Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam


Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách.
Với giá trị pháp lý-nhân văn quan trọng, nhân quyền luôn là mục tiêu các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền” để can thiệp vào nội bộ ta, làm suy yếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, luận điệu “Việt Nam vi phạm quyền con người” luôn bị lợi dụng, suy diễn, xuyên tạc bởi bất cứ một hiện tượng, vấn đề bức xúc nào xảy ra trong xã hội. Các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, quá trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách an sinh xã hội... luôn là “miếng mồi” béo bở cho âm mưu, hoạt động xuyên tạc, vu cáo của các đối tượng chống đối. Vừa qua, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ở Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình năm 2019”. Trong phần về Việt Nam, báo cáo này viết: “Tình hình nhân quyền Việt Nam-xuống cấp nghiêm trọng”, “Chính phủ Việt Nam đã đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền một cách hệ thống-đã “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản” như cản trở các quyền tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận; ngăn chặn các quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin. Luật An ninh mạng đặt tất cả các phương tiện truyền thông ở Việt Nam dưới sự kiểm soát của Nhà nước và Đảng. Luật An ninh mạng là cách mới nhất bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của các blogger; ngăn cấm các quyền tự do lập hội và nhóm họp hay hạn chế các hoạt động tự do thực hành tôn giáo... Nhà nước Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị…”. Ở trong nước, một số cá nhân đã lập tài khoản, nhất là trên facebook phát tán thông tin xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, Đảng, Nhà nước ta. Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã lập tài khoản facebook “Mẹ Nấm”, tán phát hơn 1.200 trang tài liệu trên facebook để chia sẻ, bình luận, viết sai sự thật, đả kích, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; tạo lập “mạng lưới blogger Việt Nam”, khởi xướng, kêu gọi người dân trong và ngoài nước tham gia “chiến dịch tranh đấu cho tự do - dân chủ - nhân quyền”; đòi trả tự do cho số tù nhân mà Quỳnh gọi là “tù nhân lương tâm”; lập “phái đoàn” tiếp xúc với các đại sứ tại Việt Nam và cho rằng thời cơ đã chín muồi cho chiến dịch để “thay đổi đất nước”(!)... Những luận điệu trên tác động không nhỏ tư tưởng, ý thức của người dân nếu không có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet với nhiều loại hình truyền tin nhanh chóng, độ tương tác cao, các thế lực thù địch lợi dụng ưu thế này là một công cụ hữu hiệu để gia tăng các hoạt động đăng tải tin, bài, video clip xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, kêu gọi bảo vệ, đấu tranh đòi “dân chủ, nhân quyền” Việt Nam. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng với những giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam trên tất các lĩnh vực của đời sống xã hội với mục tiêu Việt Nam thúc đẩy quyền con người ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan, trong đó Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương đóng vai trò nòng cốt, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện.
Tập trung tuyên truyền về những thành tựu trong quá trình lập pháp, xây dựng các văn bản pháp luật của Nhà nước ta quy định về vấn đề quyền con người, trong đó nhấn mạnh đạo luật cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01-01-2014 chứa đựng những nội dung mới quan trọng về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người; bên cạnh đó nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người, thể hiện qua Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, chú ý tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhân quyền, nhất là Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) “về công tác nhân quyền trong tình hình mới”  và các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người Việt Nam đã ký kết, tham gia để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; …
Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân xem phim tài liệu về thành tựu nhân quyền của nước ta sau hơn 30 năm đổi mới với những dẫn chứng rõ nét về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao rõ rệt, an ninh quốc phòng vững chắc…
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12 hằng năm) với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như treo băng rôn với các nội dung “Chào mừng Ngày Nhân quyền thế giới”; “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; “Quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc”; “Bảo đảm quyền con người gắn liền với ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”... cùng nhiều hoạt động truyền thông khác với kế hoạch cụ thể.
Hai là, tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng nhân dân nhận diện, phòng ngừa luận điệu xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nội dung cần thiết về nhận diện âm mưu, hoạt động xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền ở nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau như: thông qua các buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các đợt sinh hoạt chính trị tại khu dân cư…
Ba là, tăng cường công tác đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục góp phần đập tan âm mưu chống phá nước ta thông qua việc lợi dụng vấn đề nhân quyền, là nội dung không tách rời của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ. Các cơ quan, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và bằng phương tiện truyền thông (trang thông tin điện tử, mạng xã hội...), song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu nhân quyền đã đạt được, cần tăng cường khai thác các nội dung xuyên tạc các đối tượng chống đối thường lợi dụng về vấn đề nhân quyền để trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng nội dung đấu tranh, phản bác đảm bảo vạch trần, làm sáng tỏ âm mưu hèn hạ của kẻ địch.

1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa