Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Không thể xuyên tạc thực tế về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam




Trên toàn lãnh thổ Việt Nam không có bất kỳ ai bị bắt, giam giữ hoặc kiểm soát, truy bức vì lý do tôn giáo. Bất cứ ai theo tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, thờ cúng, tiến hành các nghi lễ tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Vậy mà, vẫn còn có những người phát biểu rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Có lẽ những người này đã không hiểu tình hình thực tế ở Việt Nam, nhầm lẫn việc lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật với “quyền tự do tôn giáo”, hoặc cố tình xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam…
Trước hết, phải khẳng định rằng, bảo đảm tự do tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân là quan điểm cơ bản, nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ sau một ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3-9-1945, chủ tọa phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới thành lập, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Từ đó đến nay, quan điểm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành định hướng chung cho việc hoạch định và thực thi chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ cách mạng.

Hiến pháp - luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất của Nhà nước ta đều khẳng định công dân có quyền tự do tôn giáo. Điều 70 của Hiến pháp năm 1992 (Hiến pháp hiện hành) nêu rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua cũng đã khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.

 Không chỉ được thể hiện bằng các quan điểm, đường lối, chính sách, quy định của pháp luật mà trên thực tế, quyền tự do tôn giáo của mọi công dân, của mọi tổ chức tôn giáo chân chính với hàng chục triệu tín đồ trên cả nước luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, tôn trọng và tạo điều kiện hoạt động, phát triển. Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có gần 100.000 chức sắc tôn giáo, trên 22.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều công trình được trùng tu, xây mới. Tính riêng hai năm 2010 và 2011 đã có gần 500 công trình tôn giáo được xây mới, hơn 600 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo và các trường cao đẳng, trung cấp của các tôn giáo đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Hoạt động báo chí, in ấn, xuất bản trong lĩnh vực tôn giáo được đẩy mạnh, riêng Nhà xuất bản Tôn giáo đến nay đã xuất bản hơn 4000 đầu sách với số lượng hàng chục triệu bản.

Mọi sinh hoạt tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không gặp bất cứ sự cản trở nào. Đặc biệt, những ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức tôn giáo, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng vào chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất cao việc Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào năm 2008, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010...

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đến đời sống của bà con giáo dân, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào.

Khách quốc tế khi đến đất nước Việt Nam đều dễ dàng nhận thấy người dân theo tín ngưỡng, tôn giáo sinh hoạt bình thường và các lễ hội được tổ chức chu đáo tại các cơ sở thờ tự có sự tham gia đông đảo của người dân. Cựu Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ, khi về thăm Việt Nam, chứng kiến sự thật về tự do tôn giáo tại đất nước của mình đã phát biểu: “Không phải riêng tôi, mà cả trăm, nghìn Việt kiều về thăm quê hương đều thấy chùa chiền được xây cất ngày càng nhiều, người đi chùa, đi nhà thờ đông nghìn nghịt, hoàn toàn không có sự cấm đoán. Nếu mà nói về tự do tôn giáo thì thật sự có tự do, không ai có thể chối cãi được”.

Năm 2009, Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ do Phó chủ tịch M.L Cro-ma-ti dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam đã nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng Ba-lê-xtre-rô khi đặt chân tới Việt Nam hồi tháng 2 năm nay cũng ghi nhận: Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo của người dân.

Tiếc rằng, một số người, do chưa hiểu kỹ tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam đã có những thông tin sai sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Theo quan điểm của Liên hợp quốc trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 thì tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Sự giới hạn đó là cần thiết nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác. Nói cách khác, ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác…, đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Những tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo.

Nước Mỹ luôn tự nhận là quốc gia bảo đảm về tự do tôn giáo, nhưng tại đây, nếu ai đó có những hành vi danh xưng tôn giáo để tập hợp lực lượng, chống nước Mỹ đều bị cơ quan bảo vệ pháp luật ở các bang bắt, xử lý nghiêm khắc. Mới đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ đã bắt giữ 7 thành viên của nhóm Hutaree (tên thổ ngữ mà những người trong nhóm tự đặt ra) vì có hành vi chống lại chính quyền Mỹ. Nhóm Hutaree có trụ sở tại bang Michigan, đã lên kế hoạch giết một sĩ quan cảnh sát sau khi tấn công một đám tang, nhằm bắt đầu một cuộc nổi loạn, sử dụng vũ khí chống lại chính quyền Mỹ. Khi bị bắt, nhóm này xưng danh "chiến binh Thiên Chúa giáo" và nói rằng họ được quyền làm theo "Chúa".

Rõ ràng, tự do tôn giáo không thể đánh lận với một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau. Pháp luật ở Việt Nam và ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đều có những điều, khoản khẳng định: Mọi công dân trong một quốc gia đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm một tội thì dù công dân đó theo hay không theo tôn giáo cũng đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng.

Việc đánh giá hoạt động tự do tôn giáo phải dựa trên tình hình khách quan về đời sống tôn giáo ở một quốc gia, vùng, lãnh thổ, bao gồm cả đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần, không nên chỉ nhìn vào một số đối tượng theo tôn giáo nhưng vi phạm pháp luật lại “chụp mũ” cho rằng nhà nước đó đã “đàn áp tôn giáo”. Những ai lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định xã hội, lật đổ chính quyền thì đều được coi là vi phạm pháp luật của quốc gia ấy và họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét