Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

                                     
 Ở nước ta cũng như trên thế giới, internet, các trang mạng xã hội phát triển mạnh. Do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng... nên những quan điểm sai trái trên internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Trong thời gian qua, không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên-đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này.
1. Nâng cao nhận thức và tinh thần chủ động đấu tranh trong tình hình mới
Quy mô, phạm vi ảnh hưởng của thông tin trên mạng internet rộng lớn hơn nhiều so với các phương tiện thông tin thông thường khác. Với internet, mọi người có khả năng và điều kiện rất thuận lợi trong việc tiếp cận trực tiếp với các nguồn thông tin. Thông tin trên mạng internet ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của công chúng trong nước và trên thế giới; tạo cơ hội thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ giao lưu, hội nhập quốc tế, tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và bạn bè trên thế giới.
Trong những năm qua, internet góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Theo số liệu từ bản báo cáo Online and upcoming: The Internet’s impact on aspiring countries(1) của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, internet đã đóng góp 0,9% vào GDP của Việt Nam trong năm 2010 và dự báo sẽ sớm tiệm cận mức trung bình của khu vực (2%) và còn có thể đạt tới 2,5% trong tương lai(2). Hơn nữa, ý nghĩa giá trị vô hình mà internet mang lại còn lớn hơn rất nhiều so với những con số định lượng...
Tuy nhiên, internet đang được các thế lực phản động sử dụng để truyền bá, phát tán và gieo rắc các quan điểm sai trái, thù địch, thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình đối với CNXH. Chúng ra sức khai thác tất cả các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội nước ta, trong đó đặc biệt chú ý đến những thông tin về đời sống chính trị. Đây là những thông tin có ảnh hưởng rộng lớn, mạnh mẽ đến từng cá nhân trong xã hội, đặc biệt là ở những khu vực đô thị mật độ dân số đông, trình độ văn hóa cao. Điều này chủ yếu xuất phát từ những lý do cơ bản: Một là, thông tin chính trị chiếm vị trí quan trọng nhất trong sự quan tâm của nhân dân. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ tâm lý truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta về ý thức chính trị - xã hội. Mặt khác, các thông tin chính trị bao giờ cũng có những mối liên quan trực tiếp, gần gũi với lợi ích của mỗi thành viên trong xã hội. Hai là, thông tin chính trị được khai thác trên internet được tái truyền thông mở rộng trong xã hội theo các con đường khác nhau như truyền miệng, khuếch tán tiếp trên mạng hoặc chuyển tiếp dưới dạng văn bản in ấn. Vì thế thông tin chính trị trên mạng có sức lan tỏa mạnh trong xã hội. Ba là, những thông tin chính trị trên internet tồn tại và được bảo toàn như một kho dữ liệu mở cửa cho mọi đối tượng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Việc tiếp cận kho thông tin này ngày càng dễ dàng, thuận tiện hơn.
Trước tình hình đó, nâng cao nhận thức và tinh thần chủ động đấu tranh trên mặt trận truyền thông là nhiệm vụ cấp bách, nhằm tạo dựng hình ảnh trung thực về một Việt Nam gần gũi, thân thiện trong bạn bè quốc tế, giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu hơn và tin tưởng hơn vào Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tuyên truyền những thành quả mà nhân dân ta đạt được trong nhiều năm qua là cơ sở thực tế vững chắc trong đấu tranh chống các luận điệu thù địch, sai trái. Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Trên nhiều phương diện, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 2010, Việt Nam đã chính thức ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào ngưỡng của một nước có thu nhập trung bình. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Từ một quốc gia thường xuyên thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đứng ở vị trí hàng đầu về sản lượng xuất khẩu trên thế giới. Nước ta đã cụ thể hóa tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các nước trên thế giới. Việt Nam thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc về đích sớm nhiều mục tiêu. Nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng về các vấn đề phát huy dân chủ, về an sinh xã hội.
 Hiệu ứng mà những kết quả đó mang lại sẽ được nâng cao hơn nếu khi nó lan tỏa rộng rãi đến với dư luận thế giới. Nhưng trước sự cách trở của không gian và ngôn ngữ, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, nếu như chúng ta không tích cực, chủ động cung cấp thông tin thì vô hình trung sẽ tạo nên khoảng trống cho sự tồn tại của các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc. Cung cấp thông tin một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ là sự phản bác có hiệu quả nhất đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá và cũng là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu “cần thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù địch.
2. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngăn chặn mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc trên internet của các thế lực thù địch
Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, thông tin đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi cá nhân, tổ chức. Thông tin được khai thác trên internet có nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Các phương tiện tiếp nhận thông tin ngày càng hiện đại, tinh vi. Khó có thể cấm đoán công dân khai thác thông tin trong một xã hội thông tin hiện đại. Do vậy, tất yếu chúng ta phải có những giải pháp tối ưu giảm thiểu tác động của nó đến nhận thức của những chủ tiếp cận thông tin. Để làm tốt công tác này, cần chú trọng tới một số nội dung:
-  Các cấp ủy đảng chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, trang bị phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học.
- Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Trong thời gian vừa qua, trên một số trang thông tin điện tử như “Dân làm báo”, “Quan làm báo”, “Biển Đông”... và một số trang mạng khác, các thế lực thù địch cùng các phần tử cơ hội thoái hóa biến chất trong nước liên tục đăng tải những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta. Đây là mưu đồ nhằm gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội, phương hại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, ngăn cản mục đích tốt đẹp của chúng ta trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bởi vậy, cần nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc, xử lý thông tin. Chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tham gia tích cực đấu tranh chống truyền thông tin xấu, thông tin thất thiệt.
Đối với các cơ quan hữu quan và cơ quan chuyên trách cần có sự phân loại thông tin và điều chỉnh những cách thức đấu tranh, hạn chế, bài trừ cho phù hợp:
- Đối với nguồn tin do các thế lực phản động tự khai thác, đăng tải trên internet và trên các trang báo mạng quốc tế đặt máy chủ ở nước ngoài, ta khó có thể tác động trực tiếp bằng luật pháp hay các công cụ quản lý. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn có thể hạn chế bằng cách kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những thông tin đó xuất phát từ nguồn nào, khi cần có thể dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn một cách kịp thời, hiệu quả. Nhưng quan trọng và căn bản vẫn là tạo sức đề kháng cho mỗi cư dân mạng để có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Muốn vậy cần tăng cường thông tin chính thống để thỏa mãn nhu cầu thông tin cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo bạn bè quốc tế.
- Đối với nguồn tin được cung cấp có chủ đích trong nước và nguồn tin từ báo chí của ta, chúng ta có khả năng chủ động giảm thiểu để dẫn tới khắc phục một cách căn bản bằng các giải pháp như giáo dục và thực hiện nghiêm luật và các quy định về giữ bí mật, hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan, tổ chức, cho đội ngũ nhà báo thường xuyên tác nghiệp trên internet
Các bộ, các ngành chức năng phối hợp tổ chức tốt công tác nắm tình hình dư luận xã hội, các luồng tư tưởng, tâm lý, chủ động cập nhật thông tin về đường lối chính trị, kinh tế, chính sách đối ngoại của các nước; âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng nước ta... Từ đó, tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trong nước, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác văn hóa thông tin với các nước, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhưng cần đấu tranh để giữ thế chủ động; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, đồng thời không làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước khác.
3. Đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông trên internet
Báo chí truyền thông là công cụ sắc bén và là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên
internet. Hiện nay nước ta có 62 báo điện tử, 1024 trang tin điện tử tổng hợp chung (trong đó có 300 trang của các cơ quan báo chí); tổng số trang mạng xã hội 191 trang; tổng số blog trên 2 triệu...
Thông qua internet, các cơ quan báo chí, truyền thông phải tích cực khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam và tính đúng đắn con đường đi lên CNXH của nước ta; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời làm rõ cơ sở khoa học của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đoàn kết dân tộc, dân chủ, nhân quyền, về hệ thống chính trị - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Internet đang trở thành phương tiện hiện đại và phương thức mang lại hiệu quả cao cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến và góp phần đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; chỉ rõ những thành tựu, hạn chế cũng như những bài học kinh nghiệm đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh này đòi lực lượng làm công tác thông tin đại chúng - những “chiến sỹ xung kích” trên mặt trận tư tưởng văn hóa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ cao, ngòi bút sắc bén. Hiệu quả của cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch còn phụ thuộc rất nhiều vào tài trí của đội ngũ những người tác nghiệp trên internet. Tài trí thể hiện ở chỗ vạch trần được bản chất, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, góp phần tích cực triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Muốn vậy, lực lượng này cần được thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trước hết là được trang bị đầy đủ, vững chắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình tác nghiệp, thông tin trước khi được đưa ra và đăng tải trên internet, những người làm báo mạng cần phải trung thực, cách tiếp cận sự kiện, cách nêu vấn đề cần phải đứng trên lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc; thông tin mang tính chất xây dựng, nói cái xấu để khắc phục, nêu cái tốt để khuyến khích phát triển.
Nhanh chóng tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm phát huy tính hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng. Đổi mới nhanh trang thiết bị kỹ thuật thông tin để có thể hoà nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới, nhằm phát huy được hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng. Sóng phát thanh, truyền hình không những cần mở rộng diện phủ sóng, tăng tần suất mà còn phải được hòa vào mạng internet để độc giả trong và ngoài nước tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, chính xác và đầy đủ nhất. Các ấn phẩm báo chí điện tử phải không ngừng đổi mới về hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút đông đảo người quan tâm và góp phần trao đổi thông tin với các tổ chức, các quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cũng như internet càng ngày càng phát triển, cần xây dựng hệ thống báo chí truyền thông phong phú, đa dạng, đảm bảo đủ sức mạnh và khả năng để đáp ứng một cách tích cực các nhu cầu thông tin ngày càng tăng. Các cơ quan báo chí truyền thông cần tiếp tục mở thêm các trang báo điện tử mới theo hướng tăng về số lượng, với nhiều địa chỉ để tạo ra nhiều kênh tiếp xúc khác nhau, đồng thời khác phải không ngừng hoàn thiện những trang đã có, nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút lượng truy cập. Các báo điện tử, trang tin điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện riêng cho điện thoại di động, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập internet qua mạng di động có thể dễ dàng khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.
Bên cạnh đó, cần xây dựng những kênh thông tin trên mạng vừa tin cậy đối với Đảng và Nhà nước, vừa thân thiện với cộng đồng mạng để thực hành công tác thông tin, tuyên truyền một cách nhanh nhạy, hiệu quả, đồng thời là kênh trực tuyến trao đổi, tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, chống đối chế độ. Cần đầu tư kinh phí thích đáng cho các cơ quan chức năng thực hiện các dự án sản xuất các phần mềm, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn các website, báo điện tử , blog, thư điện tử độc hại trên internet và trên mạng điện thoại di động. Cũng trong điều kiện đó, truyền thông đại chúng mới có đủ khả năng và sức mạnh tham gia vào hoạt động giao lưu quốc tế, có khả năng tiếp nhận, xử lý và khuếch tán vào dòng thông tin truyền thông quốc tế một lượng đủ lớn, đủ mạnh để tạo ra một tiếng nói công bằng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước, góp phần vào cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển về một “trật tự thông tin quốc tế mới”; qua đó phát huy và bảo vệ những lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét