Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Đòi "đa nguyên, đa đảng" – một chiêu bài lỗi thời




Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ XX, khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, trào lưu đòi “đa nguyên, đa đảng” của các “nhà dân chủ” nhằm lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi theo quỹ đạo của vòng xoáy khủng hoảng rộ lên quyết liệt. Họ tung tin: “Chừng nào ở Việt Nam chỉ có độc đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền dân chủ thực sự”; và rằng, “muốn có dân chủ thực sự thì Việt Nam phải hội nhập vào xu thế đa đảng như phương Tây”(?). Họ ra sức tuyên truyền, phụ họa cho những điều phi lý, hòng “đổi trắng thay đen” và “đánh tráo lịch sử”, với mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước và xã hội. Trong thành phần của “dàn hợp xướng” đó, có cả một số người từng được học hành tử tế trong chế độ XHCN, có điều kiện phát huy tài năng trên các lĩnh vực hoạt động và có cả những người từng vào sinh ra tử vì lý tưởng Cộng sản, từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị… Đáng tiếc là, trước những khó khăn của cách mạng và sự tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, họ đã “trở cờ”, thậm chí còn làm “người lính xung kích” phục vụ cho những mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích chính đáng của dân tộc. Để đạt mục đích đề ra, các “nhà dân chủ” đã không từ một thủ đoạn nào để chống phá nền tảng tư tưởng, chính trị của đất nước; trong đó, viết bài, tán phát tài liệu với nội dung tô hồng nền dân chủ, lối sống phương Tây; đả kích chế độ hiện hành, phủ nhận những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN; kích động mâu thuẫn nội bộ, cho rằng trong Đảng, trong Quốc hội có bè nọ, phái kia,… là những thủ đoạn quen thuộc.
Gần đây, trên các trang mạng xã hội lại rộ lên những bài viết về đề tài này. Lời lẽ của những bài viết đó chẳng có gì mới; vẫn lặp lại những ngôn từ cũ rích, như: “độc đảng là mất dân chủ”, “ĐCSVN tiếm quyền lãnh đạo” hoặc chỉ có thực hiện chế độ “đa nguyên, đa đảng” thì “xã hội Việt Nam mới nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo”… Có tác giả còn lớn tiếng kêu gọi những đảng viên cộng sản hãy ra khỏi Đảng để thành lập một đảng mới, làm đối trọng với ĐCSVN. Họ cho rằng, có như vậy thì trong xã hội mới có dân chủ. Với vỏ bọc “vì dân, vì nước”, “đấu tranh cho nền dân chủ ở Việt Nam”, những tuyên bố của họ đã làm cho một số ít người thiếu hiểu biết lầm tưởng rằng: xã hội cứ có nhiều đảng thì sẽ có dân chủ hơn, có động lực để phát triển nhanh hơn.
Thực tế luôn khẳng định, chế độ một đảng hay nhiều đảng hoàn toàn chưa nói lên trình độ dân chủ ở từng nước; mà dân chủ phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền ở nước đó. Trên thế giới hiện nay, có những nước tồn tại nhiều đảng mà quyền tự do, dân chủ của nhân dân vẫn không được bảo đảm; ngược lại, có những nước chỉ một đảng cầm quyền, nhưng đảng đó biết đặt lợi ích của mình gắn bó với lợi ích của đa số nhân dân lao động thì quyền tự do, dân chủ vẫn được phát huy. Nước Mỹ hiện có 112 đảng, nhưng thực chất chỉ có Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập, nhưng xét về bản chất thì đảng nào cầm quyền cũng là đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản -  giai cấp chiếm số ít trong xã hội, nhưng lại nắm phần lớn tài sản của đất nước. Chính phong trào “Chiếm phố Uôn” ở nước Mỹ năm 2011 đã vạch trần thực chất nền dân chủ của Mỹ là nền dân chủ phục vụ cho 1%, của 1%, vì 1% dân Mỹ; đó là các nhà tư bản tài phiệt.
Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của ĐCSVN được Hiến pháp (1980 và 1992) khẳng định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong các kỳ đại hội, Đảng luôn nhất quán về vấn đề này. Điều này hoàn toàn không xuất phát từ ý muốn chủ quan của Đảng như các thế lực thù địch vẫn xuyên tạc, mà có cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Cần nói thêm rằng, không phải Việt Nam chưa từng có chế độ đa đảng, mà chính lịch sử đã sớm phủ nhận chế độ đó. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, xã hội Việt Nam đã có giai đoạn tồn tại nhiều đảng phái, với những xu hướng chính trị khác nhau. Năm 1946, trước yêu cầu của cách mạng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, ĐCSVN đã tuyên bố tự giải tán để thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với sự tham gia của nhiều đảng phái đối lập, như: Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)…, với mục tiêu chung là chống thực dân Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Nhưng khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, thì hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo, chỉ còn ĐCSVN là trung thành với lý tưởng của mình, lãnh đạo nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp, sau đó là đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước đi vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Cũng có thời kỳ, ngoài ĐCSVN, tồn tại Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam; nhưng, cả hai đảng đều công nhận sự lãnh đạo của ĐCSVN và khi nhận thấy không còn vai trò lịch sử thì đã tuyên bố tự giải tán. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng cho thấy, sự tồn tại một đảng hay nhiều đảng là do yêu cầu khách quan của lịch sử và sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân. Vai trò độc tôn lãnh đạo của ĐCSVN là sự lựa chọn khách quan của lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, không như luận điệu của các “nhà dân chủ” cho rằng ĐCSVN “tiếm quyền”. Vì thế, mọi mưu đồ đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam đều không thể chấp nhận được!
Cũng phải thấy rằng, trong quá trình lãnh đạo, ĐCSVN không tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm, thậm chí đã có lúc phạm sai lầm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Song, Đảng đã nghiêm túc tự chỉnh đốn, tự đổi mới thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, nhằm tiếp tục lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Mới đây, trên cơ sở nhận thức được những nguy cơ có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, Đảng đã ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm. Đây được coi là nghị quyết của “ý Đảng, lòng dân” nhằm xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Chúng ta không phủ nhận trong xã hội vẫn còn những biểu hiện thiếu dân chủ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng đó chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, là những thiếu sót, hạn chế cụ thể trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN. Không thể xem đó là bản chất của Đảng; cũng không thể coi đó là bản chất của nền dân chủ mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang gắng sức xây dựng; càng không thể dựa vào những hiện tượng đó để tạo cớ đòi “đa nguyên, đa đảng”. Phía sau chiêu bài kích động đòi “đa nguyên, đa đảng”, không có mục đích gì khác ngoài mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thu được nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao; dân chủ xã hội ngày càng được bảo đảm… Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN trong công cuộc giải phóng dân tộc trước kia, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực tiễn đó cũng là minh chứng hùng hồn bác bỏ ý kiến của những người lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với đất nước không phải là sự lựa chọn một đảng hay nhiều đảng mà phải thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lãnh đạo của ĐCSVN trong tiến trình phát triển. Mọi mưu toan kích động, đòi “đa nguyên, đa đảng” chỉ là một chiêu bài đã lỗi thời./.


