Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN BẢO VỆ BIỂN, ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY


                                                                             Mạnh Văn

                  

Từ nhiều năm nay, trên Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp biển, đảo rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, tác động đến quốc phòng và an ninh nước ta. Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, đưa hàng ngàn lượt tàu cá xuống Biển Đông đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước ta, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, các căn cứ hậu cần ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma, Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
            Đây là hành động phi pháp, trái với đạo lý, trái với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ra những tác động lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của Việt Nam.
Thời gian tới, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định, khó lường. Trung Quốc không từ bỏ mưu đồ độc chiếm Biển Đông và hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, thành lập các quận quản lý biển đông của Trung Quốc đã đẩy tình hình biển đông càng căng thẳng, phức tạp leo thang, không thể xem thường. Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất nặng nề. Do đó, công tác tuyên truyền biển, đảo cần tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, có hệ thống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước ta về biển, đảo, trong đó có Luật Biển Việt Nam; những nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) khi được thông qua. Thông qua công tác tuyên truyền để nhân dân ta và nhân dân thế giới hiểu được việc làm chính nghĩa của Việt Nam; thấy được thái độ đấu tranh không nhượng bộ của ta, song kiên quyết không để xảy ra tình trạng kích động tư tưởng dân tộc cực đoan của những người quá khích. Cần khẳng định quan điểm nhất quán của chúng ta là: Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, về ý thức cảnh giác trước âm mưu của các phần tử xấu, các thế lực thù địch, từ đó nêu cao ý thức và trách nhiệm công dân trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn an ninh biển, đảo của Tổ quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa nước ta với các quốc gia có biển. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng và thực hiện đúng cam kết theo đúng Luật Biển năm 1982 mà các bên đã ký.
Thứ ba, các cơ quan báo chí của tỉnh cần có những bài viết phê phán những việc làm sai trái của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; phê phán một số cơ quan báo chí nước ngoài có những thông tin và bài viết với nội dung xấu, xuyên tạc mang tính kích động về vấn đề biển Đông, xúc phạm, đe dọa Việt Nam trong khi họ luôn nói rằng phải giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đối ngoại, làm cho bạn bè và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam; những cơ sở pháp lý và thực tiễn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, cũng như những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biển Đông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế đối với Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; về đường lối bảo vệ Tổ quốc, quan điểm đối ngoại quốc phòng của ta; xuyên tạc, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, cổ vũ cho quan điểm theo nước khác để bảo vệ chủ quyền, trái với quan điểm độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước trong đối ngoại và quốc phòng. Thuyết phục, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, trí thức cảnh giác, không bị kích động bởi những luận điệu xuyên tạc chống Việt Nam, chống quan hệ Việt - Trung của các thế lực thù địch, cơ hội, nhất là trên Internet.
Thứ năm, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vùng biển đảo của Khánh Hòa; về mô hình “Tổ tàu, thuyền an toàn trên biển”, về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng ven biển. Động viên ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đảo, cùng với lực lượng vũ trang, bằng nhiều hình thức, biển pháp vận động, thuyết phục, ngăn chặn không để đối phương xâm phạm; bình tĩnh, kiềm chế, kiên trì vận động thuyết phục, đấu tranh ngăn chặn không để đối phương mở rộng khu vực đánh chiếm, kiên quyết buộc chúng rút khỏi nơi xâm chiếm.
Trong tiến hành công tác tuyên truyền, cần phải đồng bộ, thống nhất; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội địa phương và các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; gắn công tác tuyên truyền biển, đảo làm cho công tác tuyên truyền biển, đảo ở các địa phương, đơn vị phát triển sâu, rộng có hiệu quả.

3 nhận xét:

  1. Chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chúng ta phải kiên quyết giữ vững. Nhưng chúng ta phải xử lý hết sức khôn khéo; không để kẻ xấu lợi dụng để kích động, chống phá.

    Trả lờiXóa
  2. Trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, những quyết sách và ứng xử khôn khéo sẽ giành thắng lợi; mà vẫn đỡ hao tổn về người và tiền của.

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi người dân yêu nước cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng.

    Trả lờiXóa