Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

NÊU CAO CẢNH GIÁC, CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH VÔ HIỆU HÓA “VŨ KHÍ NHÂN QUYỀN” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


 Ngọc Hương
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, các thế lực thù địch vẫn không ngừng thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Chúng tung ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, những năm qua, các thế lực phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với hàng loạt hoạt động phá hoại trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những vấn đề như dân chủ, dân tộc, tôn giáo,... nhân quyền đang trở thành một “mặt trận nóng bỏng”, một “vấn đề trọng điểm” mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá nhằm gây mất ổn định tình hình chính trị - xã hội nước ta; tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh vô hiệu hóa “vũ khí nhân quyền” của các thế lực thù địch.
Cần phải khẳng định rằng, sử dụng nhân quyền như một thứ “vũ khí” để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước tiến bộ, nhất là chống các nước xã hội chủ nghĩa là một chiêu bài bản và lâu đời của các thế lực đế quốc hiếu chiến phản động. Những năm 90 của thế kỷ trước một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô và các nước Đông Âu chính là vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo bị lợi dụng, chống phá. Dưới bàn tay của các thế lực thù địch, những vấn đề nêu trên đã gây nên nhiều chia rẽ, phá vỡ sự đồng thuận xã hội, làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của quân đội Xô viết.
          Đối với nước ta, thời gian qua, cùng với việc xuyên tạc, vu cáo, bóp méo tình hình đời sống dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch còn đẩy mạnh tuyên truyền nhiều luận điệu phản khoa học, phi thực tế như “nhân quyền tối thượng”, “nhân quyền toàn cầu”, “nhân quyền không biên giới”. Theo đó, nhân quyền đã thực sự trở thành một “vũ khí” chống phá hết sức nguy hiểm mà kẻ thù tìm mọi cách lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, núp dưới danh nghĩa những “nhà nhân quyền”, “nhà dân chủ”, các thế lực phản động ra sức cổ vũ, ủng hộ cho “tự do nhân quyền”, “tự do ngôn luận”. Vậy thực chất của cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là gì? Phải chăng trong thế giới hiện nay, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “quyền con người” cao hơn chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc? Đây là luận điểm thực sự vì con người hay chỉ là một “thủ đoạn chính trị” của các thế lực thù địch?
          Những tác giả của luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “nhân quyền tối thượng”, “nhân quyền không biên giới” đã bỏ qua hoặc cố tình phớt lờ một vấn đề cơ bản đó là, con người luôn sống trong cộng đồng quốc gia, dân tộc và các quốc gia, dân tộc bao giờ cũng cần có biên giới, lãnh thổ, chủ quyền rõ ràng. Hiện tại hơn 7 tỷ người thuộc hàng nghìn dân tộc khác nhau đang sinh sống ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với rất nhiều tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống văn hóa khác nhau; đó là một thực tế khách quan không thể phủ nhận. Mỗi con người ở từng quốc gia lại luôn cùng lúc chịu tác động và phải giải quyết hai mối quan hệ cơ bản: Quan hệ về nhân quyền và quan hệ về chủ quyền quốc gia. Đây là hai mối quan hệ cơ bản cùng đồng thời tồn tại song lại không cùng “hệ quy chiếu”, không cùng tuyến tiếp cận nên không thể so sánh cái này cao hơn hoặc cái kia cao hơn. Do vậy, sẽ hoàn toàn phản khoa học, phi thực tế khi cố tình đưa chủ quyền đặt cạnh nhân quyền, coi “nhân quyền” cao hơn, “chủ quyền” thấp hơn,...
          Nhân quyền là giá trị được hình thành trong thực tiễn lịch sử đấu tranh xã hội và cải tạo tự nhiên của nhân loại. Nội dung cốt lõi nhất của nhân quyền là bảo đảm những quyền cơ bản của con người như quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do đi lại và cư trú, tự do hội họp và lập hội quyền sở hữu, quyền tham gia chính quyền, quyền được hưởng giáo dục miễn phí,... Tôn trọng nhân quyền là quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để mỗi người có thể thực hiện đầy đủ những quyền cơ bản đó. Một xã hội phát triển toàn diện là xã hội thực sự tôn trọng nhân quyền, đề cao quyền con người. Thực tiễn lịch sử cho thấy, nhân quyền luôn là vấn đề được đề cập đến trong nhiều xã hội song không phải xã hội nào cũng quan tâm bảo đảm nhân quyền. Ngay tại Mỹ, quốc gia tự cho mình cái quyền hàng năm được phán xét tình trạng nhân quyền ở nước khác, nhưng thông qua “Báo cáo Nhân quyền” thì bức tranh nhân quyền cũng chỉ mang đậm sắc màu ảm đạm với tình trạng phân biệt chủng tộc, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng bạo lực trường học. Theo số liệu của FBI, mỗi năm ở Mỹ có tới 30.000 người bị chết do các vụ bạo lực có liên quan đến súng. Thế nhưng, mới đây cái gọi là “Dự Luật Nhân quyền Việt Nam 2013” (HR 1897) do Hạ viện Mỹ thông qua ngày 01 tháng 8 năm 2013 trong khi có ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người cho nhân dân Việt Nam... vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam.
          Chủ quyền, chủ quyền quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ quyền làm chủ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia độc lập, được thể hiện trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao… và được đảm bảo toàn vẹn, đầy đủ về mọi mặt, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Thế giới hiện đại luôn tôn trọng và bảo đảm sự bình đẳng về chủ quyền quốc gia. Hội nghị thế giới về nhân quyền tại Áo (25-6-1993) khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Với quyền đó, các dân tộc đều có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do theo đuổi con đường phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình”.
          Ngày nay, khái niệm chủ quyền quốc gia đã có sự phát triển mới, song về bản chất, chủ quyền quốc gia bao giờ cũng gắn liền với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đối với Việt Nam, vấn đề chủ quyền đã luôn được cha ông ta khẳng định và bảo vệ. Chủ quyền lãnh thổ nước ta hiện nay chính là kết quả lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, là thành quả đấu tranh cách mạng được đánh đổi bằng máu xương và tính mạng của biết bao thế hệ, là kết tinh nghị lực, ý chí, sức mạnh và lòng tự tôn dân tộc.
          Rõ ràng, nhân quyền chỉ có thể được thực hiện một cách đầy đủ trên cơ sở chủ quyền đất nước được giữ vững. Nếu chủ quyền đất nước không còn toàn vẹn thì không thể và không bao giờ bảo đảm được nhân quyền cho mỗi công dân. Giữ vững chủ quyền là cơ sở tiên quyết để thực thi nhân quyền. Không có một quốc gia nào chỉ vì nhân quyền mà xem nhẹ, bỏ qua, thậm chí là “hy sinh” chủ quyền của quốc gia dân tộc. Thực tế lịch sử nhân loại chỉ ra, xác lập chủ quyền quốc gia là cơ sở để bảo vệ và phát triển nhân quyền đích thực của nhân dân các nước. Một quốc gia khi đã không có (hoặc không còn) chủ quyền dân tộc trên thực tế thì mọi điều đề cập đến nhân quyền của người dân đều là “lừa bịp”, “mị dân”. Nhìn lại thập niên đầu của thế kỷ XXI, núp dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”, “vì quyền con người”. Các thế lực phản động, hiếu chiến đã sử dụng vũ lực can thiệp vào nhiều nước có chủ quyền và kết quả như thế nào thì ai cũng biết! Đi liền với súng đạn, tên lửa, đại bác, xe tăng... của các thế lực ngoại bang là tình trạng khủng hoảng nhân quyền nghiêm trọng tại các quốc gia bị xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, với hàng vạn người dân vô tội thiệt mạng, nhiều triệu người phải rời bỏ đất nước. Rõ ràng, khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm thì việc bảo đảm nhân quyền có lẽ là “không tưởng”. Và “nhân quyền cao hơn chủ quyền” suy đến cùng chỉ là một luận điểm phản khoa học, phi thực tiễn. Những kẻ tung hô, cổ suý cho luận điểm này thực ra chúng chẳng yêu thương, tôn trọng gì quyền con người, mà chính chúng đang lợi dụng nhân quyền, xuyên tạc nhân quyền; rắp tâm sử dụng quyền như một thứ “vũ khí” mềm để thực hiện những mưu đồ chính trị đen tối của chúng mà thôi.
          Lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tôc ta cũng chính là bài học vô cùng quý báu về mối quan hệ giữa chủ quyền và nhân quyền. Đối với người Việt Nam, nhân quyền, trước hết là quyền dân tộc tự quyết, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc cũng như kinh nghiệm đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy: “nước mất, nhà tan”, khi đất nước bị xâm lăng thì không bao giờ có được nhân quyền. Bởi thế, mọi thế hệ người Việt Nam luôn ý thức rất rõ: mất nước là mất tất cả. Thực tế ở Việt Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ vững chủ quyển lãnh thổ luôn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ và phát triển nhân quyền. Nhân quyền chỉ có thể thực thi trọn vẹn khi đất nước được độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
          Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tiếp tục khẳng định: “Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân”. Cùng với sự nghiệp đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mọi nguồn lực xã hội đều được tập trung cho việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây chính là biểu hiện cao nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất của vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
          Như đã phân tích, với chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, các thế lực phản động trong và ngoài nước đang tìm mọi cách lợi dụng vấn đề nhân quyền nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác, chủ động làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù thông qua “vũ khí nhân quyền”. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII. Tiếp tục tham gia tích cực vào những hoạt động bảo đảm quyền con người; thực sự chăm lo, bảo vệ những quyền cơ bản của quần chúng nhân dân lao động góp phần xây dựng, và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa – “nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản” như V.I. Lênin đã khẳng định./

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa