Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong xây dựng pháp
luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam
Công tác Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong xây
dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần bảo đảm cho quan điểm,
đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được hiện thực
hóa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới.
Có thể nói mục tiêu
nhất quán, xuyên suốt của Đảng là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, việc
hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai,
minh bạch, mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung quan trọng. Trong thực tiễn hiện nay, các thế lực
thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực xây dựng pháp luật ở
Việt Nam với các phương thức, thủ đoạn rất đa dạng, có thể chỉ ra các thủ đoạn
phổ biến sau:
Thứ nhất, thông qua tài trợ các chương
trình, dự án hợp tác về xây dựng pháp luật với nguồn kinh phí lớn trong vỏ bọc
hỗ trợ xây dựng pháp luật nhưng lại đưa ra những yêu cầu, khuyến nghị sửa đổi
pháp luật, can thiệp, tác động vào quá trình xây dựng, ban hành pháp luật của
Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dự thảo chương trình, đề án, dự án xây dựng
luật, giai đoạn soạn thảo luật và thảo luận, giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý,
thông qua dự án luật.
Thứ hai, tìm cách quan hệ, móc nối, tiếp xúc với cán bộ làm
việc tại các cơ quan tham mưu, hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật, với
mục đích tác động, hướng lái pháp luật Việt Nam
Thứ ba, tác động, kích động các đối tượng chống đối, bất mãn
tuyên truyền, phê phán việc xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung, hệ thống
pháp luật nói riêng và công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước ta nhằm làm giảm
lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, lợi dụng các hiệp định thương mại, thỏa thuận quốc tế
mà Việt Nam tham gia để tác động, yêu cầu sửa đổi pháp luật. Gần đây nhất là
việc nước ta ký kết tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong
đó cài ẩn một số điều khoản tạo tiền đề pháp lý để các “tổ chức xã hội” trong
nước phát triển, dần tự do và thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý
của Nhà nước Việt Nam, tiến tới hình thành tổ chức chính trị đối lập.
Thứ năm, đưa ra các tuyên bố, kiến nghị tập thể, kích động
biểu tình, gây rối để tuyên truyền, gây sức ép đến các cơ quan nhà nước mỗi khi
có những chính sách, pháp luật mới được ban hành hoặc trong quá trình xây dựng,
sửa đổi pháp luật nhằm mục đích gây bất ổn tình hình chính trị - xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống
“diễn biến hòa bình” trong xây dựng pháp luật thời gian tới, các cơ quan, ban,
ngành chức năng, trong đó, nòng cốt là lực
lượng an ninh nhân dân các cấp cần nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt
một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các
quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong
xây dựng pháp luật. Cần quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa các chủ trương,
đường lối của Đảng về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp theo Đề án “Chiến
lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến
năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…
Hai là, làm tốt công
tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống
“diễn biến hòa bình” trong xây dựng pháp luật. Tham mưu cho các cơ quan, ban,
ngành trong việc soạn thảo, ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính
sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, cải
cách tư pháp.
Ba là, chú trọng công
tác vận động quần chúng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao
nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về âm mưu, hoạt động, phương thức, thủ
đoạn, sự nguy hiểm của “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong xây
dựng pháp luật ở nước ta.
Bốn là, tăng cường công
tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong xây dựng pháp luật, đặc biệt là
về hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật. Các cơ quan, ban, ngành hữu quan cần
thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong xây dựng
pháp luật.