Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2018

Một số thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch mạng internet và biện pháp phòng, chống



- Văn Tiệp-

Ngày nay trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ mang lại cho đất nước ta nhiều điều kiện thuận lợi, cùng với đó là những khó khăn, thử thách. Cùng với sự chống phá trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, mấy năm gần đây, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, chế độ ta, với những thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc. Vì thế, nhận diện và đấu tranh làm thất bại mưu đồ đó của chúng là giải pháp cấp thiết hiện nay.

Mạng xã hội với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. Tuy nhiên, in-tơ-nét, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái và hệ lụy của nó đối với sự phát triển của đất nước nói chung, Quân đội ta nói riêng.
Nhận biết được điều đó, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lực lượng chống cộng cực đoan ở nước ngoài,… triệt để lợi dụng in-tơ-nét và các trang mạng xã hội để tán phát các tin, bài, videoclip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta với sự gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và lưu lượng tin, bài,… bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng. Nổi lên một số thủ đoạn đáng chú ý là:
Thực hiện Live stream trực tiếp để kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc tham gia bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Đây là thủ đoạn dùng tài khoản Facebook với công cụ Live stream để phát videoclip trực tiếp về một sự việc do chúng dựng lên hoặc “lên sóng” trực tiếp trên mạng xã hội để tạo “diễn đàn” kêu gọi mọi người tham gia bình luận về một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Thủ đoạn này được chúng xây dựng “kịch bản” khá công phu, nội dung chúng quay video phát trực tiếp thường là các vụ việc liên quan đến các cuộc biểu tình, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan công quyền. Chủ đề chúng chọn thường là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực, bức xúc của người dân (môi trường, dân sinh, giải phóng mặt bằng, quan hệ ứng xử của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, v.v.). Thời điểm chúng chọn để Live stream thường vào dịp có các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước (các kỳ họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm, nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam,…); qua đó, chúng kêu gọi sự can thiệp của quốc tế và các tổ chức phản động vào Việt Nam, hoặc chúng lồng ghép quan điểm cá nhân, bình luận xuyên tạc, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, kêu gọi sự “phụ họa” của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ. Thông qua đó, chúng “vẽ ra” trong mắt công chúng một Đảng cầm quyền bất ổn, một nhà nước bị chia rẽ cục bộ, một hình ảnh quân đội yếu đuối, công an tham nhũng, v.v.
Cùng với đó, các thế lực thù địch còn sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Đây là thủ đoạn lợi dụng việc báo chí chính thống trong nước khi đưa tin đều phải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập, thông qua mới cho đăng tin, bài. Thậm chí, để bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính toán lợi ích của việc đưa tin, một số vấn đề cụ thể nào đó, có thể bị chậm trễ khi đưa tin. Lợi dụng “khoảng trống thông tin” này, chúng phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực dưới các dạng như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm,… (Ai đứng đằng sau “Vũ Nhôm”, “Út Trọc”? Sau Đinh La Thăng là ai vào tù? Ai xếp hàng sau tướng Nguyễn Thanh Hóa,…), với những thông tin trộn lẫn thật giả, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng muốn vào các trang Facebook, Blog và các tờ báo điện tử phản động, gây tâm lý hoang mang, bán tín, bán nghi, v.v.
Làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá Quân đội là thủ đoạn được chúng tiến hành khá “bài bản”. Thông tin cũ được lựa chọn để “làm mới” và “thông tin mới được lựa chọn để bịa đặt” thường là những đoạn videoclip hoặc hình ảnh có liên quan đến mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, cán bộ được cho là “hành hung chiến sĩ”, “chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới”, các vấn đề liên quan đến dân chủ trong Quân đội, quan hệ quân dân,… do chúng tạo dựng nên hoặc các vụ việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu nhưng chúng đưa ra “làm mới”; hoặc những thông tin mới, mặc dù đã có kết luận của các cơ quan chức năng nhưng chúng bịa đặt, xuyên tạc, bình luận một chiều. Thời điểm tán phát để “làm mới” hoặc bịa đặt thường là trước mùa tuyển quân, giao nhận quân, quá trình huấn luyện chiến sĩ mới, trước các sự kiện chính trị của đất nước, Quân đội, v.v. Mục đích của việc tán phát các thông tin, hình ảnh, đoạn clip nêu trên không thuần túy chỉ là sự phản ánh một vụ việc, một con người cụ thể, mà đằng sau đó là âm mưu và sự toan tính hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Chúng muốn đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi trong nhân dân và thanh niên không muốn nhập ngũ vì sợ vào quân đội sẽ bị “đánh đập tàn bạo”, sẻ trở thành những “quân oan”, hoặc tâm lý chấp nhận “ma cũ bắt nạt ma mới” trong chiến sĩ; qua đó, gây dư luận trái chiều trong xã hội, kích động thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự, làm giảm sức mạnh chiến đấu, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Quân đội. Từ các thông tin, hình ảnh, đoạn clip bị tán phát, sẽ gây nghi ngờ, làm mất đi hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, làm giảm niềm tin của một số cán bộ và các tầng lớp nhân dân về môi trường quân đội, cuối cùng là thực hiện mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội.
Để ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực của những thủ đoạn trên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một làtăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.
Hai làphát huy vai trò của các cơ quan chức năng cung cấp thông tin có định hướng rõ ràng.
Ba làphát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Bốn làkết hợp chặt chẽ các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức đấu tranh phù hợp với thực tiễn tình hình.
Mỗi nhiệm vụ, giải pháp nêu trên có vị trí, vai trò, nội dung và yêu cầu thực hiện khác nhau, song có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Do vậy, trong chỉ đạo tổ chức đấu tranh, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc cần có sự vận dụng linh hoạt trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có biện pháp nhận định, đánh giá tình hình, tổ chức đấu tranh hiệu quả nhất, kịp thời nhận diện và phản bác quan điểm, tư tưởng, thông tin sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch trên không gian mạng, giữ vững ổn định đời sống xã hội./.


1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa