Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

HOẠT ĐỘNG TÂM LINH PHẢI ĐÚNG PHÁP LUẬT



                                                          PHAM VAN NGHIEP
          Dư luận những ngay qua xôn xao về việc thỉnh vong báo oan tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Tuy nhiên, phản ứng trước thông tin báo chí phản ánh, tại buổi nói chuyện tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng chẳng những không sám hối, nhận khuyết điểm để sửa chữa mà tiếp tục làm nóng dư luận khi cố tình phớt lờ Giáo lý khi cho rằng: "Vong đi theo con người báo thù rất nhiều. Nó khiến chúng ta bị bệnh tật, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn, con cái bệnh tật. Chúng ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra". Khẳng định việc tổ chức lễ giải oan ở chùa Ba Vàng là có thật, trụ trì chùa Ba Vàng cho rằng "việc này mang lại nhiều lợi ích cho con người". Ai tham gia sẽ được học giáo pháp, tu tập, chuyển hóa thành người tốt. Chùa khuyến khích phật tử cúng dường và đây là việc tự nguyện chứ không phải ép buộc. Thậm chí ông trụ trì này còn cho rằng, để xẩy ra sự việc nêu trên là do "có đối tượng ganh ghét, đố kỵ, bôi nhọ nhà chùa"?

          Trái ngược với nội dung thuyết giảng của trụ trì chùa Ba Vàng, trong thời gian qua nhiều chức sắc trong giáo hội Phật giáo cả nước đã lên tiếng phản đối việc làm sai trái của đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định "việc gọi vong, trừ vong không có trong giáo lý nhà Phật". "Nếu chùa Ba Vàng hoạt động không đúng đắn thì phải chấn chỉnh". Hòa thượng cho rằng việc phật tử Phạm Thị Yến nói cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại vì nghiệp ở kiếp trước là "không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội". "Tất cả chúng ta đều cảm thấy đau thương với một con người bị giết hại dã man. Lấy cái mơ hồ của kiếp trước để cho là việc oan kiếp này là nguỵ biện cho hành động tàn bạo trong xã hội. Đây là sự việc không chấp nhận được".
          Phó giáo sư Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo cũng nêu quan điểm, chuyện vong báo oán là bịa đặt. "Yêu cầu bỏ tiền ra để hóa giải những nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước là trục lợi. Phật giáo quan niệm con người có thể cải được nghiệp bằng tích đức, làm việc thiện chứ không phải bằng tiền". 
          Như vậy, hiện tượng gọi vong báo oán rõ ràng đi ngược lại giáo lý Phật giáo, trong đó có luật nhân quả với quan niệm nếu gieo hạt, vun trồng mới được gặt hái, đó là chân lý để nhắc nhở con người sống tốt hơn. Việc tham gia hoạt động gọi vong báo oán của chức sắc và phật tử tại chùa Ba Vàng thể hiện một nhận thức lệch lạc, một niềm tin mù quáng, là hoạt động mê tín dị đoan không thể chấp nhận được. Mặc dù không có trong giáo lý Phật giáo nhưng nhà chùa vẫn thực hiện việc này như một dịch vụ để kiếm tiền trục lợi. Không thể có chuyện ai đó vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật nhưng lại “vong báo oán” để chạy tội.
          Dư luận cũng không nên phê phán những người mê muội tìm đến các chốn tâm linh để “hối lộ thánh thần”, thực ra họ cũng rất đáng thương vì thiếu hiểu biết. Chúng ta cần cùng nhau xây dựng văn hóa tâm linh, dựa trên tri thức văn minh của nhân loại. Văn hóa tâm linh cần được biểu hiện trong hành vi cụ thể ở những nơi thờ tự, thể hiện cái tâm trong sáng, thực sự hối cải, sửa chữa khuyết điểm trước bàn thờ Phật, trước bàn thờ tổ tiên, chứ không phải xin Đức Phật và tổ tiên ban phát, che đậy hành vi sai trái. Rõ ràng là hoạt động tâm linh không thể dùng tiền để "hối lộ" trước cửa Phật. Chính vì vậy dư luận đòi hỏi, cần làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những chức sắc hay phật tử lợi dụng tâm linh để hành nghề mê tín, dị đoan, trục lợi trái với quy định của pháp luật như ở chùa Ba Vàng thời gian qua./.


1 nhận xét:

  1. Tất cả các hoạt động trong đời sống xã hội đều phải đúng quy định của pháp luật

    Trả lờiXóa