Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

KẾT NỐI MẠNG NHIỀU LỢI ÍCH NHƯNG CŨNG CÓ NHIỀU THÁCH THỨC TO LỚN !



CLT
Sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng được dự báo sẽ gây nên “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà còn có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội. Các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng như ban hành chiến lược, chính sách, trong đó có xây dựng văn bản luật về an ninh mạng.

Việt Nam trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm phát triển nhanh như lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy…, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan…, cơ sở hạ tầng không gian mạng Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng, điểm yếu.
Trước yêu cầu cấp bách của tình hình an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, dự thảo luật An ninh mạng được Quốc hội, Chính phủ giao xây dựng từ cuối năm 2016 trên cơ sở Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, 2017. Khi trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, nội dung dự thảo luật An ninh mạng đã nhận được đa số ý kiến đồng tình, khẳng định sự cần thiết của xây dựng và ban hành luật An ninh mạng trong điều kiện, tình hình thực tế hiện nay của Ta. Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật An ninh mạng và vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này vào ngày 12.6.2018.
Luật An ninh mạng xác định không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội. Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới mọi chủ thể, khách thể như độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng không chỉ bao gồm các hoạt động kỹ thuật thuần túy, mà còn phải áp dụng đồng thời các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi trên không gian mạng. Do đó, phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm đầy đủ các nội dung liên quan tới an ninh mạng trong phạm trù an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phạm vi này không mâu thuẫn, ảnh hưởng tới phạm vi của an toàn thông tin mạng, bởi khách thể, đối tượng, mục tiêu, phương pháp nên nội dung và các hoạt động của công tác an ninh mạng là nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, còn an toàn thông tin mạng là bảo đảm tính “khả dụng, toàn vẹn, bảo mật” của thông tin. Tuy nhiên, cần xác định rằng, an toàn thông tin mạng hay an ninh mạng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và cùng trên một môi trường là không gian mạng nên sẽ có những biện pháp kỹ thuật tương đồng nhau.
Với phạm vi điều chỉnh của luật, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như bị đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vu khống, làm nhục, công kích bôi nhọ, hạn chế mã độc, loại bỏ dần các hành vi đánh bạc, cá độ, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy kích động bạo lực, mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng; bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng... Dữ liệu cá nhân hiện đang được nhiều quốc gia coi là tài sản quốc gia, có giá trị khai thác vô hạn; bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về sự quản lý, tương thích các quy định pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện.
Việc quy định rõ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng sẽ bảo đảm rằng tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời làm căn cứ pháp lý để các lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ an ninh mạng áp dụng khi triển khai công tác bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Trình tự, thủ tục của các biện pháp này được quy định chặt chẽ bằng văn bản quy phạm pháp luật, không thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, hoặc kiểm soát người dùng, kiểm soát quyền riêng tư. Cơ quan chức năng chỉ áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng này để phòng ngừa, phát hiện, thu thập chứng cứ, đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Các dữ liệu thu được được quản lý theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự về chứng cứ và các quy định về bảo mật thông tin khác của nước ta như pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ,khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an ninh mạng; khai thác lợi thế của không gian mạnh phải cần:
Trước hết, đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết.
Đấu tranh bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của Nhà nước Việt Nam; có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các thành tố trong hệ thống chính trị và nhân dân. Phê phán, bác bỏ các quan điểm tư tưởng và ý đồ thực hiện chủ nghĩa đa nguyên chính trị, chế độ đa đảng đối lập.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; xử lý đúng đắn các mâu thuẫn nội bộ trong các tầng lớp nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình trong xã hội đối với các cơ quan công quyền.
Thứ hai, xây dựng lực lượng “tác chiến” tuyên truyền trên không gian mạng, làhiệp đồng của nhiều “binh chủng” tuyên truyền, với vai trò tổ chức, lĩnh xướng, chủ lực của cơ quan tuyên giáo, báo chí chính thống của ta, cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp khác trong hệ thống chính trị, kết thành mạng lưới thông tín viên rộng khắp, có khả năng hiện diện và góp tiếng nói ở mọi không gian truyền thông xã hội, từ đó lan tỏa sự ủng hộ, đồng tình tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, công tác thông tin và định hướng thông tin, tuyên truyền cần nhanh nhạy, chủ động hơn, không bị động, theo đuôi sự việc; đặc biệt cần công khai sớm, đầy đủ các thông tin về xử lý tham nhũng cho công luận, nhất là các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ, việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện rõ sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Lấy tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng để lấn át cái xấu, tiêu cực.
Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục giữ vững nhịp độ, được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Dựa trên hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng cùng việc giải quyết những vấn đề nổi cộm khác mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, như lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; các vấn đề an sinh xã hội..., công tác phản tuyên truyền sẽ có cơ sở vững chắc và thêm sức nặng để đập tan từ gốc dã tâm chống phá và những luận điệu ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch./.


1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều thông tin xấu độc tràn lan trên các trang MXH, người đọc nên chọn những trang chính thống

    Trả lờiXóa