Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh


Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo lý luận xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn Việt nam, giải quyết thành công hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn, đảm bảo cho Đảng luôn lớn mạnh, trưởng thành. Một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đó là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong phần lớn bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề tự phê bình và phê bình ở nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau, với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Những quan điểm của Người về tự phê bình và phê bình rất ngắn gọn, rõ ràng, mộc mạc, dễ hiểu, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc lý luận Chủ nghĩa Mác- Lênin và truyền thống văn hóa, đạo lý của dân tộc Việt Nam, chứa đựng chiều sâu của một chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Tuy nhiên, hiện nay một số người đã xuyên tạc tư tưởng của Người, đưa ra những luận điệu sai trái nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bởi vậy, chúng ta cần hiểu rõ hơn tư tưởng của Người nói chung và tư tưởng về tự phê bình và phê bình nói riêng.
Trước hết, cần hiểu mục đích tự phê bình và phê bình là để giúp nhau tiến bộ, đoàn kết thống nhất nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, trong mỗi người đều có “mặt tốt” và “mặt xấu”, “cái thiện” và “cái ác”, “tính lành” và “tính dữ”. Muốn loại bỏ những “mặt xấu”, “cái ác” và “tính dữ” trong bản tính cũng như khuyết điểm, sai lầm trong công việc của mỗi người, giúp họ trở thành người thiện, người tốt và tiến bộ không ngừng thì không có biện pháp nào bằng tự phê bình và phê bình. Trong mỗi con người, đều có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, không ai giống ai, có người nhận thức nhiệm vụ tốt, có người nhận thức chưa tốt. Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không thể tránh khỏi có những người vi phạm kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”, hay “Vì Đảng rất to, người rất đông, mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết, trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau” nên trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, mà chủ yếu sai lầm là vì không hiểu, không biết. Chính vì vậy, “mỗi Đảng viên, mỗi cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau, thang thuốc hay nhất, thiết thực nhất là tự phê bình và phê bình”.

          

1 nhận xét: