Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Đánh lận bản chất, gây “chiến tranh tâm lý”

Cuối tháng 3/2020, trên mạng You tube xuất hiện đoạn clip có hình ảnh lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao đổi về dịch bệnh COVID-19 tại một cuộc họp. Điều đáng nói, clip này đã được dẫn dắt bởi thông điệp gây tò mò “chú ý phần cuối”...Và khi xem đến phần cuối, có đoạn “trên 10.000 người nhiễm, tử vong hơn 1.000”. Đối tượng tung clip viết rằng, đấy là lời từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp nội bộ và “cần lưu ý” con số nêu trên (số người nhiễm và tử vong), từ đó hướng lái vấn đề: Ở Việt Nam, con số thực về người nhiễm, người tử vong đã bị “chính quyền bưng bít”!
Khi clip này tung lên, một số người xem đã hoang mang, thậm chí hoảng hốt khi nghĩ về con số tử vong và bị nhiễm nói trên. Thực chất, đây là clip bị cắt xén, lắp ghép làm sai lệch nội dung. Câu nói “hơn 10.000  ca nhiễm, hơn 1.000 người tử vong” trong clip thực chất là nói về giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, số người nhiễm và tử vong nói trên là tính tới thời điểm trước đây của các nước, nhất là Trung Quốc.
Bằng thủ đoạn lắp ghép, đánh tráo, người tung clip muốn đánh lừa đây là con số ở Việt Nam nhằm gây hoảng loạn trong dân chúng. Đặc biệt, clip này lại xuất hiện vào thời điểm khi trên mạng internet xuất hiện công văn số 2285 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án hỏa táng trong trường hợp có người tử vong vì dịch COVID-19.
Tát nước theo mưa, một số trang mạng thù địch tiếp tục phao tin, xuyên tạc tình hình và đặt ra những câu hỏi nhằm gây hoang mang dư luận. Trang “Việt Tân” cho rằng, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán, Việt Nam là một trong những quốc gia bị nghi ngờ có nhiều ca lây nhiễm dịch bệnh và ca tử vong nhất vì Việt Nam là nơi có nhiều du khách và công nhân đến từ Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc lại có cùng đường biên giới dài. Cho rằng, cả 2 bên mở “toang” các cửa khẩu trong lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội tại Vũ Hán và một số vùng lân cận. Từ đó, trang này quy chụp: “Dựa trên những dữ kiện trên thì không ai có thể tin rằng Việt Nam có ít ca nhiễm và không có tử vong. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để xác định rằng Việt Nam có nhiều ca nhiễm COVID-19 và tử vong”.
        Có thể thấy, những nguồn tin giả này hết sức nguy hiểm, không chỉ gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân không phân biệt được thật giả mà còn gây xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong xã hội. Nó tạo ra một thứ dịch bệnh “dịch fake new” còn nguy hiểm hơn cả dịch COVID-19, chúng ta cần tập trung cảnh giác, đối phó. Những thông tin này đa số được bắt nguồn từ chính tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng phản động, chống đối trong nước lợi dụng dịch bệnh để thực hiện những chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc với mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta.
                                                                                                        Văn Trung

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa