Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

BA “CẦN” – MỘT “KHÔNG”


                                                                                                                     Hoàng Tùng
Trong bước giao thời hiện nay đã lòi ra ngày càng phổ biến những thói nghĩ xa lạ và tệ hành xử nguy hiểm ở không ít người trong bộ máy. Chúng đang cản trở, thậm chí đi ngược lại và làm băng hoại sự cố gắng chung của ta. Một khối u ác tính trong họ đang bộc phát hết sức nhức nhối, cấp bách phải cắt bỏ: ba “cần” - một “không”!

Ba “cần” là gì, mà những người ấy đôn đáo ngược xuôi, xả thân kiếm tìm, rắp mưu tranh đoạt giành giật làm vậy?
Ấy là “cần” quyền lực công. Họ cố sống chết giành đoạt lấy quyền lực ấy bằng mọi giá, mọi thủ đoạn và khi có được, thì lại ngộ nhận sở hữu nó y như sự chiếm hữu tư nhân. Để khoe mẽ, trưng diện, để huếnh lên với thiên hạ... Đó chỉ là một nhẽ. Nhưng, nguy hiểm nhất là, họ biến quyền lực công ấy thành cái gậy, thành con dao,… thành công cụ cho mình một cách tùy thích vô lối, để thực thi ý đồ của họ. Đó cũng chính là tệ tham nhũng khủng khiếp và nguy hiểm nhất - tham nhũng quyền lực đấy.
Rồi ấy là “cần” sự nịnh bợ, sự bốc thơm của kẻ khác. Lúc nào họ cũng sẵn sàng đón nhận và nâng niu những điều ấy như một bản năng, như một thứ sở thích, thấm sâu và chế ngự trong lòng như là lẽ sinh tồn của họ. Thế là một đám cơ hội “mặt sứa gan lim”, “lưỡi dài hơn tay” bấu sấu và tung hô môi mép, cúi luồn làm họ vừa lòng, cốt mưu kiếm quyền trục lợi. Ai theo thì sống, đứng ngoài thì chết bởi những đòn hội chợ nổi chìm: “thọc gậy bánh xe”, “ngậm máu phun người”, “ném đá giấu tay”, lật lường tráo trở...
Và, ấy là “cần” tiền bạc, thậm chí cả những lạc thú tầm thường. Họ coi những thứ này như dưỡng khí của sự sống, vật thế chấp và bảo đảm cho sự hiện diện, cho cái gọi là sự vinh danh, sự kiêu hãnh của họ với thiên hạ. “Vi phú tất nhân, vi nhân tất thú” - nói nôm na theo họ là, chỉ nhiều tiền thì mới làm người được, đã làm người phải hưởng đủ mọi lạc thú ở đời. Ăn chơi đủ ngón, sa đọa đủ mùi, nhận đút lót, vơ hối lộ, tìm cách đục khoét của công,... họ giỏi hơn cả... loài sâu mọt.
Một “không” ấy là gì thế, mà họ lại cả gan tảng lờ, thậm chí cả rắp tâm sổ toẹt làm vậy? Xin được nói ngay, ấy là họ không cần công việc. Nói chính xác, công việc chỉ là cái nguyên cớ để họ núp vào... cốt kiếm lấy cái hư danh, để dùng nó lòe bịp, khoe mẽ, cốt mưu đoạt lấy nhiều lần những cái họ “cần”.
Họ dùng quyền lực công mặc sức làm những việc theo ý họ, mà tịnh chẳng cần đếm xỉa tới sự tổn hại tiền bạc và sự xói mòn lòng tin của dân chúng. Nhân danh tổ chức, núp bóng tập thể, họ thổi phồng sự oai nghiêm, phớt lờ điều thiết thực, nay lập mai phế, chưa nặn bụt đòi nặn bệ... Thậm chí biến đơn vị thành phòng thí nghiệm tầm thường cốt để thực thi những toan tính vụ lợi nhất thời, gặp chăng hay chớ, và kẽo kẹt cựa quậy sống bằng... “tiền chùa”. Theo đó, kẻ thì thừa dịp “mượn gió bẻ măng”, người thì nhân khi nước lụt nhảy tót bàn thờ, học thói “quạt mo cắm nhài”... Thế là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, “mướp đắng tìm mạt cưa”, tất cả được tư túng, che chắn, bảo trợ. Cao thấp đảo lộn xô bồ, trắng đen nhập nhèm tối sáng. Thật giả nhiễu loạn vô hồi, lòng người phập phồng, ly tán. Người trung không chốn dung thân, kẻ nịnh chớp cơ vơ lợi. Cơ quan thành bãi chiến trường, bộ máy năm bè bảy mảng...
