Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO?


Long Vương
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch và các đối tượng luôn muốn lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động, chống phá nhà nước ta.

Ngay từ ngày mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL, ngày 14-6-1955, khẳng định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Ðiều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Thời gian qua, các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối ra sức lợi dụng chiêu bài tự do tôn giáo, tín ngưỡng để tiến hành các hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự của nhà nước ta. Các hình thức mà chúng lợi dụng thường là: lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng sự mở rộng về dân chủ, nhân quyền của Nhà nước Việt Nam để tiến tới quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, hòng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam; thông qua việc ra các đạo luật, nghị quyết từ ngoài nước để chống phá; tăng sức ép với Việt Nam qua thể chế hóa các vấn đề về tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhạy cảm, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, vu khống về tự do tôn giáo ở Việt Nam...
Thâm hiểm hơn là chúng lợi dụng những vấn đề nhạy cảm của xã hội như: vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn nạn tham nhũng,… để xúi giục một số linh mục cực đoan lợi dụng niềm tin tôn giáo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của quần chúng giáo dân để kích động họ tham gia vào các cuộc khiếu kiện, biểu tình nhằm thực thi cái gọi là “các quyền tự do tôn giáo”, “quyền con người” nhưng thực chất là chống chính quyền nhân dân.
Có thể thấy, hiếm một quốc gia nào đa tôn giáo, đa sắc tộc mà không xảy ra xung đột giữa các tôn giáo như ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo đang đi đúng hướng và đạt hiệu quả tốt.
Tự do tôn giáo và tự do thể hiện tôn giáo là hai vấn đề có nội hàm hoàn toàn khác nhau. Cũng như mọi hoạt động bình thường khác của xã hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng nghĩa cần phải được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Sẽ là “phản tự do” nếu lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của người khác, làm đảo lộn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Và mọi hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước đều phải được xã hội lên án, pháp luật trừng trị nghiêm minh.


1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa