Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI


Ngày nay, những mưu toan “đánh đổ” chủ nghĩa Mác - Lênin thường dựa chủ yếu vào sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, coi đây là lý lẽ có sức nặng nhất để thực hiện mục tiêu của chúng. Vào những năm cuối thập kỷ 80 từ tháng 4 năm 1989 trở đi, sự đổ vỡ diễn ra liên tiếp ở các nước Đông Âu, đến tháng 9 năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và sáu nước Đông Âu đã sụp đổ hoàn toàn. Sự đổ vỡ cũng diễn ra ở Mông Cổ, Anbani, Nam Tư. Đó là một sự sụp đổ có tính chất dây chuyền trên một phạm vi địa lý rất rộng. Người ta nói đến “trận động đất chính trị”, “trận cuồng phong chính trị”. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội hí hửng reo lên: Đây là sự sụp đổ “tất yếu” không tránh khỏi của một chế độ “lỗi thời” và đó là một cuộc “cách mạng”. Kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lênin quả quyết rằng đó là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin, một học thuyết sai lầm, đầy ảo tưởng rằng chủ nghĩa xã hội là một bước đi sai lầm của lịch sử tất nhiên phải sụp đổ.

Nghiên cứu sâu sắc tình hình, đặc biệt là diễn biến của công cuộc cải tổ ở Liên Xô, cho chúng ta thấy sự sụp đổ đó nhất quyết không phải xuất phát từ sự lỗi thời, từ bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà bởi những nhược điểm và khuyết điểm to lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội chậm được phát hiện và khắc phục, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế - xã hội và khủng hoảng chính trị - xã hội, cùng với sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” thâm độc và xảo quyệt.
Những khuyết điểm, sai lầm kéo dài trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội liên quan đến mô hình của chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng và nguy cơ sụp đổ. Khi nền kinh tế bước sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu thì mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã bộc lộ đầy đủ những khuyết tật của nó, đã tuyệt đối hóa cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao, từ bỏ hay gần như từ bỏ một cách chủ quan duy ý chí nền kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường, thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị kinh tế và cá nhân người lao động. Hậu quả của sự kéo dài cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp là nền kinh tế Liên Xô rơi vào tình trạng trì trệ, tốc độ phát triển chậm dần, tính hiệu quả ngày càng thua kém các nước tư bản, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Sai lầm, khuyết tật gắn với mô hình cũ không chỉ trên lĩnh vực kinh tế. Nó còn thể hiện ở việc xây dựng hệ thống chính trị, ở phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Hệ thống chính trị chủ yếu là bộ máy Đảng và Nhà nước ngày càng cồng kềnh, tốn kém và ngày càng kém hiệu lực, nhất là trong quản lý kinh tế. Chủ nghĩa quan liêu hoàn toàn trái ngược với bản chất của chủ nghĩa xã hội, nhưng với cơ chế cũ thì không có cách gì ngăn chặn sự phát triển của nó. Do chậm đổi mới cơ chế kinh tế, hệ thống quản lý, nói chung là chậm đổi mới mô hình của chủ nghĩa xã hội, nên hậu quả là Liên Xô đang trên đà rút ngắn dần về trình độ phát triển kinh tế so với các nước tư bản phát triển thì từ giữa những năm 70 tình hình diễn ra theo chiều ngược lại.
Những sai lầm chủ quan nghiêm trọng kéo dài đã nói ở trên không phải là những sai lầm khuyết tật do bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà do quan niệm giáo điều về chủ nghĩa xã hội. Cuộc khủng hoảng từ những năm 80 là rất trầm trọng. Song Liên Xô có thể khắc phục được những khủng hoảng trầm trọng đó bằng một cuộc cải cách sâu sắc, toàn diện, được chỉ đạo bởi một đường lối đúng đắn, có nguyên tắc, phù hợp với tình hình thực tế, giữ vững con đường phát triển xã hội chủ nghĩa. Nhưng, trái với những mong đợi của chúng ta, cuộc cải cách như thế đã không diễn ra, thay vào đó là cuộc “cải tổ” mà hậu quả của nó thì mọi người đã biết.
Một nguyên nhân trực tiếp nữa dẫn đến sự sụp đổ đó là chủ nghĩa đế quốc thường xuyên tiến hành một cuộc chiến tranh khi thì bằng súng đạn, khi bằng “diễn biến hòa bình” chống chủ nghĩa xã hội, chống Liên Xô. Chính chúng đã gây ra cuộc chiến tranh lạnh từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng xem cuộc khủng hoảng ở Liên Xô là thời cơ 70 năm có một để đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Các chiến lược gia phương Tây sớm nhận ra “cái gót Asin” của cải tổ thể hiện tập trung ở “tư duy chính trị mới”. Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ở bên ngoài theo sát quá trình cải tổ, tìm mọi cách để lái nó theo ý đồ của họ. Họ làm việc đó thông qua những người lãnh đạo chủ chốt của cải tổ mà họ đã nắm chắc trong tay, trong số này có một số phần tử được dùng như “con ngựa thành Tơroa” để phá từ bên trong. Các thế lực từ bên ngoài tác động vào cải tổ cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức.
Hiện nay, một mảng quan trọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị sụp đổ, nhưng tuyệt nhiên không nói lên rằng chủ nghĩa Mác - Lênin sai lầm và phá sản mà điều đó là do những nguyên nhân đã phân tích ở trên. Những nước xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn tiếp tục con đường đi của mình theo định hướng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tiếp tục sống trong cuộc đấu tranh của những người cộng sản và nhân dân ngay tại những nước mà chế độ xã hội chủ nghĩa vừa sụp đổ; vẫn tiếp tục sống trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Ngay nhiều học giả tư sản sáng suốt cũng thừa nhận rằng sẽ là sai lầm nếu vội vã tuyên bố học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội đã chết còn chủ nghĩa tư bản thì vĩnh hằng, rằng Mác vẫn sống ngay trong các trường đại học ở phương Tây, rằng sẽ không có tương lai nếu không có Mác, rằng Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI, v.v… và v.v…
H.G.K

1 nhận xét: