Kinh tế thị trường là sản phẩm của sự phát triển xã hội loài người, là
trình độ phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa, trong đó toàn bộ các yếu tố
"đầu vào" và "đầu ra" của sản xuất đều được thông qua thị
trường. Sự hiện diện của kinh tế thị trường tại các quốc gia cho thấy nó đã thể
hiện có sức sống mãnh liệt và là bước phát triển mang tính quy luật trong lịch
sử nhân loại. Từ những mầm mống phát sinh trong nền kinh tế phong kiến, trải
qua quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa,… đã biến mọi yếu tố của sản xuất
(tư liệu sản xuất, sức lao động,…) thành hàng hóa. Kinh tế thị trường luôn tồn
tại và phát triển ngay cả khi một quốc gia nào đó không thừa nhận nó. Những động
lực phát triển mang tính nội sinh đã giúp cho kinh tế thị trường trở thành tất
yếu.
Đối với Việt Nam, xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta lựa
chọn và kiên định thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy vậy, đã có người tỏ ra
hoài nghi về tính đúng đắn của nó; hơn thế, họ còn đưa ra những luận điểm trái
ngược, dưới những "chiêu thức" khác nhau, hòng phủ nhận mô hình này.
Vì thế, tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và phản bác những quan điểm sai trái, thù địch là việc làm cần thiết hiện
nay.
Khi lựa chọn mô hình phát triển đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ: "Thực
hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành
phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng
xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"1.
Đảng ta còn khẳng định: đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế
thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa
vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối
bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội"2.
Nhưng có quan điểm ngược lại lập luận rằng: kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa là sự gán ghép cơ học 2 mảnh: kinh tế thị trường và định hướng
xã hội chủ nghĩa hay định hướng xã hội chủ nghĩa là ''tấm áo khoác ngoài"
của kinh tế thị trường; rằng kinh tế thị trường không đi cùng với chủ nghĩa xã
hội, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph.
Ăng-ghen sáng lập không "dung nạp" kinh tế thị trường. Hơn nữa, một nền
kinh tế chịu sự tác động cùng một lúc 2 loại quy luật trái chiều nhau thì khó
có thể tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn tạo ra
lực cản cho sự phát triển, v.v. và v.v. Chúng ta cần thấy rõ rằng, đó là sự ngụy
biện trơ trẽn, hòng tạo dư luận hoài nghi, tiến tới phủ nhận kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng ta biết, nhận thức và lựa chọn
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự nắm bắt và vận dụng xu thế
khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Trên cơ sở nhận thức
tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc rút kinh nghiệm phát
triển kinh tế thị trường trên thế giới, Đảng ta đã đưa ra chủ trương phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự thể hiện tư duy, quan
niệm của Đảng về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trên thực tế, sự phát triển kinh tế thị trường là sản phẩm của lịch sử
phát triển xã hội loài người, thành tựu của nền văn minh nhân loại và là giai
đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải
qua để đạt tới sự phát triển cao hơn. Phải thấy rằng, với sự lựa chọn mô hình
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thực sự đánh dấu chấm hết đối với mô
hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Ngày nay, thể chế kinh
tế thị trườnghầu như đã phủ kín bản đồ kinh tế thế giới và sự phân biệt về
trình độ phát triển chỉ còn ở mức độ đậm nhạt khác nhau mà thôi. Trong bối cảnh
ấy, hoàn toàn thấy, lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam là tất yếu và đó cũng là sự khẳng định đoạn tuyệt với mô hình kinh
tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu.
Đồng thời, cũng cần thấy rằng, kinh tế thị trường không chỉ là một kiểu
tổ chức kinh tế - xã hội, là "công nghệ", "phương tiện" để
phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là những quan hệ kinh tế - xã hội. Nó gồm cả
các yếu tố lực lượng sản xuất và một hệ thống quan hệ sản xuất, v.v. Do
đó, không có và không thể có một nền kinh tế thị trường
chung chung, trừu tượng, thuần túy tách rời hình thái kinh tế - xã hội, tách khỏi
chế độ chính trị - xã hội của một nước. Thực tiễn phát triển kinh tế thị
trường trên thế giới đã cho chúng ta thấy sự đa dạng về mô hình kinh tế thị trường.
Xét về đặc tính xã hội, thì có các mô hình kinh tế thị trường tiêu biểu, như:
mô hình "kinh tế thị trường xã hội" ở Cộng hòa Liên bang Đức;
"kinh tế thị trường hiệp đồng hay phối hợp" của Nhật Bản; "kinh
tế thị trường nhà nước phúc lợi" ở một số nước Bắc Âu; "kinh tế thị
trường xã hội chủ nghĩa" ở Trung Quốc, v.v. Những mô hình kinh tế thị trường
này vận hành theo các quy luật của nền kinh tế thị trường; song, trong quá
trình phát triển đều hướng tới các mục tiêu xã hội và phát triển con người,
v.v.
Như vậy có thể thấy rõ, kinh tế thị trường có khả năng thích ứng với
các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, không phân biệt chế độ chính trị và
trình độ phát triển của nền kinh tế. Những nước có nền kinh tế lạc hậu, với điểm
xuất phát thấp như Việt Nam có thể phát triển kinh tế thị trường, sử dụng kinh
tế thị trường để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội - "Dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Trong đó, cơ chế thị trường phải được
vận dụng đầy đủ, đồng bộ; Nhà nước tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật
của kinh tế thị trường. Theo đó, chúng ta nhận thức rõ được rằng, kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là 2 mảnh: "kinh tế thị trường"
với "định hướng xã hội chủ nghĩa" ghép lại làm một và "định hướng
xã hội chủ nghĩa" không phải là "tấm áo khoác ngoài" của kinh tế
thị trường, mà nằm trong mục tiêu
và nội dung hoạt động của kinh tế thị trường.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Việt Nam khởi
xướng là mô hình kinh tế thị trường kiểu mới, nhằm khắc phục những hạn chế và
tiêu cực của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhưng kế thừa và phát huy được
các yếu tố tích cực và hợp lý của nó. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế
thị trường mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường
trên thế giới. Vì thế, không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập cả
trong nhận thức lý luận, cơ chế chính sách và hành động thực tiễn. Chẳng hạn
như: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn
chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập
thể, về cơ chế phân bổ nguồn lực, sở hữu đất đai, cơ chế giá một số hàng hóa, dịch
vụ công thiết yếu3; Nhận thức và luận giải về định hướng chủ nghĩa
xã hội chưa đủ sức thuyết phục; Thực tế trong quá trình đổi mới vừa qua, chúng
ta đã có lúc quá nhấn mạnh định hướng xã hội chủ nghĩa, coi nhẹ quy luật, bản
chất của kinh tế thị trường và ngược lại. Chính điều này dẫn đến tình trạng: thể
chế kinh tế thị trường ở nước ta chậm được hoàn thiện, "thực thi thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn hạn chế"; những quy định
về gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp và quyền tự
do kinh doanh,… chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh
doanh không thật sự đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự tuân theo nguyên tắc thị
trường, trình độ phát triển các loại thị trường thấp, vận hành chưa đồng bộ,
thông suốt, v.v. Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn vào nền kinh tế, vẫn
còn tình trạng bao cấp, xin - cho trong xây dựng và thực thi một số cơ chế
chính sách. Và "những yếu tố đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền
kinh tế thị trường chưa được chú ý đúng mức"4.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện nhận thức mới về kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là "nền kinh tế vận hành đầy đủ,
đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng
xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó
là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản
lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo,
nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"5.
Sự tiệm cận với nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế của
mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa phải bao
hàm các tiêu chuẩn, nội dung của kinh tế thị trường hiện đại, vừa phải đảm bảo
các yếu tố đặc thù, riêng có - yếu tố Việt Nam - định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính "nội sinh" trong quá
trình phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, thể hiện ở những
điểm chủ yếu sau: (1) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt
Nam phải có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó
kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; (2) Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân
trong phát triển kinh tế - xã hội; (3) Bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; thực
hiện sự thống nhất giữa phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng
bước, từng chính sách phát triển; (4) Có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa; (5) Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển kinh tế thị trường
vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết để thực hiện định
hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.
Từ đây, có thể nói rằng, nội dung quan trọng nhất trong định hướng xã hội
chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta là phát triển bền vững.
Rõ ràng là trong đường lối phát triển của Việt Nam, khái niệm định hướng xã hội
chủ nghĩa chỉ có ý nghĩa thực tiễn khi mang "nội hàm" phát
triển bền vững vì sự tiến bộ xã hội, sự phát triển tự do và toàn diện
của mỗi cá nhân. Như vậy, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là không
mâu thuẫn nhau, mà thống nhất với nhau.
Hơn 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới và thực
thi mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế - xã hội
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu đáng kể, làm thay đổi rõ tình
hình đất nước. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã trở
thành nhân tố cơ bản đưa "Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và
tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung
bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế"6.
Kinh tế tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 7%/năm.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các
lĩnh vực kinh tế đối ngoại: xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI và
ODA), xuất khẩu lao động, du lịch,… được chú trọng phát triển và có đóng góp
quan trọng vào tăng trưởng GDP. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất
nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Nổi bật là Việt Nam - một trong những
quốc gia triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế gắn với xóa
đói giảm nghèo - đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên
niên kỷ (MDGs). "Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên,… Quan hệ
đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam
trên trường quốc tế được nâng cao"7.
Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu đạt được, chúng ta không phủ
nhận những hạn chế, khuyết điểm: "Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa
tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10
năm gần đây, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy
giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực
cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế,
văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề
xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả;
còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, một số
lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả
của công cuộc đổi mới"8.
Từ một số cơ sở lý luận, thực tiễn được luận giả trên, khẳng định việc
lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn
khách quan, hợp quy luật, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam. Những luận
giả đó giúp chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự
nghiệp đổi mới đất nước, kiên định mô hình phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cũng là cơ sở để chúng ta đấu tranh, bác bỏ
mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng phủ nhận mô hình kinh tế
này.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
1 - ĐCSVN
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.
2001, tr. 86.
2 - ĐCSVN
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 34.
3 - ĐCSVN
-
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 101.
4 - ĐCSVN
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 166.
5 - ĐCSVN
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.
2016, tr. 102.
6, 7, 8
- Sđd, tr. 65-66, 66, 67.