Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Đổi mới, tận tâm, trách nhiệm, giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân

 

Với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung, trí tuệ, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Đây là kỳ họp cuối năm, đồng thời là kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng, khẩn trương về tiến độ thời gian để hoàn hành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.

Tại Kỳ họp này, với tỉ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 Luật, 09 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật; đồng thời, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước, các vấn đề quan trọng khác trong năm 2023 và quyết định phương hướng, giải pháp phát triển đất nước 2024; đồng thời tập trung thảo luận, quyết sách, đánh giá kết quả thực hiện những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng thời đã thông qua 9 Nghị quyết: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm: (1) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (2) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; (3) Luật Đường bộ; (4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (5) Luật Lưu trữ (sửa đổi); (6) Luật Thủ đô (sửa đổi); (7) Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội có nhiều đổi mới theo hướng sát thực tế, phản ánh đúng với tâm nguyện của cử tri, đó là: tiếp tục tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, đồng thời lần đầu tiên thảo luận riêng về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân.

Với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao với đất nước, đại biểu Quốc hội đã đi thẳng vào các vấn đề còn tồn tại, hạn chế để chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp trong quá trình thực hiện các Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn 310 đại biểu chưa được chất vấn và 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa được tranh luận, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu gửi văn bản chất vấn, cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của đại biểu Quốc hội  đối với đất nước.

Đáng lưu ý, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã hoàn thành công việc rất quan trọng, đánh dấu giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm để thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Công tác chuẩn bị và thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội đã công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến cử tri thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, cũng như tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mình phụ trách để nỗ lực hơn trong thời gian tới. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Công tác chuẩn bị và điều hành Kỳ họp chu đáo, khoa học, hiệu quả, đại biểu Quốc hội thảo luận, trao đổi, kiến nghị nhiều vấn đề tâm huyết, thiết thực, đem hơi thở cuộc sống vào Nghị trường. Trong đó phải kể đến sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại các phiên họp cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Công tác hậu cần, an ninh, y tế và mọi công tác đảm bảo phục vụ cho đại biểu Quốc hội rất tốt, giúp cho đại biểu yên tâm làm việc. Công tác tuyên truyền tại Kỳ họp bài bản, kịp thời, nhiều phiên truyền hình trực tiếp, giúp cử tri theo dõi, giám sát, góp phần thúc đẩy hoạt động Quốc hội ngày càng minh bạch, công khai.

Việc tổ chức Kỳ họp lần này là chia làm 2 đợt nối tiếp nhau (giống như Kỳ họp thứ 5) là cách làm khoa học, có nhiều điểm mới, rát sáng tạo. Quốc hội cần có thời gian nghỉ giữa kỳ họp để các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trước khi Quốc hội thông qua để ban hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu kiêm nhiệm có thời gian xử lý các công việc cần kíp của cơ quan, đơn vị và địa phương nhằm phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Với sự lãnh đạo sâu sát kịp thời của Đảng, sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của cơ quan dân cử, của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gắn với sự giám sát trực tiếp của Nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Với tất cả những nội dung phân tích nêu trên, có thể nói, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt, vì một Quốc hội hoạt động tận tâm, trách nhiệm, giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước./.

                                                            Lê Trường Giang Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét