Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

TIẾP TỤC PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


--Namhv--
Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết của ông cha ta lên một tầm cao mới, chất lượng mới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Từ thực tiễn xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực như sau:
Một là, đại đoàn kết dân tộc luôn được Đảng ta quan tâm và xác định là đường lối chiến lược của Đảng, là một nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Niềm tin vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử và dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày nay là cơ sở cho nhân dân tin tưởng vững chắc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong tương lai. Trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, trước thời cơ và thách thức, hơn lúc nào hết bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cần được kế thừa, tiếp tục phát triển và nâng cao để củng cố niềm tin, đồng lòng vượt qua khó khăn để xây dựng đất nước phồn vinh và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Hai là, đại đoàn kết toàn dân tộc là phạm trù có tính phổ quát, nhưng ở nước ta có những đặc điểm riêng, chịu sự chi phối của điều kiện lịch sử cụ thể, những yếu tố chủ quan và khách quan, kế thừa và phát huy được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của những yếu tố hạn chế như tâm lý người sản xuất nhỏ, manh mún, kể cả những thiếu sót, hạn chế trong nhận thức tư tưởng, chủ trương, hành động và tác phong ứng xử trong công tác lãnh đạo, quản lý cũng như sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên. Quá trình thực hiện đại đoàn kết dân tộc phải không ngừng phát huy những ưu điểm và đấu tranh khắc phục những khuyết điểm, là quá trình không ngừng tự hoàn thiện của mỗi người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và vươn tới những giá trị tốt đẹp của truyền thống yêu nước, đoàn kết, gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, vượt qua những lực cản bảo thủ, hẹp hòi và đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Ba là, để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, cần xử lý hài hòa các mối quan hệ dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, chiến lược và sách lược, lợi ích toàn bộ và bộ phận, lợi ích cá nhân và cộng đồng. Xây dựng đất nước trong hoàn cảnh cơ cấu xã hội và cơ cấu giai cấp, môi trường khu vực và thế giới đã thay đổi nhiều, cần phải xử lý các mối quan hệ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Đại đoàn kết dân tộc không phải là một khẩu hiệu, mà phải biến thành quan điểm, tư tưởng lớn, đường lối và chiến lược hành động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…
Bốn là, bối cảnh hiện nay đòi hòi phải đoàn kết được tất cả những ai có thể đoàn kết được. Cần nhạy bén nắm bắt tình hình đề ra chủ trương, chính sách, khẩu hiệu đoàn kết một cách linh hoạt, thiết thực để làm điểm tương đồng, đồng thời có chính sách đoàn kết đối với từng giai tầng, từng con người, không bỏ sót một ai. Cần đặc biệt coi trọng đoàn kết đồng bào theo tôn giáo, dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, kiều bào… là những nhóm cư dân tuy có những đặc điểm riêng, nhưng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do những đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể mà có những nhu cầu lợi ích, tâm tư nguyện vọng, cách thể hiện lòng yêu nước riêng nên cần phải được lưu tâm và có những giải pháp thích hợp để đoàn kết từng nhóm cư dân, làm cho mỗi người không ai thấy mình bị lẻ loi mà đều có được chỗ đứng bình đẳng trong khối đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất là sự phát triển đoàn kết đến trình độ cao, vì đã tạo nên hình thức tổ chức vừa rộng rãi vừa chặt chẽ, có tôn chỉ, mục đích, có chương trình hành động, có sự lãnh đạo của Đảng. Tùy theo tình hình và nhiệm vụ khác nhau ở mỗi thời kỳ, cần nhạy bén và linh hoạt, sáng tạo nên các hình thức tổ chức tập hợp, đoàn kết đa dạng, có tên gọi, mô hình tổ chức khác nhau (nay có tên gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Dù tên gọi có thể khác nhau nhưng các hình thức tổ chức mặt trận cần phải quán triệt những vấn đề cơ bản sau: thứ nhất, giữ vững tính chất liên minh rộng rãi, tính chất tự nguyện của một tổ chức của nhân dân, đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; thứ hai, giữ vững và không ngừng đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với tư cách Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo tổ chức Mặt trận nhằm làm cho Mặt trận phát huy vai trò tự chủ của mình, Đảng luôn đổi mới phương thức lãnh đạo Mặt trận sao cho phù hợp với tính chất và đặc điểm của tổ chức này.
Để thực hiện được vai trò của mình, tổ chức Mặt trận phải khắc phục bệnh hình thức, bệnh hành chính hóa, nhà nước hóa, đồng thời thường xuyên đổi mới để trở thành một tổ chức vừa có năng lực, vừa có bản lĩnh để xứng đáng với sự tin cậy của dân.
Sáu là, luôn bảo đảm tính chỉnh thể của đại đoàn kết dân tộc bao gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế… Không tách rời giữa các khối đoàn kết nói trên mà cần nhận thức rõ mối quan hệ hữu cơ giữa các khối đoàn kết, trong đó sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng giữ vai trò nòng cốt. Đoàn kết thống nhất trong Đảng gắn liền với dân chủ trong Đảng, trước hết là dân chủ trong cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở. Chỉ có bảo đảm dân chủ thực sự mới có đoàn kết thực sự trong Đảng. Nội bộ Đảng có đoàn kết, thống nhất mới đoàn kết được toàn dân tộc; cả dân tộc có đoàn kết, thống nhất mới có thể trở thành bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đường lối đúng, cán bộ tốt là cơ sở để củng cố và phát triển đoàn kết. Đoàn kết toàn dân vững chắc là cơ sở để tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ và niềm tin trong quan hệ hợp tác, hữu nghị để cùng phát triển và giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.
Bảy là, quá trình củng cố và tăng cường đoàn kết là quá trình không ngừng vượt qua những trở ngại trong nhận thức và hành động, khắc phục những quan điểm hẹp hòi, duy ý chí, những hiện tượng “tả khuynh” giáo điều, để đổi mới tư duy về đoàn kết. Đó cũng là quá trình khắc phục những nhân tố tác động đến đoàn kết như: ảnh hưởng từ những tàn dư của nền sản xuất nhỏ, những mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và sự phân hóa, phân tầng xã hội bất hợp lý… Củng cố và tăng cường đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ không hoàn toàn giống thời kỳ đấu tranh giành và giữ chính quyền. Cần nhận rõ đặc điểm và yêu cầu của mỗi thời kỳ để đề ra chủ trương, giải pháp tập hợp toàn dân là kinh nghiệm hết sức sinh động của quá trình củng cố và tăng cường đại đoàn kết dân tộc.
Tám là, tạo dựng ngọn cờ tập hợp khối đoàn kết dân tộc là bài học kinh nghiệm rất quan trọng. Nhân dân làm nên lịch sử, nhưng vai trò cá nhân giương cao ngọn cờ tập hợp quần chúng là điều kiện không thể thiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, có sức thu hút mạnh mẽ tất cả mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước và bạn bè quốc tế. Với tấm gương trong sáng, lòng tận tụy vì dân, vì nước và tài trí lãnh đạo kiệt xuất, Người đã trở thành linh hồn và lãnh tụ vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc. Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, những lớp học trò xuất sắc của Người đã là những lãnh tụ, những người giương cao ngọn cờ đoàn kết trong suốt nhiều thập kỷ. Chỉ có lựa chọn được những người một lòng vì nước vì dân, có đức, có tài được quần chúng tín nhiệm mới xứng đáng là người giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải tập trung mọi nỗ lực để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

1 nhận xét: