Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

LÒNG YÊU NƯỚC - CỘI NGUỒN SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM


                                                  (Cu Tèo)
                                                          
Yêu nước là một giá trị văn hóa nền tảng của con người. Là người dân của một đất nước, ai chẳng yêu tổ quốc mình. Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam không phải là phẩm chất bẩm sinh mà được hình thành, phát triển qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành bản sắc văn hóa, cội nguồn sức mạnh diệu kỳ của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước[1].

Tinh thần yêu nước là nguyên tắc đạo đức, một tình cảm xã hội thiêng liêng mà nội dung của nó là lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, là lòng tự hào về quá khứ và hiện tại của Tổ quốc, ý chí bảo vệ những lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, tinh thần yêu nước là giá trị đạo đức cao quý, là chuẩn mực đạo đức cao nhất, đứng đầu trong thang bậc giá trị văn hóa truyền thống, là  mẫu số chung của các phẩm chất cao quý và là biểu tượng phẩm giá của con người Việt Nam.
Tinh thần yêu nước nồng nàn đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thế lực ngoại bang xâm lược. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành dòng chủ lưu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Yêu quê hương đất nước trở thành nét văn hóa nhân văn cao cả của các thế hệ người Việt nam chúng ta. Vì yêu nước mình, ông cha chúng ta luôn nhân đạo, vị tha với kẻ thù, “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.
Tinh thần yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ lòng tự hào, tự tôn, “Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên”, một dân tộc có nền văn hiến, văn vật lâu đời, với nhiều danh nhân văn hóa kiệt suất “Hào kiệt đời nào cũng có”. Ngay từ buổi đầu dựng nước, ông cha ta đã khẳng định bản lĩnh của những người “khai thiên lập địa”, xây đắp hình thù đất nước từ không đến có, từ nhỏ đến lớn. Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc là kết quả dựng xây hàng nghìn năm của cả một dân tộc với nghị lực phi thường “rút ruột kéo bùn đắp thành đất nước”. Sau đó, tổ tiên ta đã đánh tan cuộc xâm lược đầu tiên của bọn phong kiến phương Bắc do nhà Tần tiến hành. Trong 117 năm chống phong kiến phương Bắc xâm lược và đồng hóa, dân tộc ta đã khẳng định một tinh thần dân tộc phi thường mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Đây là thời kỳ đầy thương đau, nhưng cũng là thời kỳ tỏ rõ sức mạnh quật cường, ý chí vươn lên thần kỳ của dân tộc ta, kết thúc oanh liệt bằng chiến thắng Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên phong kiến Việt Nam độc lập tự chủ. Sau hàng nghìn năm bị kẻ thù xâm lược, đồng hóa, dân tộc ta đã kiên cường đấu tranh, giữ vững bản sắc, giành lại nền độc lập dân tộc. Tiếp sau thời kỳ này là hàng loạt các chiến thắng vang dội khác: Nhà lý, Nhà Lê đánh tan quân Tống, nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông, Lê Lợi - Nguyễn Trãi khẳng định chủ quyền đất nước, lấy nhân nghĩa trừ bạo ngược, đánh bại quân Minh, Quang Trung đại phá quân Thanh... Rồi đến những thắng lợi thần thánh của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
Tinh thần yêu nước là chất keo cố kết cộng đồng tạo nên khối đoàn kết toàn dân. Phát huy sức mạnh toàn dân đã trở thành quy luật giành thắng lợi của dân tộc ta trong sự nghiệp giữ nước. Trên thế giới, có lẽ không có dân tộc nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược như Việt Nam, không có dân tộc nào phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình như Việt Nam. Nhưng với tinh thần đoàn kết “cả nước góp sức, trăm họ là binh”, “manh lệ bốn phương tụ họp”, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già trẻ, gái trai, nhất tề đứng lên chống giặc cứu nước với tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, đánh giặc đến khi “còn cái lai quần cũng đánh” chúng ta đã giành lại nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền đất nước. Những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ… là minh chứng hùng hồn của sức mạnh toàn dân đánh giặc. Khối đoàn kết của dân tộc ta được biểu hiện ở đoàn kết trong triều đình, đoàn kết trong quân đội “tướng sỹ một lòng phụ tử”, đoàn kết toàn dân. Tinh thần đó được Hồ Chí Minh phát triển đến đỉnh cao trong thời đại mới “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”.
Trong những cuộc chiến tranh tàn khốc đó, lòng yêu nước của mỗi người dân Việt nam thể hiện ở tinh thần xả thân vì nước, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích riêng tư của bản thân mình, đấu tranh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Từ lịch sử, chúng ta còn biết đến những khí phách để đời của ông cha, bắt đầu từ bản tuyên ngôn thần thánh “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, cho đến quyết tâm "Sát Thát” của tướng sỹ nhà Trần, tinh thần quyết chiến, quyết thắng giành độc lập, bảo vệ bản sắc dân tộc của vua Quang trung “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho phiến giáp bất hoàn, đánh cho Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”…
Ngày nay, đất nước ta đã hòa bình, thống nhất, cả nước kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi người dân phải có lòng tự hào dân tộc, tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá tri vật chất cũng như tinh thần mà ông cha ta đã tạo dựng được từ bao đời nay, ra sức xây dựng đất nước giàu mạnh. Mặt khác phải thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó và góp phần làm thất bại mọi âm mưu đen tối, đặc biệt là chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá chế độ ta của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Trong xây dựng kinh tế, yêu nước chính là cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội. Thế hệ trẻ Việt Nam cần đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến xây dựng Tổ quốc giàu đẹp, với tinh thần “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta" , mà nên tự hỏi “ta đã làm gì Cho Tổ quốc thân yêu”. Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào, phải cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt mọi quyền lợi, mọi nghĩa vụ của công dân, tích cực Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh đẩy lùi những thói hư tật xấu, phấn đấu góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập. t. 6. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 171

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam hãy yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh, đừng để cho bọn phản quốc lợi dụng.

    Trả lờiXóa