Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ CHO QUÂN NHÂN TRƯỚC TRÀO LƯU PHẢN CẢM “CÂU LIKE” CỦA “YOUTUBER VIỆT”



                                                                              
                                                                                    Huệ Nguyễn
Hẳn khi truy cập Youtube, bạn sẽ thấy rất nhiều người đang kiếm tiền tại nền tảng video lớn nhất thế giới này và hình thức ưa chuộng nhất vẫn là Youtube Partner (đối tác của kênh truyền thông Youtube) bởi một nền tảng khổng lồ được phát triển bởi Google, cho phép bạn đăng tải các video để lưu trữ và chia sẻ cho người khác, cộng đồng xem.

Hiện nay không thể phủ nhận được rằng Youtube Partner (từ Google) vẫn luôn là hình thức kiếm tiền online “béo bở” đông người tham gia nhất ở Việt Nam bởi vì tính chất dễ dàng để bắt đầu, tính chất lâu bền, thu nhập tiềm năng và độ uy tín cao. Thậm chí nhiều người không cần vốn (hoặc cần ít) cũng có thể làm, từ học sinh cấp 3, cao đẳng, đại học hay người lớn, nhiều người vẫn đang kiếm tiền với Youtube hàng ngày chỉ với một số kiến thức cơ bản về tin học và thao tác xử lý video, hình ảnh bằng những phần mềm thông dụng. Những năm trở lại đây, kiếm tiền trên YouTube được nhiều người quan tâm và thực hiện, không ít người kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng bằng việc đăng tải các clip, video lên YouTube. Khi lượng người xem nhiều và hiển thị quảng cáo, người đăng tải clip, video kiếm được tiền từ các nhãn hiệu quảng cáo, thông qua YouTube. Vì thế, không ít người làm nội dung bất chấp các giá trị về văn hóa, giáo dục, làm các clip phản cảm nhưng gây tò mò, kích thích, thậm chí là dung tục để thu hút người xem và kiếm tiền. Tất nhiên, với hệ quy chiếu của một nền văn hóa dù ở Việt Nam hay ở bất cứ quốc gia nào, cộng hưởng với dư luận của công đồng mạng, một điều chắc chắn rằng nếu các nhãn hiệu hàng hóa không đồng ý để sản phẩm của mình quảng cáo trên các clip phản cảm, dung tục, thiếu lành mạnh thì “nguồn sống” của những người làm nội dung trên bị cắt đứt. Theo ý kiến của các chuyên gia về an ninh mạng chỉ ra, không chỉ với các video có nội dung xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, cách làm này có thể áp dụng với các video, clip trên YouTube có nội dung không lành mạnh, phản cảm, dung tục. Đồng thời, luật an ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã trực tiếp bảo vệ giá trị của văn hóa trước những nội dung phản cảm, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng.
Một số hiện tượng nổi cộm có thể dễ dàng liệt kê thời gian gần đây như video quay lại cuộc sống hàng ngày của các bà mẹ đơn thân với nhiều cảnh “cố ý hớ hênh” với hơn 300 nghìn người đăng kí, các hoạt động bình luận đều nhắm đến các đoạn “ăn mặc hở hang” của nhân vật trong video. Sự kiện “đình đám” hơn nữa là kênh của Khá “Bảnh” mà Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có yêu cầu đến Google, cơ quan chủ quản của YouTube, đề nghị khóa - hạ kênh YouTube của tài khoản Khá Bảnh. Nguyên nhân là những clip của Khá Bảnh trên kênh Youtube có nội dung phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến việc giáo dục tầng lớp thanh thiếu niên, gây bức xúc trong dư luận. Bản thân đối tượng Khá Bảnh đã bị cơ quan khởi tố và bắt giữ do có hành vi vi phạm pháp luật. Đôi điều về “lí lịch” của nhân vật “hotboy xăm trổ” với tên thật là Ngô Bá Khá này là phải đi trại giáo dưỡng từ khi chưa đủ 18 tuổi, sau đó lại vào tù ra tội nhưng chỉ với loạt video gây sốc như đốt xe, khoe tiền… Khá “Bảnh” nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi và một bộ phận giới trẻ hâm mộ đối tượng này như một ngôi sao Showbiz. Một “chiến tuyến” khác là sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng mạng trước video ăn thịt mèo của kênh YouTube Hậu Cáo TV, được cho man rợ đối với động vật trên Trang Fanpage Hanoi Pet Adotion đã thu hút hơn 4.500 lượt bình luận và 14.800 lượt chia sẻ mặc dù nội dung chỉ xoay quanh việc hành hạ động vật như cho đại bàng mổ chết gà trống, cho cú mèo mổ nhau với chó, vặt lông chim cút đang sống… Sau đó còn lấy tên là “thử thách sinh tồn”. Đó là chưa kể đến hàng loạt những kênh Youtube chưa được kiên quyết xử lý do những công cụ tự động của Google khó lòng nhận diện.
 Thanh niên trong Quân đội hiện nay đã và đang tiếp cận, sử dụng các trang mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau: tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè… Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy bên cạnh những tác động tích cực của các trang mạng xã hội hay các kênh Youtube mang lại thì không tránh khỏi những tác động tiêu cực, đặc biệt là những tác động trực tiếp ảnh hưởng đến bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của thanh niên Quân đội hiện nay, ngoài ra còn làm ảnh hưởng tới việc chấp hành kỷ luật và chấp hành các chế độ trong ngày, trong tuần ngày càng có nhiều mặt hạn chế nếu không có sự quản lý chặt chẽ của cán bộ đơn vị. Với đặc điểm các kênh Youtube luôn có lượng người sử dụng đông đảo, thông tin truyền tải không hạn chế và lan truyền sâu rộng, đây chính là “mảnh đất vàng” để các thế lực phản động thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” đối với thanh niên (trong đó có thanh niên trong Quân đội) bằng cách cho đăng tải, chia sẻ, lan truyền các bài viết, bình luận có quan điểm chính trị đối lập với Đảng và Nhà nước ta… Nếu không đủ tỉnh táo, kiên định với lập trường cách mạng, bản lĩnh chính trị thì thanh niên Quân đội sẽ bị cuốn theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, bị lung lay ý chí, tha hóa niềm tin, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do tuổi đời còn trẻ, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng đang trong quá trình hoàn thiện, thích khám phá những vấn đề mới, hơn nữa cùng với tâm lý thích nổi tiếng, thích được mọi người chú ý, câu “like”, câu “view”,… khiến cho một bộ phận không nhỏ thanh niên Quân đội nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ các quan điểm, luận điệu tiêu cực, sai trái lên trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, các kênh Youtube là “môi trường thuận lợi” cho những thông tin, hình ảnh, video clip có nội dung tha hóa về đạo đức “hoành hành” với hàng tá thông tin về trộm cắp, giết người, lừa đảo, ăn chơi sa đọa, sự vô tâm, vô cảm… Tất cả điều này đều gây ra những tác động tiêu cực tới đạo đức, lối sống của quân nhân, có thể khiến cho thanh niên Quân đội có những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, nếu không có nhận thức đầy đủ và ý thức cảnh giác khi đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, video clip thanh niên Quân đội dễ bị dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị và Quân đội. Thực tế cho thấy việc giao lưu, chia sẻ thông tin của Youtube lên mạng xã hội của thanh niên Quân đội hiện nay đang ẩn chứa những hệ lụy khó lường, đôi khi chính họ cũng không thể ngờ tới cho đến khi xảy ra những tiêu cực, hậu quả xấu. Phòng, chống hiệu quả tác động tiêu cực của các kênh Youtube phản cảm đối với thanh niên Quân đội hiện nay là một yêu cầu cấp thiết song cũng hết sức phức tạp, có tính lâu dài.
Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và Youtube, phòng, chống có hiệu quả tác động tiêu cực của các các video clip phản cảm, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên Youtube đối với thanh niên Quân đội, chúng ta cần chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
Một là, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hệ thống thông tin nói chung, Youtube nói riêng. Chỉ huy các cấp cần phải quán triệt, định hướng chính trị, nâng cao nhận thức cho các đối tượng khi tiếp cận thông tin, Youtube, nhất là các cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của các đối tượng trong cơ quan, đơn vị. Khi phát hiện các thông tin, hình ảnh, clip có nội dung xấu đến Quân đội bị phát tán trên mạng xã hội, Internet, kịp thời báo cáo cấp trên; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn, bóc gỡ kịp thời, không để tán phát trên các trang mạng xã hội và Internet. Chủ động nắm, quản lý, dự báo, thông tin định hướng tư tưởng cho thanh niên Quân đội trước các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống, uy tín của Quân đội.
Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lực lượng thanh niên trong Quân đội trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội nói chung, chống “Diễn biến hòa bình” trên Youtube nói riêng. Đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục để thanh niên Quân đội thấy rõ tính hai mặt của internet và Youtube; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội.
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong Quân đội tham gia đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên Youtube. Tổ chức các lực lượng chuyên trách, kịp thời ngăn chặn không để các quan điểm sai trái phát tán trên Youtube có điều kiện tác động đến thanh niên trong Quân đội. Đấu tranh, phê bình trực diện đối với những cá nhân cơ hội, lệch lạc về chính trị ngay từ các cơ quan, đơn vị. Đi liền với công tác đấu tranh chống địch phá hoại về tư tưởng chính trị, cần tăng cường công tác quản lý nội bộ, không để địch lợi dụng, kích động, lôi kéo, chia rẽ.
Bốn là, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”. Thông tin về từng sự kiện, hiện tượng, vấn đề cần được khai thác, phát hiện từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau, tránh được sự đơn điệu, trùng lắp và một chiều, kết hợp nhiều thể loại, nhiều hình thức. Động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt trên trang mạng nội bộ (website) của đơn vị. Khuyến khích thanh niên Quân đội xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Cần có kế hoạch sử dụng thời gian rảnh rỗi vào ngày nghỉ, giờ nghỉ một cách hợp lý để sử dụng mạng xã hội có hiệu quả, bổ ích, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân.
Sự phát triển của Internet là thành tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nổi cộm gần đây là những hiện tượng phản cảm trên Youtube, một phần tiêu cực khó có thể tránh và liên lụy đến các mạng xã hội khác. Nếu những quân nhân, thanh niên sử dụng Internet không vững vàng trong nhận thức, thiếu nhãn quan chính trị đúng đắn, thiếu thông tin chính thống, khi tiếp xúc với những quan điểm sai trái, thù địch sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến mơ hồ, mất niềm tin, thần tượng “mù quáng”. Nhận diện và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực từ mạng xã hội, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên Youtube trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết đối với mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong Quân đội.

1 nhận xét:

  1. Giữa mớ hỗn độn thông tin trên các trang MXH, chúng ta cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, gây nguy hại đến an ninh quốc gia và vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa