Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Cảnh giác âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống Đảng và Nhà nước ta của của các thế lực thù địch


LÊ TƯỞNG
Để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn nhằm tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước; hậu thuẫn về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chống đối, đưa tôn giáo ở Việt Nam trở thành lực lượng chính trị “đối trọng” với Đảng. Chúng xác định lấy “tự do tôn giáo” làm “ngòi nổ” để chống phá Việt Nam. Đồng thời cho rằng: “Việt Nam coi tôn giáo như là một công cụ tuyên truyền cho Đảng, Nhà nước, phục vụ các chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng”.

Chúng xúi giục, kích động số phần tử phản động trong tôn giáo người Việt lưu vong ở nước ngoài tổ chức các hoạt động chống phá về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam; tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình do các hội, nhóm mang danh tôn giáo hải ngoại để đưa ra các yêu sách đòi Việt Nam thực thi các quyền tự do tôn giáo. Chúng hỗ trợ, kích động và chỉ đạo một số phần tử cực đoan, phản động trong tôn giáo ở trong nước hoạt động chống phá.
Lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất còn thiếu thốn, chúng đã hoạt động truyền đạo trái phép để lôi kéo và dụ dỗ, giành giật quần chúng với Đảng. Đồng thời, tăng cường các hoạt động mua chuộc, lôi kéo đồng bào dân tộc đi theo đạo Tin lành và từng bước thông qua hoạt động tôn giáo có gắn với vấn đề chính trị để chống lại đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; kích động đồng bào dân tộc thiểu số không thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình, không tham gia các tổ chức chính trị ở địa phương, nhằm lôi kéo đồng bào ra khỏi sự quản lý của chính quyền, vô hiệu hóa chính quyền cơ sở…
Những âm mưu thủ đoạn trên của các thế lực thù địch không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị ở nước ta, mà còn tác động trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng ,văn minh; đến những hoạt động tôn giáo thuần túy của tuyệt đại đa số tín đồ các tôn giáo ở nước ta hiện nay. Chính những tác động của xu hướng biến đổi của tôn giáo thế giới, khu vực và tôn giáo trong nước đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn mới về cuộc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung, trong đó có lợi ích của dân tộc, CNXH và của chính các tín đồ tôn giáo và chính sách dân tộc tôn giáo ở nước ta.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi công tác này luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên nâng cao nhận thức cho nhân dân, tín đồ, chức sắc về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm cho nhân dân, tín đồ, chức sắc trong việc tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này.
Đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới đất nước là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Điều đó đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó có đồng bào theo đạo. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý một số vấn đề sau:
Trước hết, phải làm cho mọi người dân thấy rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo mà cụ thể là chiêu bài lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của chúng.
Tiếp đó là phải giữ vững được sự ổn định bên trong, linh hoạt, mềm dẻo trong giải quyết các lợi ích giữa tín đồ, chức sắc và lợi ích chung của cả cộng đồng dân tộc. Việc giữ vững được sự ổn định bên trong; xây dựng các nhân tố bên trong vững mạnh có ý nghĩa quyết định sẽ tạo ra kháng thể bảo vệ Đảng, chế độ, bảo đảm cho các sinh hoạt tôn giáo bình thường và sự phát triển bền vững của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đường lối đối ngoại rộng mở.
Cuối cùng, trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc chống âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ Đảng và chế độ XHCN ở nước ta.



1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa