Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

QUYỀN ĐƯỢC TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN



Hằng năm, Bộ ngoại giao của Hoa Kỳ và một số tổ chức, nhất là Ủy Ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) luôn đưa ra những đánh giá thiếu thận trọng, phản ánh sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như: “ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, “Chính phủ Việt Nam siết chặt quyền kiểm soát các quyền tự do tôn giáo” và  xếp Việt Nam vào “Danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC)”.…Những phản ánh sai lệch, thiếu khách quan đó đã làm cho nhiều người có nhận thức không đúng sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. 

Sự thật ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đã luôn có chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng ta khẳng định:“ Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta…mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và ở cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật”[1]. Trên cơ sở đó, vấn đề tôn giáo đã nhanh chóng được thể chế hóa bằng luật pháp của Nhà nước. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ: “Công dân Việt nam có quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”[2]. Đến Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định như vậy. Ngoài Hiến pháp, vấn đề tôn giáo còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác như ở Điều 5 và Điều 47 của Bộ luật Dân sự, Điều 87 của Bộ luật Hình sự, Điều 1- Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 08/11/2012 “Quy định chi tiết và biệp pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, Thông tư số 01/2013/TT-BNV, ngày 25/3/2013 “Ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo”…đã quy định cụ thể, chi tiết một loạt vấn đề về tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở nước ta.
Trên thực tế, nếu tính từ năm 2006 trở về trước, Việt Nam chỉ có 6 tôn giáo và 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy chứng nhận hoạt động, thì đến nay đã có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ, (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo (tương đương từ bậc trung cấp đến trên đại học), 25.000 cơ sở thờ tự. Trong đó, Phật giáo có khoảng 11 triệu tín đồ, 46.495 chức sắc, 14.778 cơ sở thờ tự, 37 cơ sở đào tạo chức sắc. Công giáo có gần 7 triệu tín đồ, 4.044 chức sắc, 7.500 chức việc, 3 Tổng giáo phận, 3.000 giáo xứ, 6.000 giáo họ, 9.000 cơ sở thờ tự, 7 Đại chủng viện, Tin lành có 10 tổ chức hệ với khoảng hơn 1 triệu tín đồ, 436 mục sư, 306 mục sư nhiệm chức, 458 truyền đạo, 455 chi hội, 4.409 điểm nhóm, 351nhà thờ; Đạo Cao đài có 10 hệ phái, với khoảng 2,4 triệu tín đồ, hơn 10.000 chức sắc, gần 20.000 chức việc, 958 họ đạo. Phật giáo Hòa Hảo có khoảng 1,5 triệu tín đồ, 3.200 chức việc, 94 chùa, 50 hội quán, 399 tòa đọc giảng; Hồi giáo có khoảng 75.000 tín đồ, 770 chứ sắc, 79 cơ sở thờ tự; Tịnh độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam có khoảng 1,5 triệu tín đồ, 4.800 chức sắc, chức việc. Ngoài ra còn hơn 1 triệu tín đồ của 6 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận về tổ chức gồm: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo, Bàlamôn, Baha’i[3] 
Các di sản văn hóa trong tôn giáo được phát huy đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ và cho phép tu bổ, trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới ngày càng khang trang, không khí sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự gắn với các lễ hội và văn hóa tâm linh hết sức sôi động. Nhiều cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo được mở rộng quy mô và xây dựng mới. Các chức sắc và tu hành được tham gia hoạt động, học tập, đào tạo theo tiêu chí và nhu cầu của từng tôn giáo. Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển được thực hiện theo quy định của từng tôn giáo. Các tín đồ tôn giáo hoàn toàn tự nguyện trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, được tự do bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình và được tự do hành lễ. Hằng năm, hàng vạn bản kinh, sách báo có nội dung tôn giáo đã được xuất bản, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của các tín đồ…Những ngày lễ hội lớn của các tôn giáo như lễ Phật Đản, lễ Chúa giáng sinh, lễ Vu lan bồn, lễ hội Yến Diêu Trì, lễ Khai đạo…thu hút đông đảo người dân có đạo và không có đạo tham gia, trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng. Nhà nước cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo hội các tôn giáo khi có nhu cầu đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế, tổ chức những ngày lễ kỷ niệm với quy mô lớn như Đại lễ Vesak 2008 của Phật giáo và Hội nghị nữ giới lần thứ XI; lễ kỷ niệm 100 năm của Tin lành; Công giáo với các hội nghị và các ngày kỷ niệm như: Tổng tu nghị của các dòng tu, Hội nghị quốc tế dòng Đức Bà truyền giáo, Hội nghị thường kỳ của các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Tên vùng Đông Á-Úc, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X năm 2012, lễ năm Thánh, lễ kỷ niệm 50 hàng Giáo phẩm Việt Nam, lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo phận Đàng trong và Giáo phận Đàng ngoài...với hàng nghìn lượt người trong và ngoài nước đến dự...Nhờ có chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân không phân biệt người có tôn giáo hay không, nên các tín đồ, chức sắc tôn giáo đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh tôn giáo như một bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và tạo nên niềm tin, khích lệ, động viên các chức sắc, tín đồ, tăng ni, phật tử tham gia tích cực vào những việc làm tốt đẹp, có ích cho cộng đồng. Đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, hăng hái tham gia phát triển kinh tế-xã hội, ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ, ra sức phát triển sản xuất, tạo ra nhiều của cải, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội. Trong thời kỳ đổi mới đã xuất hiện nhiều cá nhân và tập thể tín đồ tôn giáo đạt điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh loạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống xã hội”, đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đã có nhiều hoạt động sáng tạo trong xây dựng đời sống tinh thần, gắn với đặc điểm của từng tôn giáo, như: phong trào “Xây dựng chùa, cảnh tiên tiến, gương mẫu” của đồng bào Phật giáo, phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” của Công giáo…Đặc biệt, các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo đã phát huy tốt tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, như tổ chức các phòng khám chữa bệnh miễn phí, các lớp học tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, chăm sóc người già không nơi nương tựa, tư vấn và nuôi dưỡng những người bị nhiễm HIV/AISD, hiến máu nhân đạo; hang trăm tỷ đồng của đồng bào có đạo đóng góp mỗi năm hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt…Như Hòa Thượng Thích Gia Quang-Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Tám mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc với kỳ hạn đến năm 2015 bao gồm ba mục tiêu hang đầu: xóa đói, giảm nghèo; phổ cập giáo dục, an sinh xã hội và bình quyền nam nữ đã được Việt Nam hoàn thành sớm kỳ hạn”. Đó là minh chứng thuyết phục cho việc Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng không chỉ bằng Hiến pháp, pháp luật mà còn cả trong thực tế.
Một vấn đề nữa, Ủy Ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) và một số chính khách Mỹ rất thiếu thiện chí, áp đặt chủ quan, khi cho rằng ở Việt Nam còn nhiều “tù nhân tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền” đối với giáo dân hay vu cáo Chính phủ Việt Nam “sách nhiễu, bắt bớ, giam giữ và truy tố với giáo dân”, “đàn áp và bỏ tù những người Hmông và thiểu số Tây Nguyên theo đạo Tin Lành...”.
