Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

BÀN VỀ NGHỊ QUYẾT 50/NQ-TW


Ngày 20/8/2019, Nghị quyết 50/NQ -TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 được ban hành. Đây là Nghị quyết quan trọng, nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và dư luận xã hội vào các định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh dư luận tích cực, đã xuất hiện những luồng thông tin thể hiện nhận thức khác nhau, thậm chí trái chiều, sai lệch về vị trí, ý nghĩa cũng như nội dung Nghị quyết này. Những thông tin sai lệch, trái chiều này đã và đang tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, cản trở việc triển khai, thực hiện Nghị quyết trong cuộc sống.

1. Nghị quyết 50/NQ -TW là gì?
Có thể hiểu, Nghị quyết 50/NQ-TW là Nghị quyết chuyên đề nhằm định hướng về hợp tác đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian tới. Với mục tiêu không chỉ gia tăng về số lượng mà còn nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Nghị quyết 50/NQ-TW sẽ mở ra “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI ở Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết, không chỉ số lượng, mà chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI sẽ nâng lên một bậc, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao thứ hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá.
Nghị quyết 50/NQ-TW ra đời là đòi hỏi tất yếu, khách quan. Sau hơn 30 năm hoạt động thu hút FDI ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: quy mô vốn và chất lượng dự án không ngừng gia tăng; các dự án FDI đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động này còn tồn tại nhiều hạn chế như: chuyển giá gây thất thoát ngân sách, gây ô nhiễm môi trường, đầu tư núp bóng, vốn mỏng… Những hạn chế của các dự án FDI đã và đang gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, đòi hỏi phải có chủ trương, biện pháp khắc phục kịp thời. Sự ra đời của Nghị quyết 50/NQ-TW sẽ khắc phục “triệt để”, “tận gốc” những hạn chế này. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn thiện thể chế, chính sách để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; chú trọng sàng lọc kỹ dự án, chống chuyển giá ngay từ khâu thành lập, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Đồng thời, dành những ưu tiên chiến lược cho các dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai, các dự án của các tập đoàn lớn… Các cơ quan nhà nước sẽ tham chiếu chặt chẽ các quy định, tiêu chí đã đặt ra trong Nghị quyết, cả về công nghệ, về an ninh, quốc phòng… để lựa chọn các dự án tốt. Bên cạnh đó, để thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Nghị quyết 50/NQ-TW nhấn mạnh việc ngoại trừ các lĩnh vực hạn chế đầu tư, cam kết đối xử bình đẳng, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây chính là nội dung nhằm củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ yên tâm tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển.
Nhìn vào những định hướng quan trọng của Nghị quyết 50/NQ-TW, chúng ta vững tin vào chiến lược phát triển kinh tế, thu hút FDI vào Việt Nam và có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về FDI.
2. Để Nghị quyết 50/NQ -TW đi vào cuộc sống
Phải khẳng định ngay rằng, Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống là một lẽ tự nhiên. Bởi tính đúng đắn và mục tiêu được xác định trong Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế, với mong muốn của nhân dân ta và các nhà đầu tư nước ngoài. Để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống chúng ta cần làm tốt việc tuyên truyền, thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết…; trong đó, “luật hóa” Nghị quyết là việc làm cấp thiết; kiên quyết đấu tranh nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn và đập tan sự “suy diễn” của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị nhằm xuyên tạc về sự đúng đắn, cần thiết và việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Với chiêu trò “kẻ tung, người hứng”, những kẻ cơ hội chính trị đang cố tạo thông tin nhiễu loạn, gây nên những nhận thức sai lệch về Nghị quyết 50. Điển hình như bải viết Nghị quyết 50 -NQ/TW là gì? của An Viên được tán phát rộng rãi trên nhiều trang mạng phản động cho rằng: Đây là Nghị quyết nhằm chống lại sự lũng đoạn bởi hàng xóm phương Bắc, với mục tiêu cấp thiết nhất là: không giao dự án đường sắc cao tốc Bắc - Nam cho Trung Quốc; không cho hàng hóa Trung Quốc tràn qua Việt Nam, núp bóng hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước; không triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu đến từ Trung Quốc… Đây rõ ràng là nhận thức lêch lạc, thiển cận nhưng vô cùng nguy hại; không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết mà quan trọng hơn, còn trực tiếp xuyên tạc quan hệ chiến lược Việt Nam - Trung Quốc. Mục đích của những luận điệu này không có gì khác, vẫn là gây rối, tạo “đà” cho những âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đưa Nghị quyết của Đảng nói chung, Nghị quyết 50/NQ-TW nói riêng vào cuộc sống đòi hỏi tâm huyết, và tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân. Những chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu chứng tỏ sự đúng đắn, khoa học, góp phần tạo nên động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước trong thời gian tới.
Tóm lại, Nghị quyết 50/NQ-TW hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để đưa Nghị quyết này sớm đi vào hiện thực cuộc sống bên cạnh sự thống nhất về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta; cần chủ động đấu tranh kịp thời với những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội chính trị./.
Nhân Hà

1 nhận xét: