Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

NGĂN CHẶN BIỂU HIỆN “CÓ TƯ TƯỞNG DÂN TỘC HẸP HÒI, TÔN GIÁO CỰC ĐOAN”


Một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan...”. Trước nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại lớn của đất nước, các thế lực thù địch, những kẻ bất mãn chính trị thường xoáy vào vấn đề này để tìm cách chống phá khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Do đó, cần tỉnh táo nhận diện và ngăn chặn kịp thời biểu hiện này.
Thực chất của tư tưởng dân tộc hẹp hòi là tư tưởng khép kín, biệt lập, bảo thủ, bài ngoại, ngờ vực dân tộc khác, nhấn mạnh đặc điểm riêng biệt của dân tộc, không thấy rõ lợi ích của quốc gia và tương lai của đất nước mình. Còn tư tưởng tôn giáo cực đoan là tuyệt đối hóa tính biệt lập, đặc thù của mỗi tôn giáo, đề cao tôn giáo mình, phủ nhận hoặc xem thường với thái độ miệt thị các tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo; chỉ thấy quyền lợi của tôn giáo mình, chà đạp lên quyền lợi của tôn giáo khác và nuôi dưỡng ngày càng sâu mối hận thù với các dân tộc, tôn giáo khác…
Thời gian qua, các thế lực thù địch đã tăng cường chiến lược “Diễn biến hòa bình”, trong đó lợi dụng, đẩy mạnh kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Mục đích của chúng là tạo dựng lực lượng phản động bên trong chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống; có 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, với khoảng hơn 20 triệu tín đồ và nhiều tôn giáo nhỏ khác. Nhìn chung, các tôn giáo và các dân tộc sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển, nhưng do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều. Đặc biệt, cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn...
Do đó, các thế lực thù địch thường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để gây mâu thuẫn, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đặc biệt là, lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng đã tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới và sự khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đông đồng bào có đạo sinh sống nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thủ đoạn chính của chúng là xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tập hợp lực lượng chống đối; đồng thời, mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc, tôn giáo chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo các “điểm nóng” để vu khống Việt Nam đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Đặc biệt, có nhiều bài viết, nhiều “bình luận” trên các trang mạng xã hội khơi dậy những vấn đề lịch sử đã xảy ra cách đây 40 năm, đi ngược chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” để xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng tốt đẹp. Mục đích của chúng là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết “lương - giáo” ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở nói riêng quan hệ với nhân dân bằng biện pháp hành chính thông qua các cơ quan chính quyền cấp cơ sở đã tạo cơ hội cho tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan nảy nở. “Căn bệnh” này thường thể hiện qua hai loại hiện tượng: Một số cán bộ, đảng viên là người Việt có biểu hiện chưa coi trọng, kỳ thị đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Hơn nữa, một số cán bộ, đảng viên là người dân tộc thì lại tự ti, hoặc e ngại không đấu tranh, không chú ý tới lợi ích của đồng bào các dân tộc khác, đồng bào tôn giáo… Cả hai hiện tượng này đều là lực cản sự phát triển, có thể đẩy tới tác hại khôn lường, tạo cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, vu khống những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.

    Trả lờiXóa