Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG - LÝ LUẬN NHẰM BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC


                              
Với cách nhìn tổng thể và khái quát, có thể thấy, văn hóa vừa thể hiện ở bình diện rộng, vừa thể hiện ở chiều sâu, tầm cao các giá trị mang ý nghĩa sáng tạo và nhân văn mà con người đạt được - những giá trị không chỉ có ý nghĩa đối với một dân tộc riêng biệt, mà còn có ý nghĩa phổ quát trong phạm vi đời sống văn hóa toàn nhân loại. Hội nhập quốc tế hiện nay đang làm cho đời sống văn hóa của đất nước không bị bó khuôn trong những giá trị văn hóa theo hệ tiêu chí chân, thiện, mỹ truyền thống của dân tộc, mà có nhiều văn hóa phẩm của các dân tộc khác đang và sẽ thâm nhập vào mọi phương diện của đời sống xã hội, lan tỏa và thấm sâu vào mọi tế bào của xã hội. Đó là xu thế khách quan. Tuy nhiên, sự thâm nhập ấy luôn luôn hàm chứa cả những khả năng thẩm lậu của các phản giá trị nếu chúng ta không kiểm soát, ngăn chặn được.
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc không những không dịu đi như nhiều người lầm tưởng, mà ngày càng diễn ra gay go, quyết liệt, phức tạp và mang nhiều sắc thái mới, trong đó lĩnh vực văn hóa đang là một mũi nhọn cực kỳ quan trọng. Do vậy, muốn phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tạo sức mạnh nội sinh của nền văn hóa, chúng ta cần chủ động định hướng sự thâm nhập những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, nhằm vừa làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam, vừa chủ động phá những cạm bẫy "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch về lĩnh vực văn hóa..
Thời gian gần đây, do xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 không ít người ra sức ca ngợi các lý thuyết phát triển của giới nghiên cứu phương Tây, đến mức coi đó là hình mẫu lý tưởng để áp dụng vào nước ta. Họ không thấy được hầu như tất cả các lý thuyết đó, kể cả những lý thuyết về kết hợp văn hóa và phát triển, đều chỉ nhấn mạnh vào các yếu tố kỹ thuật của sự tăng trưởng kinh tế mà không chú ý đến nhân tố xã hội, nhân tố con người. Một số người, kể cả những nhà văn hóa, đưa ra quan niệm văn hóa là lĩnh vực phi sản xuất, đứng ngoài kinh tế, chỉ là "cái bóng phản chiếu", là kết quả "thăng hoa" của kinh tế; đời sống vật chất có dư dật thì mới nói đến việc mở mang văn hóa. Bên cạnh đó vẫn còn không ít người vẫn coi văn hóa đơn thuần là sản phẩm thuộc hệ giá trị tinh thần, cho nên nếu có chấp nhận văn hóa như là động lực phát triển kinh tế thì cũng chỉ là sự tác động trở lại của "tính thứ hai" đến "tính thứ nhất", dù thừa nhận đó là sự tác động rất tích cực, năng động.
Để tiếp thu một cách chọn lọc những hạt nhân hợp lý của các lý thuyết phát triển đương đại, cần có cái nhìn phê phán trên cơ sở khoa học. Chỉ có đứng vững trên lập trường thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, chúng ta mới có công cụ nhận thức vĩ đại để xây dựng lý luận khoa học về triết học văn hóa, xã hội học văn hóa, nhân học văn hóa, đạo đức học văn hóa..., cũng như phát triển thực tiễn đúng hướng về văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa nghệ thuật, văn hóa ứng xử, giao tiếp, văn hóa quân sự... Chính vì vậy, để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận văn hóa, nhất là đấu tranh chống những quan điểm lệch lạc, phản động, cần đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta về văn hóa và xây dựng nền văn hóa.