Họ lấy quyền lực thay cho công việc, dùng tiền và sự nịnh bợ để dối trên, dùng quyền lực công để ban phát ân sủng cho những kẻ nịnh nọt hoặc mặc sức trừng phạt những ai không cùng phường hội. Họ tôn thờ cái triết lý: Nịnh bằng tiền, và dùng tiền mua; nếu tiền không mua được thì rất nhiều tiền sẽ và phải mua được(!). Nhưng, tiền ở đâu? Dùng công quỹ - “tiền chùa” - với đủ kiểu phù phép ma thuật; bằng không thì biển thủ, đục khoét của công... để đẽo lấy tiền. Thưởng phạt lung tung, còn mất khôn lường như thời tiết... Theo đó, cát cứ, phường hội, ngụy hình, trá nhân... với đủ trò cổ quái, mọc ra nhung nhúc như rươi.
Cuối cùng, họ dùng cái ba “cần” để đoạt lấy nhiều lần cái ba “cần” theo cuồng vọng của họ, dưới cái chiêu bài gọi là công việc. Khi trong tay có cái ba “cần”, họ bảo, chả việc gì không xong. Đố ai không tử tế trên đời mà dám chê bai thứ ấy? Còn công việc? Hoặc sẽ cậy cục nhờ vả, mượn đầu người khác hoặc chui luồn lạy lục, thuê mướn như tuồng đánh quả... Bằng không, thì phán dựa, a dua, hát bè như lão Đông Quách thời xưa, thậm chí cả trò đạo chích văn tài, “treo dê bán chó”... Nghĩa là, chắt ra từ tẻo teo thứ đại loại công việc như vậy, họ cốt hớt váng tí... danh. Rồi, hoắng lên, khua chiêng gõ mõ rùm beng, hò đám cùng hội cùng thuyền tụng ca, tung hồ ầm ĩ, rắp mưu đánh lừa thiên hạ, cốt nhằm làm lóa mắt những người nhẹ dạ cả tin. Và rồi, làm thứ xiêm y bóng bẩy, để “đánh bùn sang ao”, “lập lờ đánh lận con đen”, để tự mình tâng bốc, bẩm báo, lừa dối người trên...
Cứ thế, ba “cần” - một không” - vô hạn ba “cần”... - cái vòng luẩn quẩn, đang dẫn những ai hành xử như vậy tới sự suy vong như một quả báo nhãn tiền. Và, những ai hoặc dung túng hoặc “tay đã nhúng chàm” theo họ, nhất định cũng theo đó, mà tiêu vong, y như định mệnh!
Ấy vốn lẽ đời! Nhưng trải xưa nay, chẳng ai có thể khoanh tay, rũ áo ngồi chờ rằng, chúng tự hết! ./.


3 nhận xét:

  1. Thời gian qua, các sai phạm của hàng loạt cán bộ các cấp; nhất là các sai phạm về tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng; điều đó đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào Đảng; hy vọng tới đây tội phạm tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.

    Trả lờiXóa
  2. Để chống tham nhũng có hiệu quả, chúng ta vừa phải tích cực phòng ngừa, vừa xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  3. Vừa qua, hàng loạt cán bộ các cấp đã bị xử lý về tội tham nhũng; điều đó đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào Đảng; dù vậy chúng ta phải đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc về vấn đề này của bọn phản động.

    Trả lờiXóa