Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ LÀ ĐÒI HỎI TẤT YẾU KHÁCH QUAN


                                                                                               Thế Nhân
Trong suốt hơn 70 năm qua, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, lấy xây dựng quân đội về của quân đội. Hiện nay, việc xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị đang đặt ra những vấn đề mới cả về nhận thức, tổ chức và hoạt động. Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tình hình khu vực; sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của mọi quân nhân trong quân đội. Một bộ phận cán bộ, chiến sỹ phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng, đề cao lợi ích vật chất, sống thực dụng, vị kỷ. Một số lại có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của quân đội nói chung, đến sức mạnh chính trị , tinh thần của bộ đội nói riêng.


Nói đến xây dựng quân đội về chính trị là nhấn mạnh việc xây dựng bản chất cách mạng, tăng cường sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội. Xây dựng quân đội về chính trị nếu chỉ quan niệm đơn thuần là xây dựng về chính trị tư tưởng là sai lầm, phiến diện. Chính trị ở đây bao hàm cả chính trị tư tưởng, chính trị tổ chức, chính trị thực tiễn. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một tất yếu khách quan trước hết xuất phát từ bản chất giai cấp của quân đội cấp công nhân của quân đội. Chỉ có quân đội cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân với thực sự là quân đội của nhân dân, của dân tộc. Nhân tố cơ bản quyết định đến bản chất chính trị của quân đội là quyền lãnh đạo, hiệu lực lãnh đạo của chính đảng giai cấp đối với quân đội. Bởi lẽ đảng là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong của giai cấp, bao gồm những phần tử ưu tú đại biểu cho sức mạnh trí tuệ và quyền lực của giai cấp. Đảng nắm chắc quyền lãnh đạo quân đội thì yếu tố chính trị của quân đội được củng cố vững chắc. Đảng bị chia sẻ quyền lãnh đạo quân đội, năng lực lãnh đạo yếu kém sẽ làm quân đội suy yếu về chính trị, làm giảm sức mạnh tổng hợp của quân đội.
Các Mác khẳng định: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bởi lực lượng vật chất. Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”. Để chuyển hoá yếu tố chính trị tinh thần thành lực lượng vật chất chính là quá trình xây dựng quân đội về chính trị. Không phải kẻ thù của chúng ta không thấy được sức mạnh của yếu tố chính trị tinh thần đối với quân đội. Chúng ra sức tuyên truyền, biện hộ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa. Không ít những binh lính đế quốc và bọn tay sai cũng có những lý lẽ chống cộng sặc mùi phản động. Mục tiêu chiến đấu, lý tưởng mù quáng của chúng là kết quả của bộ máy tuyên truyền lừa bịp, phản động. Chỉ khi chân lý được sáng tỏ, chính nghĩa, phi nghĩa rõ ràng thì sức mạnh chính trị tinh thần mới chuyển thành sức mạnh vật chất một cách vững chắc. Quân đội ta trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, có ý chí quyết chiến, quyết thắng. Tất cả những phẩm chất ấy được bắt nguồn từ sự giác ngộ chính trị sâu sắc, từ bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta ngay từ khi mới tổ chức ra những lực lượng vũ trang đầu tiên, đã vận dụng đúng đắn nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác Lênin, luôn coi trọng xây dựng quân đội về chính trị. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: chính trị là vận mệnh của quân đội cách mạng. Người coi chính trị là cái gốc, là nền tảng của quân đội. Người thường xuyên nhắc nhở: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Trong đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở cho xây dựng các mặt khác. Người đã thành công trong việc khám phá ra quy luật: xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam phải đi từ chính trị đến quân sự, từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển thành các tổ chức vũ trang, từ mục tiêu chính trị của từng giai đoạn cách mạng để xây dựng lực lượng quân sự. Lấy xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng chính trị, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng làm chỗ dựa, làm lực lượng hỗ trợ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quân đội.
Để xây dựng quân đội về chính trị, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần tập trung vào những vấn đề sau:
“- Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
- Cán bộ chiến sỹ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt xẻ bùi.
- Quân với dân như cá với nước.
- Có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả.
- Do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục.
Quán triệt sâu sắc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: vấn đề cốt lõi nhất trong xây dựng quân đội ta về chính trị là quân đội luôn giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc. Chính trị của quân đội không chỉ bao hàm các mối quan hệ giữa quân đội với hệ thống chính trị mà nó bảo vệ, mà còn bao hàm cả mối quan hệ giữa quân đội với dận tộc và nhân dân. Chính bản chất giai cấp của nhà nước đương thời chi phối quan hệ này. Một khi lợi ích của giai cấp thống trị không phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân và dân tộc, thì quân đội của nhà nước đó không thể mang tính nhân dân, tính dân tộc, mặc dù nó vẫn chủ yếu là con em của nhân dân lao động. Do bản chất chính trị của mình, các nhà nước tư bản, đế quốc xây dựng quân đội nhà nghề. Quân đội đó mang bản chất của giai cấp tư sản, nhiều khi nó được dùng để đàn áp nhân dân lao động khi lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản bị đụng chạm. Ở nước ta, quân đội sinh ra từ các phong trào vũ trang của quần chúng, được nhân dân nuôi dưỡng; được Đảng lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Do đó quân đội ta không chỉ mang bản chất của giai cấp công nhân mà còn mang tính nhân dân, tính dân tộc. Chăm lo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc là nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng quân đội ta về chính trị trong giai đoạn mới.

Để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau.
 Một là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
 Hai là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng với quân đội.
 Ba là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả cộng tác tư tưởng, lý luận trong quân đội, kiên quyết đấu tranh khắc phục những nhận thức, hành động sai trái và đập tan âm mưu thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.
 Bốn là: Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có trí tuệ và khả năng hoạt động thực tiễn, làm nòng cốt để xây dựng quân đội về chính trị.
Xây dựng quân đội về chính trị thực chất là giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; quán triệt và cụ thể hoá đường lối chính trị, đường lối quân sự, đường lối đối ngoại của Đảng vào quân đội, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng với quân đội, làm cho quân đội ta luôn là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân. Xây dựng quân đội về chính trị là nâng cao là nâng cao chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, để họ sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Việc xây dựng quân đội ta về chính trị trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau trong hơn 70 năm qua để lại những bài học hết sức quý giá. Đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề cốt tử trong xây dựng quân đội về chính trị. Thường xuyên giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lập trường của giai cấp công nhân, mục tiêu lý tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ. Xây dựng quân đội nói chung, xây dựng quân đội về chính trị nói riêng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành, mọi quân nhân./.

1 nhận xét:

  1. Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của chúng.

    Trả lờiXóa