Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ - KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ


Mỗi khi nhắc đến “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972, mọi người lại nhớ về địa danh “Thành cổ Quảng Trị” gắn với cuộc chiến đấu khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm của các lực lượng giữ Thành cổ (từ 28-6 đến 16-9-1972). Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ mãi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần anh dũng, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thành cổ Quảng trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 11km; cách thị xã Đông Hà - tỉnh lỵ của Quảng Trị hiện nay 14km và cách thành phố Huế hơn 60km. Đây là một công trình kiến trúc thành lũy cổ, đồng thời cũng là lỵ sở hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị. Suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương, mà còn có vị trí quan trọng to lớn đối với tiến trình phát triển của dân tộc.
Để trấn giữ phía Bắc kinh đô Phú Xuân (Huế), mảnh đất Quảng Trị luôn được nhà Nguyễn coi trọng, dùng làm dinh (tỉnh) trực lệ kinh sư (trực thuộc kinh đô), cho đắp thành lũy. Thành Quảng Trị được khởi dựng vào tháng 8 năm 1801 tại phường Tiền Kiên, huyện Đăng Xương (Triệu Thành - Triệu Phong). Năm 1809, vua Gia Long dời dinh lỵ đến xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng (thị xã Quảng Trị hiện nay) và bắt đầu hoạch định xây dựng thành.
Quá trình xây dựng của thành Quảng Trị từ khi khởi công dưới thời Gia Long đến khi hoàn thiện dưới thời Minh Mạng kéo dài gần 28 năm (1809-1837). Bộ phận kiến trúc chính tạo ra diện mạo tổng quát của thành Quảng Trị là cấu trúc Phòng thành (Thành ngoài). Phòng thành Quảng Trị được xây bằng gạch, tổng thể có hình vuông. Thành có kiến trúc theo kiểu Vauban (Vô băng). Kiến trúc Vauban là một hệ thống phức hợp, gồm những công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang tính bố phòng vững chắc, bao gồm các bộ phận chính như: Lũy, pháo đài, pháo đài góc, tường bắn, những pháo nhãn hay pháo môn, phòng lộ, đường kín…
Khuôn viên Thành cổ có chu vi dài 2160m, cao 4,3m, chân thành dày 13,5m, đỉnh dày 0,72m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành có 4 cửa nằm chính giữa 4 mặt Thành: Tiền, Hậu, Tả, Hữu được xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói âm dương. Nội Thành có các công trình kiến trúc như Hành cung, cột cờ, Dinh Tuần vũ, Dinh Án sát, Dinh Lãnh binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính. Trong đó, Hành cung được xem là công trình nổi bật nhất: bao bọc xung quanh là hệ thống tường dày, chu vi 400m, có hai cửa - nơi đây thường để vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ đã xây dựng thêm trong Thành cổ nhà lao, tòa mật thám, trại lính khố xanh và cơ quan thuế đoan…
Từ năm 1929 đến năm 1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Dưới thời tạm chiếm, Mỹ - Việt Nam Cộng hòa biến tòa thành này thành khu quân sự, xây dựng thêm kho tàng quân đội, trung tâm chỉ huy và nhà giam…
Mỹ coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Nhưng phòng tuyến đó đã bị Quân giải phóng chọc thủng ngày 1-5-1972 và lá cờ chiến thắng của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, báo hiệu toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng.
Không chấp nhận mất Quảng Trị, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, Chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, trong đó mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa Thành cổ.
Ngày 13-6-1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” mang mật danh “Lam Sơn 72”. Để chắc thắng, Thiệu đã huy động 4 sư đoàn mạnh nhất, trong đó có toàn bộ sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng cơ động chiến lược. Lực lượng tham gia chiến dịch tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ; đồng thời Thiệu điều Trung tướng Ngô Quang Trưởng - một viên tướng được kỳ vọng nhiều nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa làm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đoàn 1.
Mở màn cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, sáng ngày 28-6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực của quân đội Việt Nam Cộng hòa ồ ạt tiến công sang bờ Bắc sông Mỹ Chánh, thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm lãnh thổ”.
Cuộc chiến đấu trong những ngày đầu diễn ra vô cùng ác liệt ở các khu vực Đồng Dương, Diên Khánh, Xuân Viên, Kim Giao. Các chiến sĩ Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320B), Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) được sự phối hợp của quân và dân địa phương đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Tuy nhiên, với lực lượng đông, vũ khí trang bị hiện đại, cộng với sự giúp sức của Mỹ, sau 1 tuần mở cuộc hành quân, ngày 5-7, địch đã chiếm được hầu hết huyện Hải Lăng, hình thành cánh cung áp sát thị xã Quảng Trị, gây cho ta nhiều tổn thất.
Quán triệt quyết tâm của Quân ủy Trung ương “phải kiên quyết giữ thị xã”, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tăng cường lực lượng vào thị xã, đồng thời tổ chức những trận phản kích nhằm vào hai bên sườn đội hình tiến quân của địch, kiên quyết chặn bước tiến của chúng.
Trung tuần tháng 7, cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ diễn ra vô cùng ác liệt. Trên khu vực Ngã ba Thạch Hãn đến Ngã ba Long Hưng, địch đã điều 3 tiểu đoàn dù (1, 9, 11 thuộc các lữ dù 2 và 3) liên tục tiến công vào xung quanh Thành cổ. Nhưng mọi cuộc tiến công ồ ạt của địch đều bị chặn lại trước những chốt thép kiên cường của các lực lượng giữ Thành. Trong những ngày chiến đấu ác liệt này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) và Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương đã chiến đấu anh dũng, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Tính từ 28-6 đến 27-7, các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành cổ đã đánh thiệt hại nặng Lữ dù 2 và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc sư đoàn dù lùi về sau củng cố đội hình.
Sang đầu tháng 8, địch mở một trận tập kích hỏa lực lấy tên “Phong lôi” đánh phá toàn bộ phòng tuyến của ta. Địch cho pháo hạm và pháo mặt đất bắn vào thị xã và Thành cổ tới hai vạn viên mỗi ngày. Ở Thành cổ, 4 bức tường cao, dày hàng mét vỡ dần, từng mảng tường lớn dài hàng chục mét cứ dạn ra, nghiêng dần rồi đổ sụp xuống.
Đặc biệt, ngày 15-9, cuộc chiến đấu giữa lực lượng giữ Thành cổ với thủy quân lục chiến ngụy diễn ra vô cùng ác liệt. Quân đội Việt Nam Cộng hòa được sự chi viện tối đa đã ồ ạt xông lên đột phá 2 cổng Thành, tiến sát nhà lao nhưng bị đánh bật ra bởi hỏa lực của ta. Nhưng với trang bị vũ khí hiện đại, địch tập trung hỏa lực pháo binh mạnh hơn làm cho sức phản kích của quân ta giảm dần. Các lực lượng giữ Thành vẫn kiên cường chống trả và chỉ chịu rút lui khi có lệnh của cấp trên vào chiều ngày 16-9.
Trong 81 ngày chốt giữ Thành cổ, trung bình một chiến sĩ ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và khoảng 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày các chiến sĩ phải đánh địch phản kích từ 5 đến 7 lần, có khi tới 13 lần; đồng thời phải chứng kiến nhiều loại bom đạn khác nhau như: bom đào, bom phạt, bom bi, pháo khoan, pháo chụp. Không chỉ có bom đạn, địch còn thả xuống đây chất độc hóa học gây nhiều khó khăn cho ta.
Trong cuộc chiến này, địch đã ném xuống Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn bom, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 và đã phá hủy hoàn toàn 1 vạn ngôi nhà và tòa Thành cổ.
Cuộc chiến đấu diễn ra trong Thành cổ Quảng Trị như một huyền thoại, cách đánh ở đây cũng khác so với các trận chiến đấu thông thường khác. Lựu đạn phải để xì khói trên tay mới ném, phải trèo lên tường cao mà ném hoặc bò sát miệng hầm của địch mà liệng vào.
Chiến công giữ vững Thành cổ là khúc tráng ca bất tử, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như những trang sử hào hùng nhất. Thành cổ như một bảo tàng ghi nhận sự hy sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng. Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã bẻ gãy ý đồ cuồng vọng tái chiếm Quảng Trị của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa, góp phần tạo thế mạnh cho ta trên bàn đàm phán Paris.
Với giá trị lịch sử và tầm vóc chiến công đã được đúc kết bằng xương máu của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào cả nước, Thành cổ Quảng Trị được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12-12-1986. Năm 1994, Thành cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
Trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị sẽ trở thành một công viên văn hóa tưởng niệm; là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân dân Quảng Trị anh hùng; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
                                                                                                        Vì Dân

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất có giá trị, nên có nhiều bài về Thành cổ Quảng Trị hơn

    Trả lờiXóa