Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

CÁN BỘ TỐT HAY XẤU PHỤ THUỘC CHỦ YẾU VÀO QUÁ TRÌNH TỰ RÈN LUYỆN CỦA BẢN THÂN



                                                Quoc Quyet


Nhân sự kiện ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra hầu tòa, trên VOA tiếng việt, Trân Văn cho rằng, cán bộ xấu - tất cả đều là do công tác cán bộ của Đảng (!). Rồi đặt vấn đề: Khi cán bộ vi phạm thì sai ở cán bộ hay công tác cán bộ? Trả lời câu hỏi này, xin có mấy ý thế này.

Bác Hồ nói “cán bộ là gốc của mọi công việc”, điều này đúng cho mọi thời đại, mọi tổ chức, quốc gia. Vậy, làm thế nào để có cán bộ tốt đã và đang là vấn đề trăn trở của bất kỳ hệ thống chính trị, kinh tế nào trên thế giới. Trong lĩnh vực này, chúng ta cần phân định rõ 2 vấn đề là: cán bộ tốt và chọn được cán bộ tốt. Chọn được cán bộ tốt là quá trình tìm nhân sự đủ điều kiện để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí theo yêu cầu công việc. Đây là một quá trình dài và phức tạp, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trọng tâm là quy trình công tác cán bộ và chất lượng tổ chức thực hiện quy trình này. Cán bộ tốt là những người hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ được giao (đúng theo bảng mô tả công việc) và phải có đủ những đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô, tư”. Do đó, có thể khẳng định rằng:
Một là, cho tới nay, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước là hết sức chặt chẽ, khoa học. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, làm cơ sở để chọn được những cán bộ tốt mang lại hạnh phúc, no ấm cho Nhân dân. Do đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có hàng trăm nghị quyết, quy định, luật, thông tư về công tác này, như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017, Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017, Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017, Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018, Quyết định 179-QĐ/TW ngày 25/2/2019… của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác cán bộ; Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Mới đây là Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp cao và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, v.v. Để tổ chức thực hiện chính xác và hiệu quả, quy trình công tác cán bộ được chia thành các khâu gồm: 1- đánh giá; 2- quy hoạch; 3- đào tạo, bồi dưỡng; 4- luân chuyển, điều động; 5- bố trí, sử dụng (bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, giới thiệu ứng cử, chỉ định, phân công phụ trách, miễn nhiệm...); 6- quản lý; 7- khen thưởng, kỷ luật cán bộ; 8- thực hiện chính sách đãi ngộ; 9- kiểm tra, giám sát;10- bảo vệ chính trị nội bộ;11- giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ; 12- kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác cán bộ.
Hai là, chọn nhầm cán bộ là do chất lượng tổ chức thực hiện quy trình. Các khâu của công tác cán bộ là một thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau; nếu một khâu nào đó thực hiện chưa tốt, không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác và kết quả chung của công tác cán bộ. Trong 12 khâu trên, các khâu 1, 2, 4 ,5 rất nhạy cảm, rất dễ bị tác động, làm sai, diễn giải theo ý kiến chủ quan của một số ít người làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển chọn. Xét về những tồn tại ở 4 khâu nhạy cảm, trước hết, việc đánh giá cán bộ đòi hỏi cái nhìn toàn diện, lâu dài, song người đánh giá không có điền kiện đó; người được đánh giá thường cố tạo hình ảnh tốt hơn thực tế, dễ gây hiểu lầm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín” là vì thế. Quy hoạch cán bộ bị chi phối bởi tâm lý “tất cả cùng thắng”, nhiều khi thấy việc quy hoạch là dài hạn, quy hoạch còn có sự rà soát hằng năm, muốn việc quy hoạch phải “mở”,… nên tiến hành khá dễ dãi, thiếu chặt chẽ. Điều động, luân chuyển cán bộ rất thuận lợi cho việc bố trí, bổ nhiệm và sử dụng ở vị trí cao hơn; đồng thời, cán bộ được điều động, luân chuyển sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cán bộ khác trong việc xem xét bổ nhiệm vào cùng một ví trí quy hoạch nên dễ bị lợi dụng và tác động. Cuối cùng, việc bố trí, sử dụng cán bộ có tính chất quyết định nhất của việc chạy chức, đây là  đích đến của quá trình mua chức, là khâu đem lại nguồn lợi bất chính lớn nhất cho những người làm công tác cán bộ; do đó, là khâu có tính phức tạp cao, bị công phá mạnh. Những tồn tại đó cho thấy sự cam go, đấu tranh khốc liệt trong tổ chức thực hiện công tác cán bộ.
Ba là, cán bộ tốt hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào quá trình tự rèn luyện của bản thân. Vì việc tìm người, giả sử đã chọn đúng người thì họ có trở thành cán bộ tốt hay không lại phụ thuộc phần lớn vào bản thân người đó. Có người cố gắng rèn luyện vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; có người bị chính “cái ghế” của mình làm hại, tự diễn biến, tự chuyển hóa để trở thành người xấu, rơi vào vòng lao lý. Những cán bộ tiền khởi nghĩa, trong cách mạng là những tấm gương tiêu biểu về cán bộ tốt, mặc dù việc tuyển chọn hết sức thô sơ, đơn giản; những cán bộ vi phạm kỷ luật trong thời kỳ đổi mới cho thấy, họ trải qua quá trình tuyển chọn ngặt nghèo nhưng vẫn bị tha hóa, hư hỏng. Họ đã bị “cái ghế” của mình làm hỏng. Do đó, Đảng ta đã ban hành và triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực.
Quy trình là cứng, là tĩnh người thực hiện là mềm, là động; xấu tốt phần lớn là ở bản thân con người. Không thể nói: cán bộ xấu là do công tác cán bộ./.


4 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ lợi dụng việc một số Đảng viên thoái hóa biến chất để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác–Lênin, nền tảng tư tưởng của Đảng ta cần phải nghiêm trị.

    Trả lờiXóa
  2. Các luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, chỉ là tiếng nói lạc lõng; nhằm thực hiện mưu đồ đen tối, chia rẽ Đảng với nhân dân, phản bội Tổ quốc; chúng ta cần phải cảnh giác, đấu tranh loại bỏ, để làm trong sạch đời sống tinh thần của xã hội.

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.

    Trả lờiXóa
  4. Mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để chúng lợi dụng, lôi kéo, kích động tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

    Trả lờiXóa