng viên trẻ. Mỗi giảng viên trẻ phải ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của nghề nghiệp “trồng người”; trách nhiệm trước học viên, trước lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Luôn gương mẫu, chuẩn mực trong cả lời nói và việc làm; nhà sư phạm đồng thời phải là nhà “mô phạm”. Đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, không giấu giếm khuyết điểm của bản thân, không xuê xoa, né tránh khuyêt điểm của đồng nghiệp. Thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên như ‘rửa mặt hàng ngày” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Phải đặc biệt coi trọng vấn đề phát huy tính tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của giảng viên trẻ.
Ba là, xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho giảng viên trẻ kết hợp với rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân cho đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần đẩy mạnh công tác quản lí, giáo dục rèn luyện đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỉ luật đảng. kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ‘Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” . Chỉ huy các cấp đề cao trách nhiệm trong quản lí, giáo dục bồi dưỡng đạo đức cho những “nhà sư phạm trẻ”; có định hướng cho đội ngũ giảng viên trẻ trong các mối quan hệ xã hội ngày càng phong phú, phức tạp.
Bốn là, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giảng viên trẻ. Để tạo động lực cống hiến cho đội ngũ giảng viên trẻ, cần nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt chính sách cán bộ; hoàn thiện cơ chế để phát huy cao độ năng lực, trí tuệ cho lực lượng này. Tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên trẻ phát triển tài năng, sức sáng tạo, nâng cao trình độ với các hình thức như cử đi thực tế, tham quan, tập huấn, nghiên cứu khảo sát, đào tạo bồi dưỡng cả trong và ngoài Quân đội. Đảm bảo ngày một tốt hơn chính sách tiền lương, nhà đất và chính sách hậu phương Quân đội... để đội ngũ giảng viên trẻ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề nghiệp.
Năm là, gắn chặt “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính trong xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho giảng viên trẻ. Cần tiếp tục triển khai sâu rộng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, các cuộc vận động của ngành giáo dục “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, có sự cụ thể hóa vào chức năng, nhiệm vụ của từng khoa và chức trách nhiệm vụ của từng giảng viên. Biểu dương, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, “mô phạm”. Kiên quyết chống các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên trì “chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức, vi phạm kỉ luật, thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm trong cuộc sống và công tác./.
Van Huong


2 nhận xét:

  1. Hiện nay, xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ trong Quân đội là rất quan trọng

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay vấn đề đạo đức rất quan trọng; vì vậy cần phải giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ trong các học viện

    Trả lờiXóa