Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

ĐẢNG TA LUÔN PHÁT HUY DÂN CHỦ VÀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN




Dân chủ luôn là vấn đề lớn được đề cập trong văn kiện qua các đại hội của Đảng ta. Đánh giá thành tựu dân chủ, Đại hội XII của Đảng khẳng định, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân... Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế..."Đạt được kết quả trên là do Đảng và Nhà nước coi trọng việc đề ra và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định mới nhằm phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân". Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ việc phát huy dân chủ trong xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập như: "Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận nhân dân còn hạn chế; tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm..."

Dân chủ với nghĩa dân là chủ, dân làm chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội.Vị trí của dân chủ tiếp tục đặt lên trước như là một tiền đề, điều kiện để có công bằng, văn minh; tiếp tục coi dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực.Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân". Với quan điểm đó, Đảng ta chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa như một nội dung quan trọng của quá trình phát triển đất nước trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cần đề ra các giải pháp cụ thể để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ thực tế của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một tổng thể bao gồm các quyền, các thể chế và cơ chế chính trị được bảo đảm về mặt pháp lý.Với tư cách là quyền công dân, dân chủ cũng là nghĩa vụ công dân. Công dân được hưởng thụ quyền làm chủ, đổng thời phải thực hiện quyền đó như nghĩa vụ; quyền dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm công dân với đất nước; không thể chấp nhận việc lợi dụng dân chủ để phá rối trật tự, kỷ cương, pháp luật, làm hại đến an ninh quốc gia và lợi ích của nhân dân. Với tư cách là các thể chế và cơ chế chính trị, dân chủ xa hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể hiện trong hoạt động của hệ thống chính trị, trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Quan điểm của Đảng ta là: Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.
Dân chủ phải trở thành văn hóa, văn minh của xã hội, xã hội chủ nghĩa. Đã từ lâu, dân chủ không còn bó hẹp trong phạm vi truyền thống của nó là hình thức nhà nước, là hoạt động của hệ thống chính trị. Dân chủ đã được xem là vấn đề của văn hoá, văn minh, nghĩa là đi vào đời sống tinh thần, lối sống, cách ứng xử, cách thức tổ chức sinh hoạt của các tập thể, cơ quan, nhóm, cộng đồng và xã hội nói chung. Người không có học vấn, thiếu tri thức thì sẽ rất hạn chế trong thực hiện và phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, xây dựng, phát triển dân chủ cần phải đi đôi với phát triển văn hoá, nâng cao dân trí. Xã hội xã hội chủ nghĩa đương nhiên phải là xã hội có văn hoá dân chủ cao. Văn hoá phải mang tinh thần dân chủ, hướng tới phát triển dân chủ và dân chủ phải đi vào văn hoá, thấm vào văn hoá. Giáo dục đào tạo, thông tin, tuyên truyền, báo chí, văn học, nghệ thuật... phải mang tinh thần dân chủ và hướng tới phát triển dân chủ.
Đảng lãnh đạo thực hiện và phát huy dân chủ, bảo đảm dân chủ trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và gương mẫu thực hành dân chủ.Trong điều kiện một đảng lãnh đạo như nước ta, mở rộng, phát triển dân chủ nhất thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng. Đó là nguyên lý có tính thực tiễn. Buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, không thể có sự phát triển dân chủ. Nhưng ngược lại, lãnh đạo không đúng cách, cũng không thể có dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã tự phê bình khuyết điểm trong lãnh đạo đối với Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đó là những biểu hiện của sự bao biện, làm thay dẫn đến làm giảm vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước, hạn chế tính chủ động, độc lập tương đối của các đoàn thể nhân dân. Do vậy cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và trong thực tế 30 năm đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng đã có nhiều đổi mới. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đảng ta nhận thức: Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền và có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đổi mới đến nay ở nước ta đã chứng minh, muốn phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân phụ thuộc một phần quan trọng vào việc thực hành và phát huy dân chủ trong Đảng. Mỗi bước mở rộng dân chủ trong Đảng sẽ là nguồn động viên, khích lệ đối với việc mở rộng, phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Thành công của Đại hội XII của Đảng đã chứng minh tính đúng đắn của việc phát huy dân chủ trong Đảng nói riêng và trong xã hội nói chung. Quá trình chuẩn bị Đại hội là một đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sôi nổi trong toàn xã hội, đặc biệt là dân chủ trong đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo các văn kiện của Đại hội. Ngay tại Đại hội, những tranh luận thẳng thắn và biểu quyết dân chủ về một số vấn đề khó trong lý luận cũng là nét mới góp phần hoàn thiện hệ thống quan điểm lý luận của Đại hội XII./.
Sao Vàng

1 nhận xét:

  1. Tất cả những chủ trương, chính sách của Đảng đều gắn liền với lợi ích của nhân dân

    Trả lờiXóa