Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

SỰ CẦN THIẾT ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN KHOA HỌC XÃ HỘI NHÂN VĂN Ở CÁC NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI



          Sau sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, xã hội chủ nghĩa hiện thực tạm lâm vào thoái trào, ảnh hưởng bất lợi cho phong trào cách mạng thế giới. Công cuộc đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được nhiều thành tựu, song cũng đang phải vượt lên những thách thức và nguy cơ to lớn. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong và ngoài nước đang ra sức tấn công một cách tinh vi và hiểm độc vào cách mạng nước ta hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, làm biến đổi xã hội ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường và toàn cầu hoá kinh tế với tất cả những mặt trái của nó đang làm cho cuộc đấu tranh ý thức hệ diễn ra hết sức quyết liệt ở nước ta và trên thế giới. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận lại diễn ra phức tạp, gay gắt như lúc này. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng chủ nghĩa xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải giữ vững niềm tin khoa học đối với mục tiêu, lý tưởng mà chúng ta đã chọn, đề cao cảnh giác cách mạng trước các luận điệu thù địch, không bị mất phương hướng chính trị ở thời điểm bước ngoặt - điều mà V.I.Lênin coi là nguy hiểm, tệ hại nhất, là một sự tự sát chính trị.
          Muốn vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - lý luận của Đảng, trong đó một lực lượng rất quan trọng là các giảng viên khoa học xã hội ở các nhà trường trong và ngoài quân đội phải không ngừng nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động chính trị - xã hội. Năng lực đó giúp họ đủ sức bảo vệ học thuyết khoa học và cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - thế giới quan, phương pháp luận, hệ tư tưởng của những người mác xít, cơ sở lý luận đem lại sự giác ngộ và niềm tin khoa học về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nền tảng lý luận của Đảng ta. Năng lực đó giúp họ đủ sức phê phán, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội hiện thực của các thế lực thù địch. Đồng thời, năng lực đó cũng giúp cho giảng viên khoa học xã hội trang bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho học viên để họ đủ sức tự phân tích, phê phán những nhận thức mơ hồ, không đúng đắn, biết vạch ra tính chất phản động của kẻ thù, ngăn ngừa và loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, sự dao động, bấp bênh về tư tưởng- chính trị trong quân đội. Đương nhiên, đối tượng của đấu tranh tư tưởng, lý luận trước hết và chủ yếu là các thế lực chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Còn làm rõ đúng, sai về nhận thức, lý luận, tư tưởng ở các nhà trường quân đội là thuộc phạm trù đấu tranh tư tưởng nội bộ, là thực hiện phương pháp gắn “Xây” với “Chống” trong quá trình giáo dục- đào tạo. Trong tình hình kẻ thù đang ráo riết đẩy mạnh "Diễn biến hòa bình", ra sức chống phá ta trên mặt trận tư tưởng- lý luận, âm mưu phi chính trị hoá quân đội, hòng tạo nên “tự diễn biến” nội bộ, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và làm biến chất quân đội ta thì cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận càng gay gắt và phức tạp. Nó đòi hỏi năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội ở các nhà trường quân đội phải được nâng cao tương ứng và toàn diện.
          Năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận không chỉ là trình độ khoa học mà còn là bản lĩnh chính trị, nhiệt tình và trí tuệ, không chỉ là lý luận mà còn là thực tiễn, kinh nghiệm, sự từng trải, nhất là từng trải trong đấu tranh chính trị. Năng lực này không tách rời đạo đức, lý tưởng, lẽ sống của người cách mạng, nó gắn liền với phương pháp, hành động sáng tạo để đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái. Lòng trung thành với mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới, sự nghiệp bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng đòi hỏi đội ngũ giảng viên khoa học xã hội quân đội và những người làm công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta những năng lực như thế. Thực tế cho thấy, giảng viên khoa học xã hội ở các nhà trường quân đội có những mặt mạnh rất cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác, tính kỷ luật và trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của giáo dục- đào tạo và cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay thì năng lực công tác nói chung và năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận nói riêng của đội ngũ này còn nhiều non yếu và bất cập. Do đó, nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho giảng viên khoa học xã hội ở các nhà trường quân đội vừa là vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản và cấp thiết hiện nay.
- Công Vũ -

1 nhận xét: