Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

NHẬN DIỆN HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP



Đã thành “thông lệ”, trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch và đối tượng phản động trong và ngoài nước lại ra sức hoạt động với nhiều chiêu bài, thủ đoạn khác nhau nhằm chống phá, làm ảnh hưởng, gây dư luận xấu trong xã hội.
Luận điệu quen thuộc của các đối tượng chống phá “vẫn bài cũ soạn lại” đó là chúng tự giới thiệu, cổ súy cho khái niệm xã hội dân sự. Chúng lập một số hội nhóm với những tên gọi rất ấn tượng như: “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội nhà báo độc lập”... Hình thức được chúng lựa chọn là “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý cho Đại hội XIII”. Để lừa bịp, chúng gắn mác cho các phần tử là “Nhà hoạt động chính trị”, “Nhà báo độc lập” để tung tin rằng, ở Việt Nam không có tự do tiếp cận thông tin hoặc tình hình dân chủ đang “không khả quan”. Nhân cơ hội này, chúng còn xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin, về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, về tương lai thật sự của đất nước. Mưu toan chính vẫn là thay đổi Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kỳ thực, vấn đề này đã trở nên cũ rích từ nhiều kỳ đại hội trước, chỉ có giọng điệu diễn tả thì tinh vi và ngôn từ trau chuốt hơn mà thôi. Chúng vin một sự việc ở một địa phương nào đó để đổ lỗi cho vai trò lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Chúng cho rằng, dân chủ là phải đa đảng. Nhưng thực chất có phải như vậy không? Từ thực tiễn của nhiều quốc gia đa đảng, nơi được mệnh danh là “thiên đường tự do”, vẫn chỉ có hai đảng, đại diện cho giai cấp tư sản thay nhau cầm quyền. Tuy là hai hoặc ba đảng, song về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng là giống nhau, chỉ khác tên gọi.
Lịch sử tại Liên Xô và Đông Âu đầu những năm 90 hay các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” tại một số quốc gia ở thời điểm hiện tại đã cho thấy, từ âm mưu cổ súy, tập hợp các tổ chức xã hội dân sự đến việc tuyên truyền tư tưởng này là yếu tố cơ bản và quyết định sự thành bại của cả một thể chế chính trị. Thông qua việc lôi kéo quần chúng, với sự hỗ trợ của các tổ chức phản động nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, được kích hoạt bởi cụm từ “dân chủ hóa”, “công khai hóa” đã dần chuyển hóa thành các tổ chức chính trị đối lập để thúc đẩy đa nguyên, đa đảng. Nhiều quốc gia đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị, thậm chí chia rẽ, xung đột triền miên, lãnh thổ bị chia cắt lâu dài. Đó là bài học đau đớn, xót xa, cũng là kinh nghiệm nhãn tiền cho chính mỗi người dân để nhận thức rõ hơn về âm mưu và hệ quả của việc bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi lập luận kích động “xã hội dân chủ”. Trên đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ trước đến nay các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng đều hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân. Thông qua các tổ chức đó, người dân được đảm bảo các quyền tự do dân chủ và thực hiện các quyền phản biện, giám sát các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, các đối tượng triệt để lợi dụng các vấn đề được người dân quan tâm, những sơ hở thiếu sót trong quản lý ở một số ngành, địa phương để tập trung xoáy sâu, kích động. Thủ đoạn chính vẫn là “chính trị hóa” các vấn đề chính trị - xã hội, triệt để lợi dụng truyền thông, internet, không gian mạng, coi đây là công cụ ưu thế, mũi nhọn làm chất xúc tác để chuyển hóa, gây rối loạn tư tưởng, tác động làm thay đổi nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, kích động các hoạt động vi phạm pháp luật như tuần hành, biểu tình, bạo động, khiếu kiện, gây “điểm nóng” về ANTT.
Hiện nay, vấn đề chủ quyền biển, đảo đang thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân. Lợi dụng điều này, chúng tung nhiều tin thất thiệt làm giảm sút ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Đảng và Nhà nước, quân đội ta. Từ đó, chúng hà hơi tiếp sức cho các đối tượng phản động trong nước, kích động người dân xuống đường biểu tình. Dưới chiêu bài “thư ngỏ”, “góp ý” nhằm lôi kéo những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin vào kế hoạch chống phá của chúng.
