Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU ĐÒI THỰC HIỆN “ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG”


Namhv
 Trong thời gian qua, nhằm mục tiêu xóa bỏ vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng việc đưa ra nhiều luận điểm phi lý, trong đó có việc thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Chúng nhai đi nhai lại rằng, chỉ có “đa nguyên, đa đảng” thì Việt Nam mới có dân chủ thực sự và chính “đa nguyên, đa đảng” sẽ trở thành “cây gậy thần” giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo (?).

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3-2-1930) và công bố cương lĩnh cách mạng đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đó là thời kỳ kết thúc cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước và mở đầu thời kỳ cả dân tộc đi theo ngọn cờ của Đảng. Điều đó chứng tỏ dân tộc ta sớm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với đường lối đúng đắn, dựa trên cơ sở lý luận Mác - Lênin, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử loài người, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp và các tầng lớp nhân dân yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đấu tranh chống thực dân, phong kiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính đến nay, sau gần 90 năm ngày thành lập, qua các giai đoạn phát triển khác nhau, Đảng ta càng tỏ rõ năng lực lãnh đạo sáng suốt của mình khi đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn tưởng như không thể vượt qua để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền CNXH. Nói cách khác, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được thực tiễn lịch sử ghi nhận và quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thế nhưng, bất chấp thực tế lịch sử mang tính quy luật, thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã tìm mọi cách, áp dụng mọi thủ đoạn để tuyên truyền, phát tán các tài liệu phản động như những “điệp khúc” muôn thuở, cũ rích, nào là “thể chế độc đảng toàn trị”, nào là “sai lầm đường lối” của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường xây dựng CNXH… nên “xã hội không có tự do, dân chủ”. Vì vậy, đã đến lúc Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự kết thúc vai trò lịch sử của mình vì chỉ có “đa nguyên, đa đảng” thì Việt Nam mới có dân chủ thực sự, có được sự giàu có, ấm no. Thậm chí, chúng còn hô hào: Tình hình thế giới và trong nước đã chín muồi để người dân Việt Nam chọn lựa cho mình một lực lượng chính trị khác thay thế cho Đảng Cộng sản (!)…
Không khó để nhận thấy, khi đưa ra những luận điệu sặc mùi phản động nêu trên, mục tiêu mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hướng tới là hạ thấp, đi đến thúc đẩy việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua những cái gọi là “tâm thư”, “tâm nguyện”, chúng ra sức bôi nhọ, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, với dã tâm “đánh tráo lịch sử”, “đổi trắng thay đen”, chúng trắng trợn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội thông qua những nội dung chỉ trích, “kiến nghị” đòi hỏi vô lý, phi thực tế. Mục tiêu cuối cùng của chúng là lừa mị, kích động, hòng làm chệch hướng con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chế độ XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những chiêu bài đã quá lỗi thời
Thực tế cho thấy, những đòi hỏi “đa nguyên, đa đảng” ở Việt Nam là “câu chuyện” không mới, trái lại là chiêu bài lỗi thời chỉ lừa gạt được một số ít người thiếu hiểu biết. Những luận điểm này, về bản chất chính trị là phản động nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta, về nhận thức là phản khoa học, chủ quan, phi thực tiễn. Vì sao có thể kết luận như vậy? Như trên đã nói, việc Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò là lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội mang tính quy luật, là sự giao phó của lịch sử, của cách mạng Việt Nam thông qua quá trình sàng lọc, lựa chọn một cách đúng đắn. Đây cũng là sự lựa chọn mang tính lịch sử của nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh.
Do vậy, mọi luận điệu đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải “từ bỏ vị thế lãnh đạo”, “thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước”, phải “chuyển đổi thể chế chính trị”… đều là phản động, phi lý, với mục tiêu không có gì khác là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện “đa nguyên chính trị”, chuyển hóa thể chế CHXHCN Việt Nam sang mô hình xã hội theo kiểu phương Tây.
Điều đáng lo ngại là dù về bản chất, những luận điệu phản động nêu trên không có một chút giá trị gì, nhưng bằng các chiêu trò giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, tạo thật giả lẫn lộn, biến có thành không, không thành có, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã khiến không ít người nhẹ dạ, có nhận thức hạn chế tin và nghe theo chúng. Từ đó, dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội.
Rõ ràng, con bài “đa nguyên, đa đảng” chỉ là những chiêu bài đã quá lỗi thời của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối của chúng. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của chúng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đặc biệt, cần chỉ rõ những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
Hơn lúc nào hết, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng” và khẳng định vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để củng cố quyết tâm chính trị này, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân ta cần tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức chính trị, đề cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm và tư tưởng thù địch sai trái, giữ vững ổn định chính trị ở nước ta.


1 nhận xét:

  1. Bản chất của các thế lực thù địch là không thay đổi; chúng cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, với động cơ chính trị đen tối, đó là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì vậy chúng ta phải cảnh giác

    Trả lờiXóa