3 nhận xét:

  1. Mọi mưu toan kích động, đòi “đa nguyên, đa đảng” chỉ là một chiêu bài đã lỗi thời./.

    Trả lờiXóa
  2. Đa nguyên, đa đảng tất yếu các đảng phái chính trị phải tìm các thủ đoạn để chèn ép lẫn nhau, tìm các thế lực bên ngoài làm chỗ dựa. Và khi đó, việc liên minh chính trị với các nước khác để chống lại các lực lượng chính trị đối lập và có thể phụ thuộc để thực hiện tham vọng chính trị, quyền lực của mình. điều đó làm cho nhân tâm ly tán, đất nước hỗn loạn, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định chính trị đất nước, kinh tế lâm vào khủng hoảng, đất nước bất ổn và gặp muôn vàn khó khăn, đời sống thậm chí tính mạng của người dân bị đe dọa. Đó sẽ là điều kiện để các thế lực nước ngoài lợi dụng can thiệp, tác động “chia năm xẻ bảy” phá hoại đất nước, thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối.

    Trả lờiXóa
  3. Đa nguyên, đa đảng tất yếu các đảng phái chính trị phải tìm các thủ đoạn để chèn ép lẫn nhau, tìm các thế lực bên ngoài làm chỗ dựa. Và khi đó, việc liên minh chính trị với các nước khác để chống lại các lực lượng chính trị đối lập và có thể phụ thuộc để thực hiện tham vọng chính trị, quyền lực của mình. điều đó làm cho nhân tâm ly tán, đất nước hỗn loạn, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định chính trị đất nước, kinh tế lâm vào khủng hoảng, đất nước bất ổn và gặp muôn vàn khó khăn, đời sống thậm chí tính mạng của người dân bị đe dọa. Đó sẽ là điều kiện để các thế lực nước ngoài lợi dụng can thiệp, tác động “chia năm xẻ bảy” phá hoại đất nước, thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối. Ngài Ngoại trưởng Mỹ khi sang thăm Việt Nam cũng phải thừa nhận Việt Nam chỉ cần một Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước là phù hợp. Vì điều kiện lịch sử, điều kiện tự nhiên và con người Việt Nam khác các nước nên ta không thể dập khuôn máy móc theo nước nào nếu thấy không phù hợp để phát triển và ổn định

    Trả lờiXóa