Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

VẠCH TRẦN VÀ KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI NHỮNG KẺ "ĐỤC NƯỚC BÉO CÒ"



                                                                                              ĐT
            Trong thời gian vừa qua, dư luận trong và ngoài nước đang quan tâm nhiều đến phát ngôn của một số kẻ cơ hội khi có lời lẽ xúc phạm đến danh dự, uy tín lãnh đạo cấp cao của Quân đội, phản ánh sai lệch về tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân đối với Quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trước sự việc này, nhiều người và báo giới đã chỉ rõ sự sai lầm, bản chất của những lời phát ngôn đó. Tuy nhiên, cũng có không ít kẻ cố tình lợi dụng để tô vẽ thêm những tư tưởng, quan điểm sai trái, hòng làm phân rã nhân tâm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay… Vậy bản chất của những con người này là gì?

Đó không phải là gì khác ngoài bản chất của những kẻ cơ hội: “Đục nước béo cò”.
Người Việt ta có thành ngữ: “Đục nước béo cò”, để chỉ một hiện tượng dễ nhận thấy trong đời sống nông thôn. Người nông dân biết rõ cò là loài vật có tập tính chuyên ăn đêm, lặn lội trong bóng tối kiếm chác được vài con ốc, cá, tôm trên ruộng đồng. Ấy vậy mà, cò sẵn sàng thay đổi tập tính này vào những vụ cấy, vụ cày của người nông dân, tận dụng nước đục, cá tôm không chịu được phải ngoi lên mà đánh chén no nê những con vật xấu số, nhằm nuôi thân béo mầm.
Tuy nhiên, thành ngữ đó không chỉ đơn thuần là phản ánh nhận thức về tự nhiên, mà điều sâu sắc hơn, thâm thúy trong văn hóa người Việt là mượn cảnh để sinh tình, để nói về người, bản chất con người trong đời sống xã hội, nhằm nhận diện, phê phán, ngăn ngừa thói hư tật xấu, giáo huấn con người trở thành người tốt, người hữu ích cho làng, cho nước. Nói về con cò, với tính cách biết lợi dụng tình thế để mưu sinh, nhưng thực chất là để nói về con người chuyên lợi dụng cơ hội, hoàn cảnh rối ren trong nội bộ để kiếm chác chút lợi lộc cho cá nhân. Có lúc, con cò là hình tượng của sự bình yên, hiền hòa trong thiên nhiên, nên thơ trong văn học. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể của thành ngữ này, thì con cò lại là hiện thân của kẻ xấu, là kẻ cơ hội, cướp công, ăn bớt, ăn xén công sức của kẻ khác. Vì vậy, dân ta còn có câu “Cốc mò Cò xơi” để mô tả về đặc trưng của cò và của hạng người có đặc điểm giống nó. Cho nên, cò là biểu tượng đặc trưng cho hạng người cơ hội và với thành ngữ “đục nước béo cò” là nhằm ám chỉ và phê phán hành vi của loại người cơ hội chủ nghĩa.
Loại người cơ hội chủ nghĩa lợi dụng lời phát ngôn phiến diện, sai trái như đã nói ở trên, về bản chất là loại cơ hội về chính trị. Lợi dụng những phát ngôn không có lợi về chính trị, nhất là về tình hình chính trị đất nước và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng rắp tâm truyền bá sai lệch tình hình chính trị của Quân đội và đất nước; kích động những tư tưởng, hành động chống phá sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nói riêng, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung. Mặt khác, chúng bày tỏ thái độ, quan điểm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; đặc biệt là mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, kích động sự hằn thù, mâu thuẫn, chiến tranh và xung đột quân sự giữa hai nước…. Thử hỏi, nếu sự việc này mà diễn ra, thì có phải là tạo thêm thời cơ “đục nước” cho những “con cò” về chính trị này tha hồ “thả câu, buông lưới” trục lợi cho chúng hay không? Bao công sức lao động, chiến đấu hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta mấy thập kỷ qua sẽ tan thành mây khói. Vì vậy, cần vạch trần và không khoan nhượng với những kẻ cơ hội về chính trị này./.

2 nhận xét:

  1. Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.

    Trả lờiXóa