Cần phải thấy rằng, việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn gắn chặt với tính đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia; trong đó, tín ngưỡng, tôn giáo không thể tách rời chủ quyền quốc gia và quyền dân tộc tự quyết. Mặt khác, việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được đặt trong tương quan hài hòa với trách nhiệm công dân, kết hợp với việc giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước. Họ đã cố tình “quên” Điều 18, khoản 3 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã xác định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bới những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Các quy định tượng tự cũng được đề cập trong khoản 2 Điều 9 Công ước Châu Âu về nhân quyền. Việc chúng ta đưa những kẻ đội lốt tôn giáo kích động giáo dân khiếu kiện tập thể, vi phạm pháp luật, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo với người không có tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động quốc tế trong âm mưu “diễn biến hòa bình” chống Đảng, Nhà nước ta, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp, phù hợp với pháp luật Việt Nam và Luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ an ninh trật tự, kỷ cương phép nước mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều thực hiện. Những phần tử đó đã được đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng với các khung hình phạt, được nhân dân và hàng triệu tín đồ tôn giáo chân chính hoan nghênh, chứ không phải là tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo như một số kẻ đã rêu rao. Căn cứ vào đó, có thể khẳng định rằng, những cáo buộc của USCIRF và một số tổ chức, các nhân khác về việc Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ dựa vào những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, mà còn xuất phát từ sự định kiến, thói quen áp đặt người khác và sâu xa hơn là nhằm lấy lòng các nhóm cực đoan, phản động lưu vong, cũng như thực hiện ý đồ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Thời gian qua, mặc dù các thế lực thù địch và phản động quốc tế ra sức coi vấn đề tôn giáo là một trọng điểm “ưu tiên”, là một trong hai gọng kìm (gọng kìm nữa là vấn đề dân tộc” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ thực chất về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cựu Đại tá Quân đội Mỹ, ông A. Sauvageot, đã có hơn 20 năm đi-về giữa Mỹ và Việt Nam, trong nhiều lần phỏng vấn báo chí phương tây đã nói: về tôn giáo, Việt Nam tự do hơn Mỹ. Tại Đại lễ VESAK 2014, Hòa thượng Y. Đai-chi đến từ Nhật Bản nói: “Chúng tôi có điều kiện tiếp cận nhiều với Phật giáo Việt Nam và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với giáo phái Tịnh độ Tông Nhật Bản, nhất là ở tư tưởng Phật giáo nhập thế, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Tôi đã thấy có rất nhiều phật tử và cả người dân bình thường Việt Nam tới lễ chùa và cùng niệm Phật, cho thấy có sự đoàn kết của Phật giáo với người dân. Việc Chính phủ Việt Nam công nhận và ủng hộ Đại lễ VESAK là điều rất quan trọng”. Còn Thiền sư A-dan Bra-ma-vam-xô (Ajahn Brahmavamso), lãnh đạo tinh thần của Thiền viện Jhana Grove ở Ô-xtrây-li-a nói: “Tới Việt Nam tham dự Đại lễ VESAK tôi cảm nhận được không khí thanh bình, tự do, không có sự cản trở nào đối với việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo ở đây”. Mới đây nhất, tại buổi họp báo ở Hà Nội, ông H.Bi-e-lê-phen-Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của Liên-Hợp-quốc cho rằng: các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Rõ ràng là, những tiếng nói trên đây khác xa với những gì mà USCIRF và một số tổ chức, cá nhân nêu ra; bởi đó là các nhận xét khách quan, chân thực của những người “tai nghe, mắt thấy” những gì về tín ngưỡng, tôn giáo đã diến ra ở Việt Nam.
Sự thật trên là những minh chứng rõ nhất quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận, các tín đồ, chức sắc và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã và đang phát huy vai trò tích cực của mình trong đời sống xã hội. Đó cũng là sự phản bác mạnh mẽ với các luận điệu xuyên tạc, bóp méo về tình hình tôn giáo, quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.




[1] Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb, CTQG, H.2003, tr.48-50.
[2] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1992, H.1992, tr.36.
[3]Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo khái quát tình hình tôn giáo và một số đề xuất về công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tháng 2/2013.

2 nhận xét:

  1. Thực tiễn những gì đã diễn ra cho thấy: không có nước nào trên thế giới tôn trọng và làm tốt tự do tín ngưỡng, tôn giáo như ở Việt Nam

    Trả lờiXóa