Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

SỰ PHI LÝ, PHIẾN DIỆN CỦA LUẬN ĐIỂM “CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN KHÔNG CÒN PHÙ HỢP Ở THẾ KỶ XXI”


--Trần Văn--
Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu nổi bật và vĩ đại của trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội trong lịch sử thế giới hiện đại. Sức sống và ảnh hưởng của nó không chỉ được minh chứng bởi những biến đổi trong thế kỷ XIX, mà còn cả trong thế kỷ XX với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đánh dấu sự ra đời CNXH hiện thực, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Thời đại ấy vẫn đang là chiều hướng vận động, phát triển của lịch sử thế giới ngày nay. Vì vậy, quan điểm cho rằng “chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp ở thế kỷ XXI” là hoàn toàn phi lý, phiến diện.
Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, cách mạng khoa học - công nghệ, sự bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức cùng với sự biến đổi dồn dập, khó lường trên nhiều lĩnh vực đang là những yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, hối thúc mạnh mẽ các quốc gia phải ra sức đổi mới, chủ động hội nhập, tìm kiếm cho mình triết lý và mô hình phát triển phù hợp. Sự khác biệt, đấu tranh ý thức hệ không mất đi, mà còn gay gắt và phức tạp hơn. Song, xu thế quan hệ, hợp tác giữa các nước là cùng tồn tại, cùng hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh, song phương và đa phương là đặc điểm của thế giới ngày nay.
Trong tình hình đó, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là sự quan tâm của những người cộng sản và các nước lựa chọn con đường phát triển CNXH, mà còn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, vận dụng của những người không theo chủ nghĩa Mác - Lênin, xét trên bình diện ý thức hệ. Với một cách nhìn đa chiều, thái độ khách quankhoa học, tôn trọng sự thật lịch sử, chân lý và đạo lý, những nghiên cứu về chủ nghĩa Mác -Lênin đều có chung nhận định: chủ nghĩa Mác – Lênin, từ tinh thần đến phương pháp của nó đều nhất quán với quan điểm thực tiễn và phát triển. Đó là một hệ thống mở chứ không đóng kín, động chứ không tĩnh, thống nhất hữu cơ giữa chủ nghĩa duy vật (CNDV) biện chứng với phép biện chứng duy vật, luôn được bổ sung và phát triển, dung nạp vào mình những thành tựu lý luận mới và làm mới những nhận thức lý luận để phù hợp với đời sống hiện thực. Điều này được thể hiện ở những cống hiến vĩ đại mà kho tàng di sản kinh điển đồ sộ này mang lại cho nhân loại. Tiêu biểu là: (1) Làm sáng tỏ bản chất của lịch sử và hoạt động sáng tạo lịch sử của con người, lôgíc lịch sử - tự nhiên của phát triển. (2) Làm sáng tỏ tính khách quan, xu thế tất yếu lịch sử của CNXH, chủ nghĩa cộng sản (CNCS). (3) Làm sáng tỏ mục đích tự thân của lịch sử, tính hướng đích của CNCS là sự phát triển hài hòa, tự do của cá nhân và cộng đồng. (4) Làm sáng tỏ giá trị con người và nhân cách trong tiến trình giải phóng và phát triển. (5) Làm sáng tỏ văn hóa và giá trị văn hóa trong phát triển. Đó là những tổng quát về hệ giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã được minh chứng trên nhiều lĩnh vực, cả lý luận và thực tiễn.
Về mặt lý luận, trước hết phải nói đến cuộc cách mạng trong lịch sử triết học. Không ai có thể phủ nhận được rằng, chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã vượt qua chủ nghĩa duy tâm (CNDT) dưới mọi hình thức, vượt qua CNDV siêu hình và phép siêu hình để xây dựng nên CNDV biện chứng hoàn bị, từ duy vật biện chứng về tự nhiên đến duy vật biện chứng về lịch sử. Trên cơ sở giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản của triết học, các ông đã lần đầu tiên đem lại một quan niệm khoa học về phạm trù “thực tiễn”, “con người hiện thực”, đưa ra định nghĩa kinh điển về bản chất xã hội của con người: “trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa tất cả các quan hệ xã hội”. V.I. Lênin đánh giá rằng, CNDV lịch sử là thành quả vĩ đại bậc nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Cũng như vậy, phép biện chứng duy vật là tiêu điểm của thành quả đó. Nó đã khắc phục được “hai cái quên” lớn nhất của lịch sử tư tưởng nhân loại: quên điểm xuất phát là hiện thực khách quan của CNDT đủ mọi loại và quên vai trò tích cực của chủ thể là con người của CNDV siêu hình. CNDV lịch sử được xem là một trong những phát minh vạch thời đại do thiên tài C. Mác phát hiện ra.
Trong lĩnh vực kinh tế chính trị, bằng việc phát hiện ra quy luật Giá trị thặng dư, C. Mác đã lần đầu tiên vén lên bức màn bí mật, vạch trần bản chất bóc lột sức lao động công nhân của giai cấp tư sản trong nền sản xuất TBCN. Đây là phát minh thứ hai mà C. Mác đã đạt được từ sự nghiên cứu, khảo sát công phu CNTB ở thế kỷ XIX - thời kỳ phát triển mạnh mẽ CNTB tự do cạnh tranh.
Về CNXH khoa học, C. Mác – Ph. Ăng-ghen đã luận chứng khoa học về địa vị và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) hiện đại, xây dựng nên nguyên lý xuất phát của CNXH khoa học, thực hiện bước chuyển lý luận CNXH từ không tưởng tới khoa học, làm nên thắng lợi của CNXH trên địa hạt lý luận. Bằng cách đó, các nhà sáng lập CNXH khoa học đã lần đầu tiên “đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”, đúng như đánh giá của V.I. Lênin. Trên lĩnh vực này, không thể không nói tới những cống hiến xuất sắc của Ph. Ăngghen - “cái tôi thứ hai” của C. Mác - với những luận điểm về CNXH. Nổi bật là: “muốn cho CNXH trở thành khoa học, phải đặt nó đứng vững trên cơ sở hiện thực”; “một sự vật chỉ vừa mới manh nha (ý nói CNXH), còn đang trong quá trình hình thành mà càng cố mô tả nó chi tiết bao nhiêu thì càng dễ rơi vào không tưởng bấy nhiêu. Do đó, phải tỉnh táo đề phòng căn bệnh phóng họa lịch sử”; “giống như mọi chế độ xã hội, CNXH cũng như một cơ thể sống, nó phải thường xuyên đổi mới để tự phát triển, tự hoàn thiện”, v.v. Cùng với đó, chủ nghĩa Mác - Lênin còn xác lập niềm tin khoa học và thúc đẩy hành động cách mạng đối với GCCN và quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh chống CNTB, giải phóng GCCN, giải phóng dân tộc và xã hội loài người để giải phóng con người, thực hiện khát vọng tự do, lý tưởng của dân chủ, công bằng và bình đẳng xã hội cho tất cả mọi người trên trái đất. Vì vậy, nó đã thâm nhập vào triệu triệu khối óc và con tim của GCCN và nhân dân lao động, làm thức tỉnh lương tri và phẩm giá các dân tộc, trở thành vũ khí tư tưởng, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, tạo ra phong trào và lực lượng đấu tranh ở khắp mọi nơi, dẫn tới những bước ngoặt của lịch sử thế giới hiện đại, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, sinh thành sau Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917. Đây là thắng lợi của CNXH trên địa hạt thực tiễn, nó không chỉ là bước ngoặt về lý luận, mà còn là những bước ngoặt thực tiễn, đã đánh dấu sự ra đời CNXH hiện thực, chuyển CNXH từ học thuyết lý luận đến định hình một chế độ xã hội kiểu mới, mở đầu tiến trình lâu dài xây dựng CNXH.
Đặc biệt là, trong quá trình xây dựng CNXH, V.I. Lênin đã làm sâu sắc hơn “lý luận phát triển rút ngắn” và “phương thức quá độ gián tiếp” tới CNXH, phù hợp với các nước bỏ qua chế độ TBCN. Ông đã áp dụng “chính sách kinh tế mới” (NEP) thay thế “chính sách cộng sản thời chiến”; giải phóng lực lượng sản xuất thông qua dân chủ hóa kinh tế, áp dụng đòn bẩy kinh tế bằng kích thích lợi ích vật chất, kinh tế nhiều thành phần..., nên mang lại hiệu quả cao trong phát triển sản xuất, kinh tế. Những tư tưởng và luận đề của NEP vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa đối với cải cách, đổi mới CNXH ngày nay. Đó là: (1) Khi lực lượng sản xuất còn chưa phát triển thì quan hệ sản xuất mới dù có được xác lập sau thắng lợi của cuộc cách mạng chính trị của GCCN thì vẫn mới chỉ là hình thức mà thôi. (2) Bước vào công cuộc xây dựng CNXH, cái thiếu thốn lớn nhất của chúng ta là văn hóa, kể cả văn hóa lãnh đạo, quản lý. (3) Phải ra sức đào tạo cho chế độ mới một đội ngũ chuyên gia tài giỏi mà bất luận trong trường hợp nào cũng không được thua kém các chuyên gia tư sản. (4) Mấu chốt của vấn đề là tổ chức và cán bộ; phải chọn đúng người, giao đúng việc và kiểm tra thường xuyên. (5) CNXH không phải là sản phẩm được tạo ra từ những chỉ thị, sắc lệnh quan liêu từ trên ban xuống, mà là kết quả của sự nghiệp lao động sáng tạo của quần chúng lao động.
Chủ nghĩa Mác - Lênin còn chứa đựng nhiều nội dung tri thức thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau và còn rất nhiều luận điểm đặc sắc khác về sự hình thành và phát triển của CNXH, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bước quá độ tới CNXH, đã trở thành hệ tư tưởng, kim chỉ nam cho GCCN và cả nhân loại. Đó là những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin mà không ai có thể phủ nhận. Song, các ông không bao giờ coi học thuyết mình nêu ra là chân lý tuyệt đối, liều thuốc linh ứng có sẵn, câu trả lời vạn năng cho mọi tình huống của cuộc sống. Đó chỉ là những gợi ý về phương pháp, còn việc áp dụng, vận dụng nó vào thực tiễn đòi hỏi phải có sự nỗ lực sáng tạo của những người cách mạng, phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, không thể máy móc, giáo điều. V.I. Lênin thường nhấn mạnh, muốn không trở thành lạc hậu so với cuộc sống, những người cộng sản phải không ngừng bổ sung, phát triển lý luận mà họ theo đuổi. Tiếp thu tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta, học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là thuộc lòng từng câu chữ mà là nắm lấy tinh thần và phương pháp để ứng xử với con người và công việc cho đúng. Đây là một năng lực sáng tạo, một bản lĩnh khoa học và văn hóa để trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, bằng cách không ngừng tìm tòi, phát triển sáng tạo nó trong thực tiễn.
V.I. Lênin lưu ý rằng, thực tiễn không ngừng biến đổi và thay đổi, phong phú, đa dạng và cao hơn lý luận. Con người và tư tưởng của con người, kể cả những thiên tài, vĩ nhân cũng đều là sản phẩm của lịch sử, bị những hoàn cảnh, thời đại lịch sử chi phối, chế ước. Do vậy, chúng ta không thể đòi hỏi các nhà kinh điển phải cung cấp câu trả lời cho hậu thế những vấn đề đặt ra hiện nay, mà trách nhiệm đó thuộc về thế hệ hôm nay. Thoát ly hoàn cảnh lịch sử trong việc nhận thức, đánh giá những tư tưởng trong quá khứ là một việc làm phi khoa học và không thể nhận thức được chân lý. Như đã nói, những giá trị tinh túy, bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin nằm ở tầm quan điểm, phương pháp mà linh hồn của nó là phép biện chứng. Nắm lấy những quan điểm và phương pháp đó, chúng ta có trong tay chìa khóa để tìm lời giải cho những vấn đề đặt ra ở thời hiện đại và đương đại. Vì lẽ đó, luận điểm: “chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp trong thế kỷ XIX, cùng lắm trong thế kỷ XX chứ không còn phù hợp trong thế kỷ XXI” là cách nhìn chủ quan, thiên kiến. Một mặt, nó không thấy giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin; mặt khác, không thấy thực tiễn lịch sử đang diễn ra. Thực tiễn ấy chẳng những không hề phủ nhận mà còn khẳng định, xác tín rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn cần thiết cho cuộc sống của thế giới nhân loại ngày nay; rằng, không thể hình dung được thế kỷ XXI sẽ ra sao nếu không tính đến sự hiện diện của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn sinh động hiện nay đã minh chứng cho điều này.
Những năm gần đây, ở ngay các nước tư bản phương Tây, nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà triết học và kinh tế chính trị học vẫn tiếp tục nghiên cứu học thuyết của Mác và công bố những công trình quan trọng. Nhất là, trong cơn bão khủng hoảng tài chính từ nước Mỹ, lan rộng, làm rung chuyển thế giới TBCN và tác động sâu sắc tới tất cả các nước vào cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, không ít các chủ tư bản đã tìm đọc bộ Tư bản của C. Mác, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin mong tìm thấy ở đó câu trả lời, và đi đến nhận định: C. Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI.
Trong cuốn sách “Tại sao Mác đúng?” của tác giả Terry Eag-le-ton, Giáo sư trường Đại học Tổng hợp Lan-cas-te Vương quốc Anh, Ông khẳng định, C. Mác là người đầu tiên nhận biết được đối tượng lịch sử được biết đến là CNTB, chứng minh nó xuất hiện, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao. Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời và trong quá trình phát triển, nó luôn là sự phê phán quyết liệt nhất về mặt lý luận, phong phú nhất về mặt thực tiễn, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống TBCN. Thông qua phân tích, lý giải 10 vấn đề - sự phê phán phổ biến nhất đối với C. Mác, Eag-le-ton đã đưa ra những minh chứng vững vàng nhằm phản bác và đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Cùng với quan điểm này, Fredrie Ja-mo-son trong cuốn sách “Hệ tư tưởng của học thuyết”, xuất bản năm 2008 ở Lon-don đã khẳng định “Chủ nghĩa Mác dứt khoát đúng”. Eag-le-ton đã nhận thức rằng, có sự phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin là do sự non kém về lý luận, cách nhìn phiến diện, chụp mũ, lấy một vài hiện tượng, mô hình trong thực tiễn không đúng với học thuyết của C. Mác để đổ lỗi cho C. Mác sai. Ông cũng đồng thời vạch rõ, CNTB dù có lúc đạt được hiệu quả nhưng nó làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được ngụy tạo bằng hình thức tự do, là bất công trong tình cảnh phân biệt giàu nghèo gia tăng, là nạn diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, “là vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại. Tức là con đường TBCN đang đi cũng là đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này”. Ở trong lòng CNTB phát triển cao, Eag-le-ton thấy rõ, “những nhà nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử chiếm đoạt nô lệ, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm. CNTB cũng được tôi luyện trong máu và nước mắt, chỉ có điều nó đã tồn tại đủ lâu để người ta quên đi nỗi khủng khiếp đó. Do đó, để loài người có được bước phát triển cao hơn, an toàn, công bằng hơn về vật chất và tinh thần thì cần phải có một hình thức xã hội khác cao hơn xã hội tư bản”. Đánh giá về tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác - Ph. Ăng-ghen khởi thảo, Eag-le-ton cho rằng: “không nghi ngờ gì, đó là tác phẩm duy nhất có ảnh hưởng nhất được viết ra trong thế kỷ XIX. Hầu như không một nhà tư tưởng nào, không một nhà chính trị nào, nhà khoa học, nhà quân sự, nhà truyền giáo nào, mà lại làm thay đổi tiến trình lịch sử một cách rõ ràng như tác giả của Tuyên ngôn”5.
Những dẫn giải nêu trên từ chính các học giả tư sản, sống trong lòng CNTB hiện đại, trực tiếp trải nghiệm thực tiễn xã hội tư bản đã đánh giá một cách công bằng, tôn trọng sự thật, không thiên kiến, không duy ý thức hệ, nói tiếng nói khẳng định giá trị, ý nghĩa, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tính triển vọng tất yếu của CNXH. Đó là cơ sở tin cậy để phản bác những sai trái, những sự lầm tưởng và cả những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin. Những gì đã định hình thành giá trị văn hóa, trở thành tài sản văn hóa tinh thần của nhân loại thì sẽ còn mãi cùng lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin nằm trong trường hợp đó. Trí tuệ, tư tưởng, nhân cách của C. Mác và của các nhà kinh điển đã cùng Ông sáng tạo ra “đại lý thuyết” về phát triển xã hội theo con đường CNXH và CNCS, đem lại tự do, hạnh phúc cho con người, đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng con đường đi của lịch sử tới một tương lai tốt đẹp.

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch rất điên cuồng chống phá Việt Nam; chúng dùng mọi thủ đoạn để chống phá; chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.

    Trả lờiXóa