Trên nền tảng tư tưởng ấy, cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận cần tập trung khẳng định, quần chúng nhân dân không chỉ là người hưởng thụ thành quả văn hóa mà còn là chủ thể tích cực của quá trình sáng tạo văn hóa. Không thể phủ nhận trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, có không ít giá trị dân tộc ta đã tiếp biến được từ các nền văn hóa khác trong quá trình giao lưu văn hóa. Nhưng bản sắc văn hóa độc đáo mang hồn dân tộc - cái "bộ gien" di truyền về mặt văn hóa của dòng giống "con Lạc, cháu Hồng" mà các thế hệ hôm nay có được - là do chính bàn tay, khối óc của tổ tiên chúng ta sáng tạo nên. Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, phải hết sức coi trọng việc khơi dậy niềm tự hào và ý thức kế thừa những di sản văn hóa quý báu ấy - sự kế thừa hết sức sáng tạo. Kế thừa văn hóa phải gắn với đổi mới văn hóa và phát triển văn hóa thì mới làm cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện đầy đủ bản chất sáng tạo và nhân văn của văn hóa.
Đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa cần tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ hiện đại. Chỉ khi có nhận thức đúng, các tầng lớp nhân dân mới chủ động, tích cực tham gia xây dựng nền văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội. Và đến lượt nó, thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc một cách khoa học mới có thể góp phần nâng cao hiệu quả khắc phục tệ nạn xã hội, chống lại sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phê phán tư tưởng sùng ngoại và khuynh hướng lai căng văn hóa, đấu tranh không khoan nhượng với nhận thức, hành vi phủ nhận giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam.
Đấu tranh tư tưởng - lý luận phải bênh vực cho quan điểm biện chứng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế: văn hóa nằm ngay trong kinh tế và kinh tế nằm trong văn hóa. Văn hóa không phải là sự phản ánh thụ động, là sản phẩm tự phát của kinh tế. Bởi vậy, không nên cho rằng, chỉ cần phát triển kinh tế thì văn hóa tự khắc phát triển theo. Có những nước kinh tế phát triển cao mà văn hóa, đạo đức, lối sống lại suy đồi. Trái lại, có nước trình độ phát triển kinh tế chưa cao nhưng ngay từ đầu đã coi trọng mở mang văn hóa, giáo dục để "làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự phát triển. Bản thân sự phát triển kinh tế cũng không phải chỉ do các yếu tố kinh tế đơn thuần như lao động, vốn, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên mang lại, mà ngày càng phụ thuộc vào tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người, từ sự hiểu biết đến đạo đức, lối sống, thị hiếu, trình độ thẩm mỹ... của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, lý luận văn hóa phải trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống lại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Hơn lúc nào hết, lý luận văn hóa của chúng ta hiện nay phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận nhằm phê phán các quan điểm và hành động phản văn hóa như: hoài nghi và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; dao động mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thoái hóa về chính trị - tư tưởng, sa đọa về đạo đức, lối sống; sùng bái nước ngoài, coi thường các giá trị văn hóa dân tộc...
Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa cần tập trung khẳng định, bảo vệ và phát triển nền tảng lý luận ở nước ta là thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về những vấn đề văn hóa và xây dựng văn hóa. Nội dung của toàn bộ hệ thống lý luận về văn hóa của chúng ta trước hết phải thể hiện chức năng khẳng định các chân lý, các giá trị văn hóa của nhân loại và của từng dân tộc. Song, việc chuyển tải các chân lý và các giá trị đó đến con người nhằm tích cực góp phần làm sáng tỏ những vấn đề có tính nguyên tắc trong nhận thức và trong thái độ ứng xử đối với văn hóa phải thông qua vai trò đặc biệt quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặt khác, việc tiến hành đấu tranh thắng lợi nhằm bảo vệ nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm của Đảng ta về văn hóa và xây dựng văn hóa sẽ làm cho quá trình phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay luôn được định hướng đúng đắn, khoa học, chống được những lực cản cả hữu hình và vô hình, không bị rơi vào hữu khuynh hoặc "tả" khuynh./.





1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa