Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

PHÒNG CHỐNG NGUY CƠ “XÂM LĂNG VĂN HÓA” CHO HỌC VIÊN CÁC NHÀ TRƯỜNG SĨ QUAN QUÂN ĐỘI TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY



LHT
Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn bồi đắp, làm nên sức mạnh nội sinh của dân tộc; trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống các hoạt động “xâm lăng văn hóa” càng có ý nghĩa cấp bách, quan trọng đối với sự ổn định, trường tồn của quốc gia. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình mới của Đảng ban hành mới đây đã xác định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải đi đôi với việc kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập các sản phẩm văn hóa xấu độc và thông tin độc hại[1]. Đây là một trong 6 nhiệm vụ - giải pháp lớn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Văn hóa với tư cách là “sức mạnh mềm” luôn có liên quan mật thiết đến sự trường tồn, thịnh suy, hưng vong của quốc gia dân tộc; để làm mọt ruỗng, suy yếu sức mạnh nội sinh, các thế lực thù địch vừa âm thầm, vừa ráo riết thực hiện nhiều hoạt động vô cùng tinh vi, nham hiểm, một trong số đó là hoạt động “xâm lăng văn hóa”; với phương châm “đầu tư 1USD cho mặt trận tư tưởng - văn hóa hiệu quả hơn đầu tư 10USD cho mặt trận quân sự”, các thế lực thù địch đã lấy thế hệ trẻ làm “trọng tâm”; coi trí thức, văn nghệ sĩ làm “trọng điểm”; cán bộ có quan điểm đa chiều làm “mũi nhọn” hòng chuyển biến hệ tư tưởng, thay đổi hệ giá trị văn hóa; đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội. Chỉ thị 46 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần”, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tổ chức đầu năm 2014 chỉ rõ: “Hệ giá trị truyền thống nhiều mặt bị đảo lộn, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền có xu hướng gia tăng”, trước nguy cơ trên, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đặt ra cho các nhà trường sĩ quan quân đội cần phải thường xuyên bồi đắp giá trị văn hóa nâng cao sức đề kháng, chủ động phòng chống nguy cơ xâm lăng văn hóa cho học viên trong suốt quá trình đào tạo. Theo đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đi đôi với xây dựng các tổ chức đảng ở đơn vị học viên trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện
Trong mỗi con người nói chung và trong đội ngũ học viên các nhà trường sĩ quan quân đội nói riêng, mặt tốt và mặt xấu, những biểu hiện tiến bộ, tích cực và tiêu cực, lạc hậu luôn đan xen tồn tại, chi phối lẫn nhau cùng tác động đến sự phát triển của đạo đức. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng các tổ chức đảng ở đơn vị học viên trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Nội dung đấu tranh phải căn cứ vào tình hình nhiệm vụ cụ thể; trong giai đoạn mới hiện nay các nhà trường sĩ quan quân đội phải không ngừng củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; kết hợp quản lý chặt chẽ quá trình rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng với bồi dưỡng phẩm chất và năng lực toàn diện cho học viên “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức với giáo dục chính trị - tư tưởng, huấn luyện quân sự, giáo dục pháp luật, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể lực để nâng cao đạo đức cách mạng với nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác; kết hợp bồi dưỡng các giá trị đạo đức với bồi dưỡng các giá trị văn hóa - xã hội, phương pháp, tác phong công tác và nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật.
Để đấu tranh có hiệu quả các cấp ủy đảng trong các nhà trường sĩ quan quân đội cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp lãnh đạo; trong đó, phải xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong nhà trường thật sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; trong đó, vấn đề “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” phải được đặt lên hàng đầu; đẩy mạnh hơn nữa “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo với chỉ huy, giữa tổ chức đảng với các tổ chức trong đơn vị; giữa đảng viên với quần chúng, cán bộ với học viên. Kiên quyết đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực, tránh mọi biểu hiện hạ thấp vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với đơn vị; giải quyết triệt để những băn khoăn vướng mắc nảy sinh; triệt tiêu mọi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khắc phục mọi biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu; chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng, tha hóa về đạo đức lối sống “để mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng[2].
Hai là, tổ chức khoa học nhiệm vụ giáo dục một cách toàn diện, nhất là về chính trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức để tạo khả năng “miễn dịch” cho học viên
Phòng chống có hiệu quả nạn “xâm lăng văn hóa” đòi hỏi phải tổ chức khoa học nhiệm vụ giáo dục một cách toàn diện, nhất là về chính trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức để tạo khả năng “miễn dịch” cho học viên kết hợp với tăng cường quản lý tốt quá trình xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin chiến thắng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa cá nhân cho các học viên, thực hiện tốt phương châm “xây kết hợp với chống”, lấy “xây” làm chính, tạo ra một môi trường đạo đức văn hóa lành mạnh để tạo ra sức mạnh nội sinh - sức mạnh bên trong, có ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, lan tỏa và phát triển không ngừng.
Tổ chức khoa học nhiệm vụ giáo dục một cách toàn diện luôn phụ thuộc một cách quyết định vào vai trò của các cấp ủy đảng, đây là hoạt động có mục đích để chuyển hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam thành các giá trị niềm tin, lý tưởng cá nhân, có ý nghĩa quyết định hình thành nhân cách quân nhân - phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, cấp ủy chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong các nhà trường sĩ quan phải tăng cường công tác giáo dục chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới các hình thức, phương pháp từ huấn luyện quân sự đến học tập chính trị; từ giáo dục tri thức quân sự với tri thức nhân văn; từ rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật đến tinh thần đoàn kết; từ phong cách sinh hoạt đến hành vi ứng xử… kết hợp giữa giáo dục chung với giáo dục riêng; giữa công tác giáo dục với công tác cán bộ, giữa công tác tổ chức và chính sách; thường xuyên giữ tốt mối quan hệ với gia đình, các đoàn thể địa phương nơi đóng quân để nắm tình hình đơn vị, địa phương; thực hiện đầy đủ nội dung chương trình học tập và tự học tập, kết hợp chặt chẽ học đi đôi với rèn, lấy nâng cao ý thức tự giác học tập, tự rèn luyện gắn với tổ chức, quản lý học tập chặt chẽ làm phương châm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo cho nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức gắn với nội dung huấn luyện quân sự; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó, chú trọng lấy giáo dục nhận thức chính trị tư tưởng cách mạng, tư tưởng tiến bộ, nhân văn lên hàng đầu.
Nội dung giáo dục chính trị cần tập trung vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị; giáo dục làm rõ đối tượng, đối tác, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tinh thần cảnh giác cách mạng; giáo dục chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, của Đảng, của giai cấp, của quân đội, của đơn vị và địa phương; giáo dục pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội bảo đảm cho mọi học viên nâng cao khả năng phòng, chống “miễn dịch” trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” một cách hiệu quả.
Về biện pháp giáo dục, cần thực hiện tốt nguyên tắc kết hợp giữa xây dựng ý thức, tình cảm, hành vi đạo đức tốt đẹp với quan tâm xây dựng môi trường đơn vị trong sạch lành mạnh nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp nhận và phát triển những giá trị đạo đức cách mạng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế khuyết điểm, kịp thời phát hiện những hành vi phi đạo đức, những hiện tượng tiêu cực xuất hiện trong đơn vị, chủ động đấu tranh ngăn chặn, không để lan rộng làm ảnh hưởng sự phát triển đạo đức cách mạng của học viên; coi trọng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, nhạy bén, sắc sảo về chính trị, có năng lực hoạt động thực tiễn, có phương pháp tác phong công tác tốt; có lối sống trung thực giản dị, tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực toàn diện; giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; có niềm tin quyết chiến, quyết thắng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên trì thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa chống nguy cơ “tự diễn biến”
Là “sức mạnh mềm” có khả năng hủy diệt lớnxâm lăng văn hóa” không phải là cái gì xa lạ, cao siêu, hay ảo tưởng; biểu hiện rõ nét nhất của nó là sự lôi kéo mua chuộc làm tha hóa đội ngũ cán bộ để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ nền tảng chính trị, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ; xuyên tạc truyền thống; làm chuyển hóa tư tưởng của quân đội về nhận thức và thái độ chính trị; về tác phong sinh hoạt và lối sống; về ý thức tổ chức và kỷ luật quân sự; về mối quan hệ cán bộ - học viên và mối quan hệ đoàn kết quân - dân theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng, mất phương hướng chiến đấu của quân đội. Nhưng, chúng có đạt được mục tiêu đó hay không, điều đó, phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng và trình độ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, thật - giả, phải - trái của cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ tương lai của quân đội.
Vì vậy, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa chống nguy cơ “tự diễn biến” cần làm tốt việc quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị; phải làm cho mọi học viên nắm vững nội hàm, phân định rõ khái niệm chính trị và tư tưởng; trong đó, chính trị là nền tảng vật chất của tư tưởng; tư tưởng là nền tảng của ý thức và các tổ chức chính trị xã hội; chính trị và tư tưởng là hai phạm trù khác nhau, nhưng luôn quan hệ gắn bó chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau; tư tưởng mang tính tiến bộ là nền tảng của chế độ chính trị ổn định, vững mạnh; ngược lại, chính trị được xem như là nền tảng vật chất cho tư tưởng phát huy sức mạnh.
Theo đó, chủ động đấu tranh có hiệu quả, các nhà trường sĩ quan cần phải phát huy vai trò của các tổ chức, con người trong quân đội, đặc biệt là vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng; vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có trình độ cao tích cực đi sâu nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, dự báo được âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá để định hướng tư tưởng và tăng cường các hoạt động công tác chính trị nắm diễn biến tình hình đơn vị, chỉ đạo hành động cho bộ đội ở mọi thời điểm, mọi lúc, mọi nơi theo phương châm “chủ động, nhạy bén, kiên quyết” tiến công địch trên mặt trận chính trị tư tưởng; ngăn chặn có hiệu quả những tác động tiêu cực mặt trái cơ chế thị trường và các tệ nạn xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị với đấu tranh phòng chống nạn “xâm lăng văn hóa”, lấy xây dựng về chính trị, xây dựng nội bộ là nhân tố quyết định; coi trọng đấu tranh bảo vệ và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng của quân đội và lý tưởng mục tiêu chiến đấu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thực hiệnxâm lăng văn hóa” là mũi tên nhằm hai mục đích, thứ nhất là, làm thay đổi về nhận thức và hành vi đối với văn hóa, truyền thống đạo đức và bản chất tốt đẹp của quân đội; thứ hai là, tạo ra sự mơ hồ, mất cảnh giác làm cho những ai nhận thức chính trị non kém, không đủ trình độ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, thật - giả, phải - trái… sẽ dễ bị “nhiễm độc” tư tưởng phản động. Các nhà trường sĩ quan quân đội cần nhận thức đầy đủ; thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, có biện pháp đấu tranh hiệu quả, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với quân đội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình hiện nay./.




[1] Nghị quyết số 28/NQ - TW (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình mới”.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội, đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội. 2006, tr. 286.

1 nhận xét: