Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

GÓP PHẦN LÀM RÕ QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC


 Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều người theo tôn giáo. Hiện nay, có 5 tôn giáo lớn: Phật giáo; Kitô giáo (Công giáo, Tin Lành); Hồi giáo; Cao Đài; Hoà Hảo. Số tín đồ lên tới gần 20 triệu. Có người cùng lúc tham gia nhiều hành vi tín ngưỡng, tôn giáo. Gần đây các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động phát triển tổ chức, phát huy ảnh hưởng trong đời sống tinh thần xã hội, thu hút tín đồ ; tăng cường quan hệ với các tổ chức tôn giáo thế giới. Các cơ sở tôn giáo được tu bổ, xây dựng mới khang trang đẹp đẽ ; các lễ hội tôn giáo diễn ra sôi động ở nhiều nơi.  Đại đa số tín đồ chức sắc tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, theo hướng “tốt đời, đẹp đạo”. Song thực tế tình hình tôn giáo vẫn còn những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định.
Các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá CMVN. Chúng gắn vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” với cái gọi là “tự do tôn giáo” để chia rẽ tôn giáo, dân tộc; tài trợ, xúi giục các phần tử xấu trong các tôn giáo truyền đạo trái phép, lôi kéo những hoạt động trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị.     Vì vậy quán triệt nội dung quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Trong đó tập trung thể hiện một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 Quan điểm này thể hiện sự đổi mới quan trọng của Đảng trong nhận thức về vấn đề tôn giáo từ góc độ đến thái độ tiếp cận. Trước đây, tôn giáo thường tiếp cận từ hai góc độ tư tưởng triết học và chính trị với hai định nghĩa mang tính kinh điển: "tôn giáo là hình thái ý thức xã hội" "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Đó là hướng tiếp cận đúng, nhưng chưa đủ theo quan điểm mới của Đảng ta về vấn đề tôn giáo. Bởi vì, tôn giáo không chỉ là triết học và không chỉ là vấn đề chính trị mà tôn giáo còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Với nhận thức đó, Đảng ta không chỉ bó hẹp tôn giáo trong khuôn khổ của tư tưởng triết học và chính trị mà còn khẳng  định rõ thái độ của những người cộng sản Việt Nam về sự tôn trọng nhu cầu tinh thần, đời sống tâm linh của nhân dân, một nhu cầu đích thực, chính đáng của quần chúng có đạo, thể hiện sự quan tâm và bảo đảm cho những lợi ích thiết thân của đồng bào các tôn giáo. Việc tôn trọng, bảo đảm và thỏa mãn nhu cầu đời sống tín ngưỡng lành mạnh, chính đáng của họ cũng giống như việc bảo đảm các quyền lợi khác của con người như ăn, ở, mặc, bảo vệ sức khoẻ, tự do, nhân quyền, dân chủ, vv…
Hai là, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật
Ba là, Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết tôn giáo, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.
 Đảng xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo.”[1].  Trước đây, do yêu cầu của cách mạng cần phải tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc trong điều kiện các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nên chúng ta thường nhấn mạnh đến mặt tiêu cực, hạn chế của tôn giáo, như tư tưởng yếm thế, ru ngủ con người. Nhưng quan điểm đổi mới của Đảng, bên cạnh mặt hạn chế cần khắc phục, phải trân trọng và phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo, trong đó có mặt tích cực về đạo đức, văn hóa tôn giáo. Quan điểm nêu trên của Đảng đã góp phần khơi dậy, động viên tín đồ, chức sắc các tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp, mặt tích cực, điểm tương đồng của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào các tôn giáo làm cho họ tự giác đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tô quốc"[2].
Bốn là, vấn đề theo đạo và truyền đạo.
Trên cơ sở nhất quán đường lối tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Mọi tín đồ có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật. Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật.
Đây là quan điểm có vị trí đặc biệt quan trọng phản ánh rõ đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta ngày càng được mở rộng cùng với quá trình đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện những vấn đế phức tạp trong đời sống sinh hoạt tôn giáo cần được chấn chỉnh. Cùng với việc khẳng định quyền tự do hoạt động tôn giáo của tín đồ và các tổ chức tôn giáo hợp pháp, cần nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân chưa được nhà nước thừa nhận tư cách pháp nhân truyền đạo, nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân hay ép buộc người khác theo đạo. Điều đó không chỉ bảo đảm cho hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, giữ vững tình hình chính trị - xã hội mà còn bảo vệ các tôn giáo chân chính, chống tà đạo, tà giáo và hiện tượng mê tín dị đoan nhằm làm lành mạnh hoá môi trường sinh hoạt tôn giáo theo nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo.
D.T.T




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.48 - 49.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.245. 

1 nhận xét: