Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI BIỂU DƯƠNG TRUNG QUỐC VỀ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC



Khắc Duy
Theo chương trình, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 sẽ làm việc khoảng 23 ngày, khai mạc vào ngày 21.10.2019. Trong đó, Quốc hội dành 12 ngày cho công tác lập pháp; xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.
Vào sáng ngày 24/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, giữa đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc và ĐB Nguyễn Quang Tuấn có tranh luận rất đáng chú ý.

ĐB Quốc cho rằng, học tập tư tưởng của người xưa là chúng ta phải vận dụng những cái tốt chứ không phải là giáo điều. Ông muốn nhấn mạnh trong cuộc tranh luận tại Quốc hội là cốt lõi trong tiếp thu tinh thần của Bác Hồ đã làm (Người cũng tiếp thu giá trị từ người xưa) trong công tác cán bộ là “dụng nhân như dụng mộc”, nghĩa là biết dùng người, biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ.
Qua phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, về đánh giá, sử dụng cán bộ vẫn còn nguyên giá trị; mặc dù ở mỗi thời kỳ cách mạng Đảng ta có sự vận dụng và phát triển làm sao cho phù hợp.
Nhưng khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ. Hồ Chí Minh dùng từ “gốc” để diễn đạt vai trò của “dân” trong mối quan hệ với “nước”, vai trò của “đạo đức” đối với mỗi người và vai trò của cán bộ trong mỗi công việc. Người khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Cán bộ là gốc của mọi công việc điều đó nói lên vai trò quyết định của cán bộ đối với mỗi thành công hay thất bại của mọi công việc. Vì vậy, trong mọi việc mà không có cán bộ thì không thể hoàn thành. Người chỉ rõ: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”;  “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.
Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Trong công tác cán bộ phải “khéo dùng người”, đó là phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, làm cho cán bộ vui vẻ, thoải mái, yên tâm công tác và hăng hái thi đua cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng. 
  Biết tùy tài mà dùng người không những tránh lãng phí người tài, mà còn có tác dụng tích cực, làm cho người tài ngày càng nhiều thêm. Hồ Chí Minh viết: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”.
  Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cơ thất bại”, Người thí dụ: “Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích”.
  Đi đôi với việc sử dụng đúng tài năng của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Người cho rằng phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
  Hồ Chí Minh còn phê phán những bệnh sau đây: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình”.
Có thể nói tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, về đánh giá, sử dụng cán bộ là kết tinh truyền thống dùng người của cha ông ta trong lịch sử, là đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người. Bác đã đi xa nhưng quan điểm của Người về sử dụng cán bộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, Đảng ta tiếp tục kế thừa vận dụng sáng tạo trong việc thực hiện công tác cán bộ. Đặc biệt, Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ... sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”.
Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, về đánh giá, sử dụng cán bộ và bài phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc chúng ta cần có một cách nhìn khách quan, toàn diện biết đấu tranh với các quan điểm sai trái và khẳng định: quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, về đánh giá, sử dụng cán bộ vẫn còn nguyên giá trị!

2 nhận xét: