Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

VỀ CÁI GỌI LÀ TÂY SA, NAM SA CỦA TRUNG QUỐC – MỘT SỰ VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VÀ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM



                                                          Minh Quoc
                                                                       
Trong khi cả thế giới đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì Trung Quốc lại lợi dụng cơ hội gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng 4/2020 khiến Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý của thế giới còn chưa dứt, thì ngày 18/4 vừa qua, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) lại ngang nhiên đưa tin, Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trung Quốc ngang ngược nói rằng “quận Tây Sa” sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi “quận Nam Sa” quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Đây được xem là hành động Trung Quốc đã phớt lờ yêu sách của các bên liên quan trong khu vực; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là những nguyên tắc về quyền thụ đắc lãnh thổ. Nguyên tắc này gồm 3 nội dung chính.
Một là, đối tượng chiếm hữu lãnh thổ phải là đất vô chủ hoặc là chủ đã từ bỏ. Thứ hai, chiếm hữu phải là quốc gia chứ không phải là tư nhân. Thứ ba, là phải tuân thủ các phương pháp thụ đắc lãnh thổ như chiếm hữu thực sự, hành xử chủ quyền thực sự, qua chuyển nhượng, qua tác động của tự nhiên, củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử. Do vậy, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vì vi phạm điều thứ nhất, do Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ Thế kỷ XVII và Việt Nam đã thực hiện chủ quyền liên tục tại hai quần đảo này từ Thế kỷ XVII đến nay. Và do đó, đây không phải là đất vô chủ. Thêm nữa, Trung Quốc đã vi phạm nội dung thứ 3 của nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Họ hoàn toàn không có chủ quyền lịch sử. Họ hoàn toàn chưa chiếm hữu, không chiếm hữu liên tục và cũng không chiếm hữu hoà bình. Tức là Trung Quốc đã vi phạm Luật về quyền thụ đắc lãnh thổ.
Trước động thái này của Trung Quốc, lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “quận Tây sa và Nam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Có thể nhận thấy, trong các phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để đoàn kết ASEAN và đưa ra quan điểm chung về các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đang nỗ lực để làm rõ lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông và giành được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Trong việc bảo vệ chủ quyền bao giờ chúng ta cũng lấy chính nghĩa, nội lực của dân tộc, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, của những người yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng công lý. Đây là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt từ trước tới nay. Chúng ta quyết liệt đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên cơ sở hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ thức tỉnh công luận.


4 nhận xét:

  1. Lợi dụng các nước đang phải tập trung đối phó với đại dịch Covid 19; Trung Quốc thực hiện một chuỗi những “hành động hung hăng” trên Biển Đông nhằm giành thế áp đảo trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Việt Nam kịch liệt lên án các hành động của Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

    Trả lờiXóa
  2. Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông; Trung Quốc còn ngang nhiên thành lập cái gọi là Tây Sa, Nam sa. Việt Nam kịch liệt lên án và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

    Trả lờiXóa
  3. Không một Quốc gia nào có thể tùy tiện áp đặt bất kì điều gì trên lãnh thổ chủ quyền Việt Nam cả. Việt Nam kịch liệt lên án và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

    Trả lờiXóa
  4. Việt Nam lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "Tây Sa", "Nam Sa"; Trung Quốc không thể có hành vi ngang ngược như vậy được

    Trả lờiXóa