Rõ ràng, dưới chiêu bài bảo vệ biển đảo, các thế lực thù địch và phần tử chống đối luôn muốn lợi dụng lòng yêu nước của người dân để xuyên tạc tình hình, gây bất ổn trong nước. Và trong khi các đối tượng sử dụng “võ mồm”, kích động những việc làm phi pháp mà chúng tự khoác cho mình chiếc áo “vì chủ quyền”, “vì yêu nước”, Đảng và Nhà nước ta vẫn đang kiên trì quan điểm: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đảng ta đã luôn song hành các giải pháp tổng thể vừa cương quyết nhưng cũng vừa đảm bảo giữ gìn môi trường an toàn, ổn định cho đất nước và khu vực. Thực tế nhiều năm qua, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng - an ninh để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Trong các diễn đàn thế giới và khu vực, các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Việt Nam đều tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì thế, những luận điệu cho rằng, Đảng và Nhà nước ta không kiên quyết bảo vệ chủ quyền là suy diễn, bịa đặt với mưu đồ làm giảm sút lòng tin của nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vấn đề công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đảng cũng được các đối tượng triệt để lợi dụng. Có thể nhận diện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên được chúng tập trung như: Thêu dệt về bí mật đời tư, bịa đặt về tình hình sức khỏe, đạo đức, lối sống, tình hình sức khỏe của cán bộ... Rồi từ đó bóp méo thông tin, vu khống cho rằng đó là “đấu đá phe phái”, “lợi ích nhóm”, gieo rắc hoài nghi trong nhân dân. Với ý đồ xuyên suốt không thay đổi là tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa thì việc chúng tập trung phá hoại công tác nhân sự, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, là một điều không có gì ngạc nhiên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng mang tính quyết định thành công của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu chuẩn bị thật tốt và kỹ càng về nội dung báo cáo chính trị và công tác nhân sự. Sự nghiêm túc, thận trọng và khoa học trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội được thể hiện qua nhiều giải pháp cụ thể: Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 26 về thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đề án nhân sự cần phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ và tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Đại hội sắp tới”...
Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện lớn, đặc biệt quan trọng của đất nước. Đại hội diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau hơn 30 năm đổi mới. Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, nhưng nhìn tổng thể, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên, uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới. Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, Đảng ra đời, tồn tại và phát triển không do mục đích tự thân mà là vì Tổ quốc, vì dân tộc, vì nhân dân, lợi ích của Đảng đồng nhất với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của Tổ quốc. Vì thế, Đại hội của Đảng cũng là đại hội của toàn dân, là ngày hội lớn của đất nước.
Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta cũng biết rằng, bình yên không phải tự dưng  mà có. Đó là thành quả của máu xương, mồ hôi, trí tuệ của những con người yêu nước thật sự, tỉnh táo chứ không phải ở sự phá hoại, giật dây của các thế lực ngoại bang và những kẻ chỉ biết hô hào, kêu gọi biểu tình khắp nơi mà chẳng làm gì cho đất nước. Vì thế, chúng ta, mỗi công dân Việt Nam, bằng trái tim nhiệt huyết với Tổ quốc, với đất nước, hãy tỉnh táo, sáng suốt để nhận diện, phản đối và  kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, không để cho các đối tượng chống phá có cơ hội kích động, xuyên tạc, chia rẽ.
The Thai



2 nhận xét:

  1. Càng gần đến các kỳ Đại hội Đảng, các đối tượng thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị càng gia tăng hoạt động chống phá. Bởi vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác và chủ động đấu tranh vạch trần mọi âm mưu của bọn chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Bọn phản động thường dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật; nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy chúng ta phải tích cực đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của chúng.

    Trả lờiXóa