Trong Hiến pháp năm 2013, tại
Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số ý kiến đề nghị bỏ
Điều 4 trong Hiến pháp, vì cho rằng, làm như vậy là Đảng Cộng sản Việt Nam “tự
áp đặt quyền lãnh đạo của mình đối với nhà nước và xã hội”, là “trái với quyền
làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và là ngược với bản chất
của nhà nước pháp quyền”, rằng “chủ thể lãnh đạo hãy để cho dân bầu chọn trong
các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ…., việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh
tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của
đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả của các đảng viên trung thực của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay của đất nước”. Về thực chất, những
ý kiến đó chỉ là sự áp đặt chủ quan mà không dựa trên cơ sở lý luận khoa học và
thực tiễn. Vấn đề đặt ra không phải chuyện thích để hay là bỏ Điều 4 trong Hiến
pháp; không phải là để cho nhân dân tự do muốn lựa chọn chủ thể lãnh đạo của đất
nước là tổ chức, lực lượng nào cũng được; không phải chuyện Đảng Cộng sản Việt
Nam bỗng dưng tự rút khỏi vũ đài chính trị, tự từ bỏ vai trò cầm quyền của mình
để trở thành một lực lượng đối lập, cạnh tranh chính trị với các đảng phái
chính trị khác cho hợp xu thế lịch sử. Vấn đề đặt ra ở đây là phải lý giải cho
rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
* Về mặt lý luận, theo quan điểm của học thuyết Mác -
Lênin về chính đảng của giai cấp công nhân; tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và
công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
về xây dựng Đảng đã khẳng định rõ cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng đối
với Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp
công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân
dân và của cả dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò, sứ mệnh lãnh đạo giai
cấp công nhân, nhân dân lao động lật đổ chế độ thực dân, phong kiến; xây dựng một
xã hội mới, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng
sản. Khi chưa giành được chính quyền, Đảng trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân
dân lao động đứng lên làm cách mạng; khi cách mạng thành công, xây dựng Nhà nước
của dân, do dân, vì dân, Đảng trở thành đảng cầm quyền, trực tiếp lãnh đạo Nhà
nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị, lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và cuối
cùng là chủ nghĩa cộng sản.
* Về mặt thực tiễn,Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng được giai cấp
công nhân, nhân dân, dân tộc tin cậy trao cho sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
Việt Nam.Nhìn lại lịch sử dân tộc ta cho thấy,vào những năm cuối của thế kỷ XIX
và những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, mặc dù phong trào đấu tranh chống thực dân
Pháp, phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra sôi nổi, rộng khắp nhưng do
chưa có một đường lối đúng đắn nên đều bị thất bại. Tình hình đó đòi hỏi phải
có một tổ chức, một lực lượng chính trị có lý luận cách mạng soi đường, có đường
lối cách mạng đúng đắn để lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân
tộc. Và chính trong bối cảnh đó Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03-02-1930 đã mở ra bước ngoặt quyết định trong quá
trình phát triển của dân tộc ta, chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối
và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Ngay
từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được giai cấp công nhân, nhân dân lao
động và dân tộc nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, tin theo và lựa chọn là lãnh tụ
chính trị của mình. Đó là sự lựa chọn hoàn toàn chính xác, đúng đắn, phù hợp với
xu thế vận động tất yếu của lịch sử và đặc điểm của dân tộc Việt Nam.
Thực
tiễn hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo
nhân dân ta đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho
dân tộc; tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau ngày
giải phóng miền Nam (4-1975) đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành khắc
phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đánh thắng
2 cuộc chiến tranh xâm lược ở hai đầu đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc; thực hiện trọn
vẹn nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Campuchia anh em; lãnh đạo nhân
dân ta tiến hành công cuộc đổi mới, thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo
dài, tiếp tục phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thực
tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, trong cuộc đấu tranh giành
chính quyền, trong những năm kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, Đảng luôn trung
thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân, của toàn dân tộc; đội
ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách
mạng, trong hoàn cảnh nào vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, vì
cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của
nhân dân. Chính vì vậy mà nhân dân ta, dân tộc ta thừa nhận Đảng Cộng sản Việt
Nam là lãnh tụ chính trị của mình mà không lựa chọn các đảng phái chính trị
khác, và một lòng ủng hộ Đảng, bảo vệ Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, mang hết
sức người, sức của phấn đấu vì mục tiêu của Đảng.
Từ
những cơ sở lý luận và thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời
đến nay càng khẳng định rõ, Đảng ta không tranh giành quyền lãnh đạo với các đảng
phái, các tổ chức chính trị nào khác, do đó việc khẳng định vai trò lãnh
đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là hoàn toàn hợp hiến, đúng đắn và cần
thiết. Điều đó hoàn toàn khác với chế độ tư bản. Bởi lẽ, trong chế độ tư bản,
thực hiện chế độ đa đảng, mặc dù đảng tư sản là đảng cầm quyền nhưng các đảng
phái chính trị trong xã hội tư bản vẫn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để
giành ưu thế trong nhà nước tư sản, thông qua nhà nước để thực hiện vai trò
lãnh đạo của mình đối với nhà nước và xã hội, để bảo vệ lợi ích của đảng mình,
giai cấp mình. Điều đó lý giải vì sao trong hiến pháp tư sản không có một điều
riêng về sự lãnh đạo của một đảng chính trị đối với nhà nước và xã hội. Do vậy,
trong chế độ tư bản, khi đã thực hiện chế độ đa đảng thì về mặt pháp lý buộc phải
thừa nhận nhà nước tư sản là chủ thể lãnh đạo xã hội, còn thực chất các đảng
phái của giai cấp tư sản vẫn thay nhau cầm quyền.
Thế
nhưng, trong nhiều năm qua, các học giả tư sản, các phần tử cơ hội về chính trị,
các thế lực phản động trong nước và nước ngoài luôn đòi bỏ Điều 4 trong Hiến
pháp, không thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà
nước và xã hội, thực chất là họ muốn đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ
nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng như các nước tư bản. Các quan điểm đó hoàn toàn
trái với khát vọng và mong muốn của nhân dân ta, dân tộc ta, đã và đang phấn đấu
vì một chế độ xã hội tốt đẹp, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh.
Điều
4 trong Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước
và xã hội, nhưng Đảng không phải là một tổ chức siêu quyền lực, đứng trên Nhà
nước, nhân dân, xã hội mà thể hiện rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ của Đảng
trong hệ thống chính trị của đất nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước, chăm lo xây dựng
Nhà nước vững mạnh, tôn trọng vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước đối với hệ
thống chính trị và xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận trong
hệ thống chính trị. Nhà nước có trách nhiệm quán triệt, cụ thể hóa quan điểm,
đường lối, chính sách của Đảng thành Hiếp pháp, pháp luật, đến lượt mình, mọi tổ
chức và đảng viên của Đảng đều phải chấp hành, hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhân dân nhưng vì lợi ích của
nhân dân, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với dân, chịu sự giám sát của nhân
dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đó là những
vấn đề rất cơ bản, cốt tử được khẳng định ở Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013,
qua đó phản ánh rõ bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng Cộng sản chân
chính, thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ xã hội nghĩa, nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân.