Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

TÁC ĐỘNG MẶT TRÁI CỦA MẠNG INTERNET ĐẾN CÔNG TÁC ĐẤU TRANH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY


TÁC ĐỘNG MẶT TRÁI CỦA MẠNG INTERNET ĐẾN CÔNG TÁC ĐẤU TRANH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY
Thịnh xanh
Ở Việt Nam, dịch vụ internet được cung cấp chính thức từ năm 1997. Hiện nay, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên thế giới có 7,5 tỷ người thì 52% dùng internet và 42% số đó dùng mạng xã hội, con số này ở Việt Nam lần lượt là gần 70% và 60%. Việt Nam đang đứng thứ 6 ở khu vực châu Á và xếp thứ 17 trên thế giới về số lượng người dùng internet.

Chúng ta nhận thức rõ rằng, phát triển internet trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0 là một trong những điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhằm tạo nên những bước tiến đột phá trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử và các lĩnh vực xã hội khác; xây dựng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích do internet mang lại thì mặt trái, mặt tiêu cực của nó cũng không hề nhỏ, có vô số những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc được phát tán lên các trang mạng, blog, mạng xã hội, trên phần bình luận, phản hồi của các tờ báo điện tử.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn đang ngày đêm điên cuồng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Mục tiêu của chúng nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng xác định tấn công trên mặt trận tư tưởng chính trị, văn hóa làm khâu đột phá. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet ở Việt Nam hiện nay thì đây chính là cơ hội để chúng thực hiện mục tiêu này. 
Thủ đoạn của chúng thường là lợi dụng các sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an để tuyên truyền, chống phá; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền tập hợp lực lượng, phản đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; lợi dụng một số vấn đề bất cập, hạn chế trong công tác của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể hay một số cá nhân để khoét sâu gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; mượn danh nghĩa, mạo danh để bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ cấp cao, nguyên là cán bộ cấp cao của quân đội, công an... Chúng đã lập ra hàng trăm trang web, blog (một số blog điển hình như: Dân làm báo, Quan làm báo, Vua làm báo, Chân dung quyền lực, Mẹ nấm…), mạng xã hội để thu thập, bóp méo, bịa đặt; nhào nặn trộn lẫn các thông tin đúng - sai, thật - giả; đưa ra các thông tin sai lệch với dụng ý xấu, định hướng dư luận bằng các luận điệu sai trái; đưa thông tin giật gân, lấp lửng để gây hoài nghi, hoang mang dư luận. 
Mặt khác, chúng triệt để lợi dụng các thông tin về mặt trái, mặt tiêu cực của ta về các vấn đề xã hội nhằm thổi phồng khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, từ đó quy kết thành bản chất, truyền bá các quan điểm phản cách mạng. Chúng còn tạo dựng ra cái gọi là phe này, phái nọ hay những “cuộc đấu đá”, tranh giành quyền lực… để gây lòng nghi kỵ, ngờ vực, phá hoại lòng tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng vào Đảng, Nhà nước, quân đội, công an… Qua đó, phát tán những tư tưởng chống phá chế độ, kích động lòng người, cổ vũ cho những tư tưởng, hành động cực đoan, chống phá quân đội, công an…
Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, con người đang ngày càng lệ thuộc vào thông tin. Để tồn tại trong thế giới hiện đại, con người cần có thông tin, muốn có thông tin trước hết con người cần được tiếp cận thông tin và thu thập thông tin. Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, thông tin được khai thác trên internet và mạng xã hội có nội dung rất phong phú, đa chiều. Các phương tiện tiếp nhận thông tin ngày càng hiện đại, tinh vi nên khó có thể cấm đoán mọi người khai thác thông tin. Mặt khác, do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin rất nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” trên bình diện khá lớn, làm“xóa nhòa” về mọi khoảng cách địa lý. Chính vì vậy, những quan điểm sai trái trên mạng internet có khả năng ảnh hưởng rất nhanh, lan truyền rộng rãi đến nhiều đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng thanh, thiếu niên - những lực lượng thường xuyên tiếp xúc và sử dụng internet và mạng xã hội hằng ngày. 
Thực tế cho thấy, trong giới trẻ hiện nay đã xuất hiện không ít những hội, nhóm lập ra các group, diễn đàn, trang web, câu kết với nhau tuyên truyền, phát tán tài liệu có nội dung xấu, lợi dụng đặc điểm tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình… của giới trẻ để dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm bằng cả vật chất và văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai, thông qua các bài viết trên internet, mạng xã hội. Đồng thời, các thế lực thù địch cũng lợi dụng những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh niên đua đòi theo trào lưu để lôi kéo, kích động, tập hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền ở địa phương.
Thông qua các trang web, mạng xã hội mà hầu hết máy chủ đặt ở nước ngoài như website, dịch vụ thư điện tử (email), trang mạng xã hội facebook, zalo, các dịch vụ hội thoại (chat), diễn đàn (forum), twitter… đặc biệt, hiện nay chúng lợi dụng youtube để dựng lên nhiều bộ phim với việc dùng kỹ thuật và công nghệ để chỉnh sửa dữ liệu cũ, chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng và thông tin giả; tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, bịa đặt các trang hồ sơ liên quan đến các nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo, thân nhân của họ và kích thích trí tò mò của công chúng bằng “thông tin lề trái, thông tin bí mật” để bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc, vu khống các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi, hoang mang, dao động trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. 
Bên cạnh đó, để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu, những nhóm quản trị các trang web, các diễn đàn này đã cố gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu “khách quan”. Khi đã thu hút được một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài đặt các thông tin xấu, độc theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội, dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch, dễ bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu, độc.


1 nhận xét: