Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

CẢNH GIÁC VÀ KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH VỚI CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG DÂN CHỦ ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẤT NƯỚC



Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, đồng thời có những bước đổi mới rõ rệt trong quản lý xã hội. Sự dân chủ không chỉ được thực thi trong các cơ quan công quyền, tổ chức chính trị - xã hội mà còn lan rộng trong toàn xã hội.
Thế nhưng có không ít trường hợp lợi dụng dân chủ để lấn tới, trở thành dân chủ quá trớn. Đó là tình trạng “nói càn”, “làm càn” ngày càng nhiều, thậm chí coi thường pháp luật, tuyên truyền chống phá Nhà nước...
Trong thực thi các thiết chế xã hội, tình trạng lợi dụng dân chủ để tụ tập đông người, kích động chống phá đất nước ngày càng phức tạp. Trong cơ quan, tổ chức thì có tình trạng lợi dụng dân chủ để kích động, khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ. Có người cả đời không có ý kiến đề xuất, tham mưu vấn đề gì mang tính xây dựng mà chỉ chăm chăm “canh me” đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới có vướng mắc chưa được giải quyết là nhào vô “đề nghị xử lý”. Nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để làm "anh hùng bàn phím", thể hiện "cái tôi cá nhân", đố kỵ, bất mãn xã hội, nói xấu bất cứ ai để được thỏa mãn sự ích kỷ đê hèn của mình. Sự vô danh, vô thưởng, vô phạt của mạng Internet đã dẫn đến một loại “anh hùng bàn phím” phổ biến ở nước ta, là những người sử dụng diễn đàn trực tuyến để thỏa mãn cái tôi cá nhân thay vì đóng góp vào chủ đề tranh luận. Nó xuất hiện ở nhiều dạng thức khác nhau: từ những phê phán, đả kích cá nhân, đến những lời bông đùa ác ý, và cả những bịa đặt không rõ chủ đích.
Cơ quan chức năng Việt Nam luôn coi trọng phản biện và thông tin đa chiều, bởi một xã hội không có tương tác giữa các quan điểm khác biệt thì không thể phát triển. Tuy vậy, tranh luận cần phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng người khác, sử dụng chứng cứ và lý lẽ nhằm tìm ra sự thật và chân lý. Tranh luận để phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác đều không nên khuyến khích.
Không phải chỉ đến bây giờ những kiểu “anh hùng” như trên mới xuất hiện. Đó là một hiện tượng xã hội mà có lẽ thời kỳ nào cũng có: người ta cũng đã từng kèn cựa nhau ở sau lũy tre làng hay trong khu nhà tập thể thời bao cấp.
Nhưng Internet đã cung cấp những công cụ hoàn hảo để nâng tầm ảnh hưởng của hiện tượng này lên phạm vi lớn hơn nhiều. Sự dễ dàng phát tán và tốc độ lan truyền chóng mặt của nó có thể đưa thông tin đến với hàng triệu người dùng internet trong nháy mắt và tác hại cũng khôn lường hơn.
Thời phong kiến, trước công đường thường được đặt cái trống để người dân đến đánh trống kêu oan hoặc tố cáo phạm pháp. Thế nhưng sau khi đánh trống, người đi kêu oan, tố cáo lập tức được quan phủ cho tạm giam. Việc này vừa để bảo vệ người đi tố cáo, kêu oan, đồng thời chờ kết quả xét xử như thế nào để xử lý tiếp. Nếu tố cáo đúng sẽ được minh oan, giải quyết, nhưng tố cáo sai sẽ bị phạt nặng.
Ngày nay, trình độ văn hóa và mặt bằng xã hội đã cao hơn rất nhiều nên không thể áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, cần có sự nghiêm khắc của cơ quan công quyền để bảo đảm xã hội vận động trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tất nhiên, luật dù có chặt chẽ đến đâu thì đều có kẽ hở, đặc biệt là các quy định liên quan đến một không gian vô tận như thế giới ảo. Suy cho cùng, việc “sống tử tế” trên mạng phụ thuộc phần lớn vào thái độ của mỗi người song không thể để dân chủ quá trớn trở nên phổ biến và tạo thành sự bất ổn trong xã hội./.

1 nhận xét:

  1. Đúng rồi, mỗi người dân phàm là người Việt Nam đều phải cảnh giác và đấu tranh với bọn chúng.

    Trả lờiXóa