Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019


Bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới
                                       Đức Hùng
Chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăng ghen sáng lập vào giữa thế kỷ XIX, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được V.I.Lênin phát triển thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ thời C.Mác cho đến thời Lênin và cho đến ngày nay, khi nhân loại đã bước vào hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm, quanh co, phức tạp, song đời sống xã hội vẫn không nằm ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời phải đấu tranh phê phán các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận  chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới.

Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được. Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện ở chỗ nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại. Nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa. Thời đại ngày nay có nhiều nội dung, đặc điểm rất mới so với thời C.Mác và V.I.Lê nin sống và hoạt động. Song các giá trị bền vững trong tư tưởng, quan điểm và phương pháp của Mác, Ăngghen, Lênin đã và đang là lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới, còn những hạn chế lịch sử trong một số luận điểm cụ thể nào đó của các ông thì lại đặt ra yêu cầu phải bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Chính bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi phải như vậy. Giá trị, sức sống của học thuyết Mác - Lê nin không phải ở chỗ mọi câu nói của các ông là những chân lý vĩnh cửu, những người cách mạng cứ thế mà áp dụng không cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhiều lần tuyên bố: Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lê nin đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thời đại. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho cách mạng.
Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH hơn 30 năm qua đã khẳng định sức sống, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê nin đối với cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về nhận thức lý luận và thực tiễn. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn, ngày càng được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội đảng. Trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn biến đổi của tình hình thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cách tiếp cận tình hình quốc tế và thời đại ngày càng phù hợp hơn và sâu sắc hơn; nhận thức đầy đủ hơn tính chất lâu dài, quanh co phức tạp của thời đại quá độ lên CNXH và đánh giá đúng hơn những mâu thuẫn cũng như tiềm năng phát triển của CNTB hiện đại, thấy rõ hơn các xu hướng biến đổi của tình hình thế giới và khu vực, từ đó đưa ra chính sách phù hợp.
Những thành tựu về lý luận và thực tiễn của Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, hợp lòng dân, con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (01/2016) yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam."
Có thể nói, tình hình thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI với những xu thế và đặc điểm nổi bật trên đây rất khác so với thời kỳ C.Mác, Ph.Ăng ghen và V.I.Lênin sống và hoạt động. Tình hình đó tác động đến các đảng cộng sản, các cán bộ, đảng viên của các đảng trong đó có ĐCSVN, nó đặt ra nhiều vấn đề mới trong việc nhận thức, nghiên cứu để vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ở đây, điều cốt yếu nhất là phải giải quyết  đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa kiên định và sáng tạo, giữa bảo vệ và phát triển. Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin không có nghĩa là khư khư nắm giữ những câu chữ của Mác, Ăng ghen, Lênin mà phải nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của nó, phải vận dụng và phát triển sáng tạo nó.
 Kiên định và sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác - Lênin là 2 mặt của một vấn đề thống nhất với nhau, kiên định phải trên cơ sở sáng tạo, còn sáng tạo phải trên cơ sở kiên định. Cũng với tinh thần đó có thể coi bảo vệ và phát triển là hai mặt của một vấn đề. Cách tốt nhất để bảo vệ một học thuyết khoa học và cách mạng Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải phát triển sáng tạo nó cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Bảo vệ bằng cách phát triển và thông qua sự phát triển là cách tốt nhất để bảo vệ một học thuyết khoa học. Ngày nay, sự biến đổi của tình hình thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin mà những người mác - xít phải nỗ lực vượt qua bằng bản lĩnh chính trị, bằng năng lực tư duy lý luận sáng tạo, bằng việc tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, khắc phục cả bệnh giáo điều, bảo thủ cũng như chủ nghĩa cơ hội, xét lại lẫn phương pháp tư duy siêu hình, cực đoan.
Có quan điểm dựa vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Quan điểm đó cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX - thời đại văn minh cơ khí, còn bây giờ là thế kỷ XXI - thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, văn minh tin học, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên không còn thích hợp nữa, nó đã bị lỗi thời. Cũng có quan điểm dựa vào yếu tố địa lý, vào trình độ phát triển của quốc gia để phủ nhận tính phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin. Quan điểm đó cho rằng chủ nghĩa Mác  được xây dựng trên cơ sở thực tiễn các nước tư bản phát triển nên không phù hợp với các nước lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam, đó không phải là sản phẩm của Việt Nam mà du nhập từ phương Tây nên không phù hợp với điều kiện Việt Nam. Quan điểm đó đã không thấy sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa lý luận của chủ nghĩa Mác, những quy luật của chủ nghĩa Mác vạch ra không chỉ đúng với các nước phát triển mà đúng cả với các nước kém phát triển. Về mặt phương pháp luận, C.Mác đã từng chỉ ra rằng trong cái phát triển cao chứa đựng cái phát triển ở trình độ thấp hơn dưới dạng lọc bỏ.  
Những ý kiến trên đây không thấy rằng đứng trên quan điểm khách quan mà xem xét có một số luận điểm cụ thể của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin không còn phù hợp với điều kiện lịch sử mới hiện nay, đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua hoặc bị nhận thức sai mà bây giờ phải nhận thức lại cho đúng, song những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong bản chất khoa học và cách mạng của nó, vẫn giữ nguyên giá trị cần phải bảo vệ. Chẳng hạn các quy luật của phép biện chứng duy vật, của lý luận nhận thức mác - xít, của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, những tư tưởng khoa học về nhà nước, cách mạng xã hội, về CNXH... Hoàn cảnh lịch sử - cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà chủ nghĩa Mác - Lênin nêu lên là không thay đổi, có giá trị bền vững lâu dài…
Trong thời kỳ đổi mới, ĐCSVN đã có nhiều đổi mới về tư duy lý luận, đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lênin theo tinh thần khẳng định sức sống, giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu trĩ, giáo điều, duy ý chí về chủ nghĩa Mác - Lênin, về CNXH, phân biệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin với những luận điểm cụ thể của các nhà kinh điển gắn liền với những hoàn cảnh cụ thể lúc đó mà sau này đã bị lịch sử vượt qua. ĐCSVN đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của VN và thời đại trên một loạt vấn đề như mục tiêu, đặc trưng và phương hướng cơ bản của xây dựng CNXH, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân..., đó là những vấn đề không có sẵn trong di sản kinh điển mác xít. Không có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đó thì không có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam đạt được qua hơn 30 năm đổi mới.

Những ý kiến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin đã không nhận thức đúng bản chất, nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin, có ý kiến đem quy chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, bạo lực trấn áp; hoặc đem đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với lợi ích của dân tộc, hoặc đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh... để phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi chủ nghĩa Mác - Lênin là "chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất". Người coi chủ nghĩa Mác - Lênin là "cái cẩm nang thần kỳ", "mặt trời chói lọi" soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn yêu cầu "phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh".


















Tham gia bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng - yêu cầu cấp thiết của Quân đội nhân dân Việt nam trong tình hình mới
                                       Đức Hùng
          Trong bối cảnh hiện nay; trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,các thế lực phản động đã thiết lập hàng nghìn trang Website, blog, tài khoản Facebook, trang Fanpage tổ chức hàng trăm chiến dịch tuyên truyền, phát tán với tần suất và số lượng lớn các tin, bài bình luận, videoclip... có nội dung xấu, độc, thật, giả, trắng đen lẫn lộn, tạo tâm lý tò mò và hiệu ứng đám đông. Qua đó khuyến khích mọi người thu nhận thông tin, bày tỏ quan điểm cực đoan, làm “nóng” các vấn đề xã hội, từ đó gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, dẫn đến mất phương hướng chính trị, giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ, tạo nguy cơ “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quân đội cũng như các cơ quan, đơn vị.
             Đối với Quân đội, các phần tử phản động tập trung chống phá đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội. Chúng phát tán trên mạng xã hội những vụ việc và những sai phạm ở một số đơn vị; bôi nhọ, nói xấu một số cán bộ, tướng lĩnh quân đội cả đương chức cũng như đã nghỉ hưu, nhằm làm mất uy tín quân đội, phai nhạt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, chia rẽ tình đoàn kết quân dân. Các quan điểm sai trái trên không gian mạng rất nguy hại, có thể tác động đến tư tưởng chính trị, dẫn đến giảm sút niềm tin, ý chí quyết tâm, tu dưỡng, rèn luyện của quân nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống.Vì vậy, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ là việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vùng đất, vùng biển, vùng trời... mà còn là chủ quyền trên không gian mạng. Đầu năm 2016, Quân đội ta hình thành lực lượng làm nhiệm vụ “bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”. Lực lượng này do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập theo chỉ thị 47 về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái-thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội- gọi là Lực lượng 47. Từ khi thành lập đến nay, Lực lượng 47 hoạt động rất tích cực, hiệu quả, hiện có ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền, mọi lĩnh vực của Quân đội.

          Hiện nay, trên mạng xã hội đang có ý kiến khác nhau về việc Quân đội ta tham gia bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Có ý kiến cho đó là việc làm “vi hiến”. Họ cho rằng: “Quân đội chỉ để chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân mà thôi”. Quan điểm trên là không chính xác. Bởi lẽ: Ở mặt trái, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng Internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới, thủ đoạn tinh vi hơn và trong bối cảnh ấy, Quân đội tham gia làm sạch môi trường Internet là điều rất cần thiết.
           Cần nhận thức đầy đủ nội hàm rộng lớn của bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đó là, không chỉ bảo vệ toàn vẹn vùng đất, vùng trời, thềm lục địa của Tổ quốc, mà còn bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, v.v. Điều 66, Hiến pháp năm 2013, chương IV “Bảo vệ Tổ quốc” quy định về nhiệm vụ của Quân đội là: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Mà quốc phòng là công việc giữ nước của một quốc gia. Vì thế, việc Quân đội tham gia làm sạch môi trường Internet, mạng xã hội chính là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Điều đó là phù hợp với quy định của Hiến pháp. Cho nên, quan điểm “Quân đội tham gia làm sạch môi trường Internet, mạng xã hội là đã tham gia vào một nội dung thuộc phạm vi dân sự nên “vi hiến” là nhận thức chưa đầy đủ nội hàm của bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Muốn bảo vệ Tổ quốc thì không thể coi trọng hay xem nhẹ bất cứ mặt trận nào, từ kinh tế, quân sự đến chính trị, tư tưởng, văn hóa…thì việc Quân đội tham gia giữ gìn sự trong sạch của môi trường Internet, mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong tình hình mới là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Việc làm hoàn toàn đúng chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta.
          Nhìn ra thế giới, các nước đều quan tâm đến an ninh mạng, đều phải quản lý, bảo vệ môi trường của không gian mạng, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, việc Quân đội tham gia bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ Quân đội và yêu cầu cấp thiết để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của thời đại./.












1 nhận xét:

  1. Các đối tượng phản động thường tán phát các bài viết xuyên tạc, phủ nhận Học thuyết Mác-Lênin, nói xấu Đảng, kích động người dân đấu tranh xóa bỏ Đảng CSVN. Chúng ta phải hết sức cảnh giác.

    Trả lờiXóa