Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

TRỤC LỢI TỪ LỄ HỘI CẦN LÊN ÁN



Trục lợi trong lễ hội là một thực tế đang tồn tại mà thông thường những gì mà yếu tố trục lợi được đặt lên cao thì đẻ ra lắm thứ, bóp méo lễ hội truyền thống. Trong lễ hội bao giờ cũng có nghi lễ nhưng có nhiều lễ hội bây giờ không đúng với nghi lễ truyền thống vì người ta thêm thắt những cái mà qua đó có thể kiếm lời được.

Buồn nhất là việc buôn thần bán thánh. Những nơi thờ tự thường là thờ những nhân thần, minh thần hoặc là thờ Phật, đều là những đấng linh thiêng. Tuy nhiên, người ta lại đem đến đó những suy nghĩ cầu lợi cho bản thân, đôi khi có cả những hành động xúc phạm thần linh.
Thậm chí có lễ hội còn vin vào cái danh xã hội hóa nhưng thực chất là do ai đó tranh thủ để trục lợi dẫn đến những méo mó, phản cảm không cần thiết.
Có thể kể ra một số đối tượng như những người đóng góp công đức cho các đền đình chùa, những nơi tâm linh nhưng chưa hẳn đã vì thiện tâm. họ chỉ muốn thông qua sự đóng góp đấy để thần thánh ban cho họ, che chở cho họ những tội lỗi ở đời sống thế tục hoặc họ muốn được nhiều lộc hơn so với những người khác. Có nhà sư coi việc đi tu như một nghề chứ không phải đi theo Phật, vì vậy họ muốn làm lợi cho họ. họ xây dựng chùa chiền khang trang không phải để thể hiện tâm linh, lòng thành kính mà để tỏ rõ vị thế của mình hơn, cũng có những người đem tiền về quê làm lợi cho họ hàng nhà mình. Rồi những người quản lý tổ chức cũng có tình trạng lợi dụng đình chùa miếu mạo ở địa phương để làm cho nơi đó có vẻ như thiêng hơn để khách thập phương về đông hơn nhằm làm cho quỹ công ích của địa phương mình nhiều lên….
Thực tế cho thấy, nhận thức chung của cộng đồng chỉ biết lễ hội chung chung còn căn nguyên thì không biết, ý nghĩa sâu xa cũng không biết, khá đông người đi lễ hội kèm theo mục tiêu, mục đích gì đó ngây thơ và đáng thương nhưng cũng đáng trách. Người ta cứ nghĩ đi lễ thật nhiều, đốt nhang thật nhiều thì chắc thánh thần sẽ phù hộ. Cái đó rất sai lầm. Thật ra ai cũng muốn cầu mong những điều tốt đẹp nhưng không chịu làm điều gì tốt đẹp, thậm chí còn làm điều tồi tệ rồi xin thánh thần xí xóa những điều đó. Theo tôi đó là những cầu mong vô vọng, không có cơ sở nào hết. Không thể dùng mấy đồng tiền lẻ để xóa đi cái ác của mình, càng không thể dùng mấy đồng tiền lẻ đó mà không hành thiện. Thánh thần làm sao dung nạp những người làm không chịu làm tốt, chỉ đi xin, đi cầu.
Đôi khi cũng là tâm lý đám đông nữa. Thấy người ta đốt nhiều nhang mình cũng phải đốt nhiều nhang lên một tí, thấy người kia bỏ tiền lẻ mà giắt các chỗ, thậm chí là nhét vào miệng của tượng nữa thì mình cũng phải làm theo. Rõ ràng hành vi như thế là không tôn trọng thánh thần mà lại cầu thánh thần phù hộ. Người đi lễ đã thế, cơ sở thờ tự cũng có những yếu tố trục lợi, đem tiền ra chia nhau.
Nói tóm lại, việc trục lợi từ lễ hội quá phong phú. có anh trục lợi để lấy tiền, có anh trục lợi để lấy tiếng, có người trục lợi vì sĩ diện hão nào đó để làm ra những điều bất bình thường. Yếu tố văn hóa tâm linh trong một số lễ hội không có nhiều mà nó đã biến dạng, méo mó cần phải lên án./.
                                                                                                         BIỂN NHỚ


1 nhận xét:

  1. Cần giữ gìn yếu tố văn hóa tâm linh trong một số lễ hội; những hoạt động trái ngược với thuần phong, mỹ tục cần phải lên án.

    Trả lờiXóa